Xứ hàng rào bông bụp

20/10/2022 09:30 GMT+7

Đi dọc xóm quê tôi hiện giờ, mặc dầu nhiều nhà cửa mọc lên khang trang phối đồng bộ cổng trước bằng sắt hộp hoặc bê tông, nhưng không quá khó để tìm thấy những hàng rào bông kiểng (mà nhiều và đặc trưng nhất là bông bụp) coi rất thích mắt.

Từng được ví như "hốc bà tó", xứ tôi nước phèn đất xấu không ai chịu cắm dùi dân cư thưa thớt nên nhà nào nhà nấy vườn tược rộng binh thiên. Vậy là cái vách ngăn thiên nhiên được dựng lên có tên là hàng ranh, thân thương hơn thì gọi bằng bờ giậu cũng không thấy ai thắc mắc. Cái vách này thuần túy ý nghĩa để “mần dấu” đất cặp ranh nhà này với nhà kia, hoàn toàn không có chức năng chống trộm nên không ít nhà chọn làm bằng bông, vừa rẻ lại đẹp.

Hàng rào bông bụp

tgcc

Xứ ruộng, ngoài những khi bận rộn vào vụ, lúc nông nhàn không ít nông dân sẵn sàng bỏ công bỏ sức từ mươi đến vài mươi năm chỉ để chăm trồng uốn tỉa tạo hình hàng rào nhà mình sao cho thật độc đáo. Nhiều bờ giậu không khác gì một tác phẩm nghệ thuật về sau được địa phương chụp làm tấm biển hiệu nông thôn mới mà ai đi xa xứ lúc trở về thăm đều như thấy cái hồn quê chân chất mộc mạc giữa làn sóng đô thị hóa sôi nổi cận kề.

Cạnh nhà tôi, nhà láng giềng như cô Bảy bác Ba đều có một bờ giậu bằng cây xanh trước sân. Trước bác Tư tôi cũng “bảo vệ” ngôi nhà bằng hàng rào bông bụp để thi thoảng bẻ bông phơi pha trà uống. Hàng rào cây xanh ở quê tôi thường thường cũng đồng thời là vườn thuốc nam: nào đậu biếc, đinh lăng, mồng tơi, bông trang... đã đẹp lại còn có ích.

Như tía tôi hồi đó cũng o bế một hàng rào mai chiếu thủy lá kim. Tết năm nào ông cũng cắt tỉa láng o, ở cổng chính còn uốn nắn thành hình vòm đẹp ưng cái bụng. Tía tôi biểu, mình ở nông thôn hàng rào cốt để tạo cảnh quan coi chơi thôi. Vậy nên nhiều nhà có hàng rào đẹp quá còn dùng luôn chỗ đó làm cổng rạp cưới đẹp khỏi chê mà độc quyền hổng đâu có được.

Hàng rào, bờ giậu trong ký ức tình cảm của người nhà quê thật nhiều kỷ niệm. Tỉ như ở quê cái chuyện gần nhà xa ngõ không hiếm nên vụ “liên hệ” qua hàng rào cũng diễn ra như chuyện ăn cơm bữa hằng ngày. Ngày nhỏ, tôi và mấy đứa bạn hàng xóm khi có chuyện gì cần vẫn chạy tọt ra hàng rào í ới nói với nhau. Tôi và hai đứa em còn thường xuyên trốn ngủ trưa “trổ lỗ chó” qua nhà hàng xóm để chơi đặt tiệm hoặc lại từ đó vạch rào qua nhà một đứa khác mà không cần phải đi nắng nôi đường chính, người lớn mà phát hiện sẽ dễ bị đòn.

Và mặc dù chưa từng chứng kiến một vụ giắt thư qua hàng rào nào để trao duyên như trong bài hát hay thơ ca, nhưng cái chuyện nhà này nhà kia xin nhau miếng nước mắm nước màu lỡ hết khi đang nấu ăn thì tôi thấy hoài, tưởng là chuyện thường ngày cho đến khi sau này nhận ra đó là nét đặc trưng của người xứ tôi trong văn hóa cho nhận. Lớn lên ra phố, chứng kiến đời sống vật chất mà cái gì cũng mất tiền mua tôi mới hiểu rằng đó là sự bao dung của người nhà quê: đã đoàn kết tương trợ nhau từ buổi đầu mở cõi khai hoang nên giờ giúp nhau chút ít chẳng hề nghĩ nhiều đến đỗi phải so đo tính toán.

