Xu hướng giảm môn thi tuyển sinh vào lớp 10

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/12/2023 06:06 GMT+7

2024 là năm cuối cùng lứa học sinh lớp 9 học theo chương trình cũ sẽ thi vào lớp 10. Xu hướng chung chỉ thi 3 môn, những tỉnh vốn thi tới 5 môn cũng quyết định giảm còn 3.

Riêng Hà Nội, các trường dù sốt ruột nhưng vẫn tin không có lý do để tăng số môn thi.

TỪ THI 5 MÔN GIẢM CÒN 3

Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước đã có 6 tỉnh thành công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới. Ghi nhận cho thấy, chưa địa phương nào thi quá 3 môn, một số địa phương nhiều năm gần đây thi tới 4 - 5 môn vào lớp 10 thì năm nay đã quyết định giảm về mức 3.

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của tỉnh Ninh Bình công bố mới đây, kỳ thi này sẽ chỉ còn 3 môn gồm 2 môn "cứng" là toán và văn; môn thứ ba, thí sinh (TS) thi trắc nghiệm trong 60 phút, được chọn từ các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và tiếng Anh. Sở GD-ĐT sẽ công bố môn thi thứ ba vào ngày 1.3.2024.

Xu hướng giảm môn thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh 1.

Nhiều năm nay, học sinh tại TP.HCM thi tuyển sinh lớp 10 chỉ với 3 môn

NHẬT THỊNH

Như vậy, so với kế hoạch năm 2023, thời gian công bố môn thi sớm hơn 45 ngày. Tiếng Anh cũng có thể không còn là môn bắt buộc nếu sở GD-ĐT không chọn, khác với năm ngoái. Tổng số môn thi cũng giảm 2 môn. Kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh này nhiều năm nay gồm 3 bài thi: toán, ngữ văn và tổ hợp. Bài tổ hợp gồm 3 môn: tiếng Anh, khoa học tự nhiên (chọn ngẫu nhiên một trong 3 môn: vật lý, hóa học, sinh học), bài thi khoa học xã hội (chọn một trong 3 môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Năm 2023, tỉnh này chọn bài tổ hợp gồm: tiếng Anh, vật lý và địa lý.

Tương tự, theo quyết định đã công bố năm tới, kỳ thi vào lớp 10 của Hưng Yên chỉ gồm: toán, ngữ văn, tiếng Anh; bỏ thi môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. TS đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT chuyên Hưng Yên sẽ thi thêm môn chuyên. Như vậy, so với hiện tại, số môn thi lớp 10 của Hưng Yên giảm 2.

Sở GD-ĐT các tỉnh nêu trên đều lý giải việc giảm môn thi nhằm giảm áp lực cho TS, đồng thời tiệm cận phù hợp hơn với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 khi lên THPT, học sinh (HS) được học theo hướng phân hóa, giảm số môn học bắt buộc và tăng môn học tự chọn. Ngoài ra, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ mà Bộ GD-ĐT quy định mấy năm gần đây cũng giúp việc đánh giá cả quá trình học tập của HS sát sao hơn, không dồn hết các môn thi vào kỳ thi cuối cùng.

TRƯỜNG HỌC Ở  Hà Nội mong và tin chỉ thi 3 môn

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học này dự kiến có gần 135.000 HS tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 HS so với năm học trước. Điều này đồng nghĩa số HS thi vào lớp 10 năm học tới sẽ tăng, mức độ cạnh tranh trong kỳ thi này vốn đã căng thẳng thì năm tới sẽ còn "khốc liệt" hơn nếu trường lớp không tăng kịp. Hiện tại, Sở GD-ĐT Hà Nội mới chỉ khẳng định phương án tuyển sinh lớp 10 năm 2024 tiếp tục diễn ra bằng phương thức thi tuyển nhưng chưa chốt về số môn thi, khiến HS, phụ huynh và cả giáo viên (GV) đều sốt ruột, khó hiểu.

