Xử lý hình sự chủ để chó cắn chết người

06/04/2019 07:30 GMT+7

Sáng 5.4, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ NN-PTNT, ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y, cho biết để chó cắn chết người trước hết là trách nhiệm của chủ nuôi.

Trách nhiệm của địa phương
[VIDEO] Làng quê chấn động vì đàn chó dữ cắn chết bé trai 7 tuổi
Ông Thành cho biết, theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, người nuôi chó buộc phải đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chó thả rông hoặc khi ra đường phải rọ mõm, chủ đi kèm. Nếu không thực hiện, chủ chó bị xử phạt hành chính. Nếu chó nuôi gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ chó có thể bị xem xét xử lý hình sự. Nghị định 90 cũng quy định rõ, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó nuôi trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi thực hiện việc đăng ký. Cơ quan thú y chỉ có chức năng quản lý về dịch bệnh và tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Ông Thành nhấn mạnh, khung pháp lý quản lý đàn chó nuôi hiện đã đầy đủ, nhưng chính quyền địa phương không quyết liệt thực hiện nên thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý khi để chó thả rông, không đeo rọ mõm hay không đăng ký khi nuôi chó.
Qua theo dõi của Cục Thú y, đến nay chỉ có Hà Nội và TP.HCM có thành lập đội săn bắt chó thả rông, qua hoạt động cho thấy nếu chính quyền các địa phương thực sự vào cuộc thì sẽ quản lý được đàn chó nuôi, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua tại Hưng Yên.

Phạt tù từ 1 - 5 năm

Trường hợp bé Đào Đức Nguyên (7 tuổi, trú TT.Lương Bằng, H.Kim Động, Hưng Yên) mới đây bất ngờ bị đàn chó khoảng 6 con của bà Lê Thị An lao vào tấn công, cắn xé khiến bé tử vong sau đó, theo người dân địa phương, đàn chó của bà An rất hung dữ, từng tấn công nhiều trẻ em và người dân trong khu vực. Nhiều người cũng đã nhắc nhở bà An về việc nhốt chó, đeo rọ mõm an toàn nhưng bà An không nghe.
Đề cập đến nạn chó cắn chết người, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết pháp luật hiện hành có những quy định rất cụ thể đối với chủ nuôi động vật. Cụ thể, theo Quyết định số 193/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thì chủ nuôi chó có trách nhiệm thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã; đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. “Khoản 2, điều 7, Nghị định 90/2017 quy định xử phạt từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”, LS Hoan cho hay.
Còn với trường hợp tử vong khi bị chó cắn, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) đề nghị cần xem xét xử lý trách nhiệm hình sự chủ nuôi súc vật ở tội danh “vô ý làm chết người” tại điều 128 bộ luật Hình sự năm 2015.
“Khi chủ vật nuôi cẩu thả, không có biện pháp rào chắn súc vật, dẫn đến hậu quả chết người đối với người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm”, LS Tuấn nói.
LS Trần Mạnh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng việc chủ đàn chó ở Hưng Yên thả rông chó để chó tấn công gây chết người có thể bị xử lý hình sự theo điều 295 bộ luật Hình sự về hành vi vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người; mức phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Ngày 5.4, bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết số lượng trẻ bị chó cắn đến khám và nhập viện tăng liên tục trong 3 năm qua. Tại BV Nhi đồng 1, năm 2016 có 103 ca ngoại và nội trú. Năm 2017 lên đến 146 ca và 2018 có 147 ca. Tại BV Nhi đồng 2 số trẻ bị chó cắn đến BV cao hơn. Năm 2016 là 203 ca, năm 2017 là 257 ca và năm 2018 là 340 ca. Các vết thương chủ yếu ở vùng mặt, đùi, chỗ hiểm. Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trung bình mỗi tháng có 600 - 900 ca đến chích ngừa dại do bị súc vật cắn (chủ yếu là chó). Năm 2018 có 10 người bị bệnh dại lên cơn được chuyển đến BV này.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.