Xu hướng vi rút gây dịch Covid-19 giảm độc lực

20/04/2022 06:37 GMT+7

Theo Bộ Y tế , Việt Nam sẽ xây dựng song song hai kịch bản.

Một là khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành, bình thường mới. Hai là vẫn dự phòng các kịch bản khi xuất hiện tình huống mới, chủng mới mang tính nghiêm trọng, không để bị động.

Chia sẻ về kịch bản này, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vắc xin Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn.

“Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường”, ông Lân nói và cho rằng mỗi cá nhân nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Kịch bản thứ hai, GS Lân cho hay đến nay hiểu biết về vi rút SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra.

Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vắc xin, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.

Với kịch bản thứ hai này, VN sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.

“Mặc dù thời điểm này chúng ta đã có vắc xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch, nhưng ngành y tế phải thường xuyên cập nhật hơn nữa, kể cả về thuốc điều trị và đặc biệt là công nghệ vắc xin”, GS Lân nói.

Dữ liệu mới: Triệu chứng 83% bệnh nhân gặp phải khi bị tái nhiễm Covid-19

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng số ca mắc và tử vong do Covid-19 giảm là theo quy luật của một đợt dịch khi số người có miễn dịch tăng lên, ngăn chặn sự lây lan. Theo ông, việc tiêm phủ rộng 3 mũi vắc xin đã góp phần làm tăng miễn dịch cộng đồng, hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. Miễn dịch do vắc xin đã bảo vệ không để bệnh nặng xảy ra. Mặt khác, chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (trong đó có tiêm vắc xin và điều trị sớm) giúp giảm ca nặng và tử vong trong nhóm này. Do đó, ngay cả khi ca F0 tăng rất cao thì ca nặng và tử vong hiện nay không cao như hồi tháng 7 - 9.2021.

“Dịch giảm như hiện nay là giảm bền vững với biến chủng hiện nay. Có nghĩa là nếu xuất hiện biến chủng mới, có thể lại có 1 đợt dịch mới. Nhưng với chiến dịch tiêm vắc xin và bảo vệ người nguy cơ thì ngành y tế có thể hy vọng giữ thấp tỷ lệ tử vong”, TS-BS Vĩnh Châu nói. Tuy nhiên theo ông, phải qua 2 tuần sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 mới có thể biết được TP.HCM có giảm thêm số bệnh viện dã chiến hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.