Lãnh đạo một trường THCS ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, dù mong đợi nhưng tâm lý của HS và GV trong trường vẫn mong và tin là năm tới Hà Nội sẽ chỉ thi 3 môn và không tìm thấy lý do đủ thuyết phục để quay lại thi 4 môn. Theo vị này, các năm trước vì dịch bệnh mà Hà Nội giảm số môn thi vào phút chót đã đành. Năm vừa qua, dịch bệnh không còn, HS lớp 9 cũng đi học trực tiếp nhưng Hà Nội vẫn quyết định chỉ thi 3 môn thay vì 4 môn như kế hoạch. Do vậy, năm nay nếu tăng số môn thi trong bối cảnh các địa phương thi tới 5 môn vẫn giảm còn 3 môn là rất không hợp lý, hợp tình.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, tuy đây là lứa HS cuối cùng học theo chương trình cũ nhưng lên lớp 10 các em sẽ học theo chương trình mới, nên cũng rất cần có sự hài hòa, phù hợp giữa hai chương trình. Từ năm học 2022 - 2023, lớp 10 bắt đầu áp dụng Chương trình GDPT mới, bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài 8 môn bắt buộc, HS THPT được chọn để học 4 trong 9 môn, gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc. Do đó, có những môn trong 6 môn chọn để thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội, HS sẽ không học ở THPT.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lômônôxốp (Hà Nội), chia sẻ các nhà trường, phụ huynh đều luôn mong muốn có sự ổn định về cách thức thi tuyển sinh vào lớp 10. Năm học 2023 - 2024 cũng là năm học cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006 nên HS mong giữ ổn định như năm trước.

Theo ông Tùng, việc thi 3 môn đã đủ điều kiện để phân loại HS, giúp giảm áp lực đáng kể cho các em; tiết kiệm ngân sách và chi phí của xã hội…

Xu hướng giảm môn thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh 2.

Phụ huynh đưa con em dự thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội kỳ thi năm học 2023-2024

NGUYÊN TRƯỜNG

ĐỀ THI QUÁ "CŨ", LÊN LỚP 10 HỌC CHƯƠNG TRÌNH MỚI SẼ RẤT KHÓ

Ông Đặng Việt Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ (Hà Nội), nêu quan điểm: "Chỉ nên thi 3 môn vào lớp 10 vì đây là kỳ thi tuyển sinh chứ không phải thi tốt nghiệp. Hơn nữa, theo Chương trình GDPT 2018, lên cấp THPT là HS được học theo hướng lựa chọn môn học theo năng lực, sở trường, việc yêu cầu HS thi môn thứ 4 theo hướng chọn ngẫu nhiên từng năm của ngành GD-ĐT không còn phù hợp".

Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Tùng, giám đốc một trung tâm bổ túc văn hóa ở Hà Nội, phân tích: Thi vào lớp 10 là thi tuyển sinh, không phải thi tốt nghiệp THCS. Thời gian thi vào lớp 10 thường diễn ra đầu tháng 6, cũng là thời điểm HS đã hoàn thành chương trình và đã tốt nghiệp. Do vậy, để đáp ứng được tính toàn diện nên chọn giải pháp từ lúc học chứ không phải là kỳ thi tuyển sinh và việc lấy thi để học không còn phù hợp.

Một GV dạy ngữ văn ở THPT nêu thực tế HS lớp 9 lên lớp 10 dễ bị "sốc" ở học kỳ 1 do đầu vào môn văn từ trên 7 - 8,5 nhưng không thể đạt được những yêu cầu tối thiểu, căn cốt của chương trình mới.

Do vậy, nhiều ý kiến chỉ ra rằng việc kiểm tra, đánh giá rất quan trọng do HS cấp THCS dồn tổng lực cho việc học để thi vào lớp 10 nên nếu đề thi không lạc hậu, không theo lối mòn, phát huy được sự sáng tạo của HS thì lên lớp 10, học theo chương trình mới, theo hướng phát triển năng lực của người học thì HS mới không bị "sốc". 

Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù tuyển sinh vào lớp 10

Tháng 7 vừa qua, sau lùm xùm phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 cho con ở một số trường ngoài công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội và Bộ GD-ĐT.

Xu hướng giảm môn thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh 1.

Phụ huynh xếp hàng trắng đêm để nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 cho con vào tháng 7 vừa qua

PHHS CUNG CẤP

Theo đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải: "Hằng năm, do sự tăng dân số cơ học nên số lượng HS dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn TP tăng nhanh, trong khi số trường lớp xây mới, bổ sung chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. TP.Hà Nội và ngành giáo dục cũng đã nỗ lực để đảm bảo tỷ lệ HS vào học tại các trường THPT công lập khoảng 60%, đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sở GD-ĐT Hà Nội nêu kiến nghị với Bộ GD-ĐT cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù trong tuyển sinh lớp 10. Cụ thể là cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường học sẽ tăng lên thành 50 lớp/trường học); cho phép tăng 10% số HS/lớp đối với bậc THPT. Theo quy định hiện nay, số HS ở bậc THPT là 45 em/lớp, kiến nghị tăng lên thành 50 em/lớp".

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định chắc chắn năm học tới sẽ không tái diễn cảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm để đăng ký tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, kể cả ở hệ thống trường ngoài công lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.