Xu hướng bán rẻ tài sản vẫn tiếp diễn

Mai Phương
Mai Phương
18/07/2023 06:32 GMT+7

Tình trạng một số doanh nghiệp phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để duy trì sản xuất, kinh doanh đã được Chính phủ nêu ra trong báo cáo gửi Quốc hội giữa tháng 5, nhưng đến nay vẫn đang tiếp diễn.

Doanh nghiệp lớn mới bán được, nhỏ chỉ có cách đóng cửa

Giữa tuần qua, Công ty Thomson Medical Group (TMG, Singapore) phát đi thông báo cho biết đã thỏa thuận để mua lại cổ phần kiểm soát Bệnh viện FV tại VN từ đơn vị điều hành trước đó là Far East Medical VN với giá 381,4 triệu USD. Việc TMG mua lại Bệnh viện FV tạo cơ hội cho công ty của tỉ phú Peter Lim - một trong những người giàu nhất Singapore - khai thác những cơ hội phát triển tại thị trường y tế VN.

Xu hướng bán rẻ tài sản vẫn tiếp diễn - Ảnh 1.

Thép Pomina vừa công bố bán bớt cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản

CTV

Đến cuối tuần, Công ty cổ phần (CP) thép Pomina công bố doanh nghiệp (DN) thép Nansei của Nhật Bản sẽ trở thành cổ đông chiến lược của công ty. Theo đó, Nansei sẽ mua 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ được phát hành thêm với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, Nansei sẽ nâng tỷ lệ sở hữu ở Pomina từ 0% lên 20,4% vốn điều lệ. 

Với số tiền thu được từ đợt chào bán gần 702 tỉ đồng, Pomina cho biết sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động, chuẩn bị tài chính triển khai kế hoạch tái khởi động lò cao vào năm 2024. Không dừng ở đó, các cổ đông Pomina cũng thông qua kế hoạch tái cấu trúc tách chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành hai công ty CP có tư cách pháp nhân độc lập. Sau đó, công ty sẽ chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3 và bên nhận chuyển nhượng cũng chính là Nansei. Khi đó, tỷ lệ sở hữu của DN Nhật Bản tại Pomina sẽ tăng cao hơn.

Việc bán CP cho DN ngoại tại Pomina xuất hiện trong bối cảnh DN này vẫn đang thua lỗ nặng. Quý 3/2022, Pomina phải dừng hoạt động lò cao trong khi giá bán các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp và nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng. Để khôi phục lại hoạt động của lò cao này, Pomina sẽ cần phải có nguồn tài chính khá lớn. Nhưng với sự khó khăn của ngành bất động sản kéo theo việc tiêu thụ sắt thép giảm sâu cũng như kinh doanh thua lỗ thì việc vay vốn ngân hàng là chuyện không thể. Vì vậy bán bớt CP, chia sẻ quyền sở hữu công ty là chuyện bắt buộc mà ban lãnh đạo công ty phải thực hiện.

Hàng loạt DN đã công bố kế hoạch chào bán CP cho các cá nhân và tổ chức mới đây nhằm có nguồn vốn giải quyết khó khăn còn có thể kể đến như Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt sẽ chào bán riêng lẻ gần 67,2 triệu cổ phiếu cho tối đa 7 nhà đầu tư, tương ứng thu về gần 672 tỉ đồng. Tương tự, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình vừa công bố một loạt quyết định chuyển nhượng, góp vốn, thành lập công ty con trực thuộc tập đoàn. Song song đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, đã tiết lộ với cổ đông rằng đến ngày 30.6 đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỉ đồng...

Trước đó vào giữa tháng 6, một tập đoàn đến từ Singapore đã mua lại hệ thống nhà hàng, đồ uống Nova F&B - thành viên thuộc NovaGroup - và đổi tên thành In Dining. Một số chuyên gia cho rằng "thấy tiếc" khi nhiều thương hiệu F&B mà NovaGroup đã phát triển khá mạnh, có tiềm năng và mức sinh lời đang tăng. Việc bắt buộc phải bán hệ thống Nova F&B là một trong những giải pháp để tái cấu trúc của Tập đoàn NovaGroup trong bối cảnh quá khó khăn.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết tình hình hoạt động của các DN trong ngành vẫn ảm đạm với doanh thu giảm hơn 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Hiện vẫn chưa thấy có dấu hiệu khởi sắc trong khi dự báo khó khăn sẽ còn kéo dài. Có những DN vẫn đang chật vật xoay xở để duy trì hoạt động và nguy cơ phải "bán mình" khá cao. 