Tỉ như buổi chiều đang nấu canh mà hết bột ngọt, má sai tôi chạy tọt xuống nhà bác Tám cô Bảy để xin. Tối nhà bác Ba hết dầu lửa thắp thì đủng đỉnh cầm chong cóc qua nhà tôi “nhờ” một ít đỡ qua đêm nay. Hay những lúc tía tôi đi ruộng về đói bụng mà nhà hết cơm thì ngay lập tức biểu tôi chạy xuống nhà bác Chín xin cho tía chén cơm nguội.

Mà cái xóm kỳ cục lắm, hễ có qua là có lại. Buổi trưa đang ngủ hễ cặp rào nghe dao thớt chộn rộn, lửa củi ì xèo là thể nào lát nữa bác hàng xóm cũng réo qua bờ giậu bưng bánh xèo, bánh khọt nóng hổi về ăn. Để lúc nào nhà có chưng chuối hay nấu nồi chè khoai, thể nào má tôi cũng múc ra tô biểu tôi đội nón khăn bưng qua cho hết nhà này đến nhà khác.

Cách chỉ một hàng rào bông bụp nên người ta cũng dễ tương trợ: giữ nhà cho nhau từ xa khi ai đó mắc công chuyện mượn ra vô coi ngó giùm nghen. Trời mưa nhà hàng xóm đi ruộng đi nương cấy dặm chưa kịp vô thì bên này chạy qua quơ giúp mớ lá dừa đang phơi để nhóm lửa. Chiều chiều có khi còn hộ nhau nhốt bầy gà con vô bội, lùa bầy vịt cỏ vô chuồng.

Rồi bởi cái sự ngăn mà không cách nên nhà nào có hữu sự hay không thì chỉ cần nhìn qua rào là biết ngay. Biết rồi thì hông cần ai rủ, lót tót chạy qua người phụ một tay một chân, đủ mặt chòm xóm. Và rồi cái văn hóa sống tối lửa tắt đèn có nhau được sinh ra từ đây. Người ta sẵn sàng “bán anh em xa mua láng giềng gần”, mua những câu chuyện chân chất mà đậm đà nghĩa xóm tình làng để mỗi người thêm yêu xứ sở. Để rồi nhớ làng quê đôi lúc cũng chính là nhớ người hàng xóm tốt bụng đã từng cho mình viên thuốc khi đau, trái chuối xiêm chín khi xót ruột qua cái bờ rào bông bụp nghĩa tình.

Hàng rào bông trang

tgcc

Đã dám làm hàng rào bằng bông thì cổng chính nhà cũng ít khi nào đóng cửa im lìm. Nhớ có lần đứa em gái tôi đi làm xa, buổi chiều tan ca phóng lên xe từ đó chạy về quê trong tối. Tới nhà, con bé dẫn xe máy vô cất rồi mở cửa cái, vốn chỉ khép hờ che gió máy, tọt vô ngủ ngon lành. Sáng dậy nhà chưng hửng vì bất ngờ chỉ ên nó cười toe toét biểu: cái xóm này hổng nhà nào sợ ăn trộm!

Thời nào rồi, khi ở phố có người sống chung nhà tầng trên tầng dưới vẫn gọi điện hay nhắn tin để thông báo gì đó cho nhau thì những con người cặp rào nhà quê vẫn giữ thói quen trưa trưa rỗi rãi lặn lội qua nhà nhau để tán dóc, vần công nhổ tóc bạc. Có khi khách bước vô nhà con chó quen không thèm sủa, mừng rỡ vẫy đuôi. Từ những cuộc trà, cuộc chuyện giữa người với người biết san sẻ, cảm thông, sống có tình hơn nữa.

Tôi lấy chồng ra phố sống nhiều năm, nhiễm lối sống cẩn thận của người đô thị bởi sơ sểnh chút là mất của, mỗi lần về quê đều cảm thấy hoài nghi về cuộc sống thanh bình ngỡ như không có thật ở thời buổi này. Có lần tôi cũng hỏi má tôi chứ sao người quê mình vẫn sống mà vô tư được hay thiệt. Má tôi trả lời gọn lỏn: thì tin nhau mà sống, vậy thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.