"Trong bối cảnh hiện nay quá nhiều khó khăn, e là nhiều công ty sẽ khó cầm cự lâu. Việc phải bán DN sau vài chục năm thành lập, hoạt động là điều không ai muốn, nhất là hiện nay nếu bán công ty thì phải chấp nhận giá thấp. Tuy nhiên cũng chỉ có các đơn vị quy mô từ khá đến lớn, có thương hiệu mới bán được. Những công ty quá nhỏ thì chỉ có cách đóng cửa, ngừng hoạt động và khi đó sẽ có thêm một số người lao động bị thất nghiệp", ông Đỗ Phước Tống chia sẻ thêm.

Xu hướng bán rẻ tài sản vẫn tiếp diễn - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn, thiếu vốn phải bán bớt tài sản, cổ phần để duy trì hoạt động

GIA HÂN

Giảm các loại chi phí để hỗ trợ DN

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), trong giai đoạn hiện nay, việc bán tài sản hay cổ phiếu thường phải ở mức rẻ hơn thì mới có người mua. Đây là việc chia sẻ lợi ích của những người đang làm chủ DN, nếu không thì sẽ càng thiệt hại nặng hơn, có khi phải ngừng hoạt động. Dù vậy, ông Chí cũng cho rằng nên nhìn ở góc độ tích cực hơn như DN có thêm nhà đầu tư mới để cùng phát triển, giúp DN vượt qua khó khăn và người lao động vẫn có việc làm, nhà nước vẫn thu được các loại thuế vào ngân sách. 

"Các khó khăn chung vẫn chưa hết khi tăng trưởng kinh tế thấp, tiêu thụ sụt giảm khiến DN thiếu tiền. Do đó Chính phủ vẫn phải tập trung các giải pháp thúc đẩy kinh tế hồi phục và tăng trưởng như gia tăng đầu tư công. Cứ 1 đồng đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động như DN cung cấp được nguyên vật liệu, công nhân có tiền để chi tiêu và sức mua hàng hóa gia tăng… Dòng tiền luân chuyển nhiều hơn trong nền kinh tế sẽ giúp các DN duy trì được sản xuất, bán hàng", ông Chí nói.

Chính phủ vẫn phải tập trung các giải pháp thúc đẩy kinh tế hồi phục và tăng trưởng như gia tăng đầu tư công. Cứ 1 đồng đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động như DN cung cấp được nguyên vật liệu, công nhân có tiền để chi tiêu và sức mua hàng hóa gia tăng... Dòng tiền luân chuyển nhiều hơn trong nền kinh tế sẽ giúp các DN duy trì được sản xuất, bán hàng.


TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Đồng tình, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng hoạt động mua bán và sáp nhập DN tại VN vẫn diễn ra lâu nay và trong 6 tháng đầu năm cũng chưa có nhiều đột biến. Chỉ gần đây một số DN cho rằng phải bán tài sản với giá rẻ hơn do gặp khó khăn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của VN đã phản ánh điều đó. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) vẫn ở dưới mức 50 điểm - là dưới mức trung bình cho thấy tình hình sản xuất chưa thể tích cực trong quý 3 này. Hay xu hướng tiêu thụ, đơn hàng quay trở lại cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng dù hoạt động xuất khẩu trong quý 2 của một số ngành hàng có nhích lên. Bên cạnh đó, số lượng DN rút lui khỏi thị trường vẫn cao và tỷ lệ này là cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhiều DN vẫn khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, lãi suất vay vốn vẫn neo cao ở mức 9 - 10%/năm; nhiều chi phí cao… khiến đầu vào của các DN sản xuất ở VN nói chung vẫn cao hơn trong khu vực...

Doanh nghiệp bán tài sản do khó khăn: Câu chuyện buồn khó nói

"Quan trọng nhất là Chính phủ cần cố gắng kéo giảm các chi phí, từ logistics, chi phí vốn đến nhiều chi phí trung gian, không chính thức, để giúp giá hàng hóa của VN xuống thấp hơn. Từ đó mới giúp DN và hàng hóa của VN gia tăng sức cạnh tranh để bán được hàng ra thế giới. Khi đó DN mới có dòng tiền, quay vòng sản xuất và vượt qua giai đoạn khó khăn để tránh được những câu chuyện không thể duy trì hoạt động, phải bán mình", TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.