Xóm vé số người khuyết tật ở Sài Gòn: Về quê sau dịch Covid-19 thì tiền đâu sống?

05/11/2021 13:22 GMT+7

Trong cơn đại dịch Covid-19 , nhiều người về quê bằng các chuyến xe 0 đồng hoặc chạy xe máy, nhưng tại xóm vé số của người khuyết tật tại Q.Bình Tân, TP.HCM, cả xóm chọn ở lại Sài Gòn chờ ngày đi làm vì ‘về quê rồi tiền đâu sống’.

Xóm trọ của người bán vé số khuyết tật vẫn trụ lại trong mùa dịch
Vũ Phượng

Tại xóm trọ của những người bán vé số khuyết tật ở Q.Bình Tân, TP.HCM nhiều người bị tật chân phải di chuyển bằng xe lăn hoặc xe tự chế, người mù thì chống gậy mò đường. Có người bị tật từ nhỏ, có người sau này gặp tai nạn, mất sức lao động… Tất cả đều từ các tỉnh vào TP và chọn nghề bán vé số vì phù hợp với khả năng, sức khỏe và có thể kiếm được tiền ngay trong ngày. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, cả xóm không về quê, chờ ngày được tiếp tục công việc.

Chỉ mong đi làm kiếm tiền

Xóm trọ nằm trong một khu chợ tự phát trên đường Tân Kỳ Tân Quý, thời gian trước, ở đây có một trại chăm sóc người khuyết tật, sau đó giải thể, người tản đi khắp nơi. Nhưng quen đất, sau đó một số về lại khu này, tìm nhà trọ gần đó và tự mưu sinh.

Anh Tài lên Sài Gòn được 2 năm và đợt dịch anh quyết ở lại vì về quê không biết lấy tiền đâu để sống
vũ phượng

Ba lần tôi đến xóm chợ này đều gặp anh Trịnh Văn Tài (36 tuổi, quê Đồng Tháp) bị teo hai chân, ngồi trên mấy thanh sắt ghép lại, gắn 4 bánh xe. Hai tay anh lúc nào cũng phải xỏ dép để đẩy xuống đất để di chuyển. Đôi dép do một ông chủ hàng dép thấy thương đã “độ” giúp anh bằng cách ghép nhiều phần đế dép lào lại với nhau cho cao lên, để anh bớt phải cúi gằm người xuống đất. Sau hơn 2 năm bon bon khắp các ngõ ngách, chiếc dép đã mục, quai bị rách, anh Tài phải dùng dây ni lông cột lại xài tạm.

Sau trận sốt bại liệt năm 3 tuổi, hai chân anh Tài teo, không thể đi đứng. Năm 2019, vợ chồng đường ai nấy đi, anh tuyệt vọng lên Sài Gòn chạy trốn cảm xúc. Sau vài ngày, anh được giới thiệu đi bán vé số để kiếm tiền gửi về quê chăm cha mẹ già và con trai 6 tuổi.

Anh Tài dùng tay đi dép để di chuyển bán vé số
Vũ Phượng

Anh kể: “Trước khi lên Sài Gòn tôi bò đi thôi, lên đây mới có tấm ván gỗ độ thêm bánh xe di chuyển, tấm ván vài hôm là gãy nên tôi dành dụm ra tiệm hàn mấy thanh sắt này. Xe cứng cáp, đi lại tiện hơn, nhưng mưa là người với vé số đều ướt như chuột. Tôi cũng tính chuyện mua xe lăn điện cũ, mà xe đó mắc lắm không biết khi nào mới mua nổi”.

Mỗi ngày anh Tài rảo khắp các chợ hoặc chùa vào ngày Rằm, mùng 1 bán được từ 150 – 300 vé. Anh nhịn ăn sáng, không ăn cơm tiệm để có tiền đóng 1,5 triệu đồng tiền nhà trọ và gửi về quê.

“Đợt dịch ai cũng muốn về quê, tôi chọn ở lại để chờ ngày được đi bán, về quê rồi biết lấy gì ăn. Giờ tôi chỉ mong có việc làm còn lo cho mình và gia đình. Mấy tháng ở lại tôi được nhận thực phẩm của mạnh thường quân, nhận trợ cấp của nhà nước, vẫn sống qua ngày được, chỉ là không có tiền gửi về quê thôi”, anh Tài chia sẻ.

Những ông bà cụ mù vẫn một mình tự sống, tự mưu sinh
vũ phượng

Mấy ngày gần đây đi bán vé số trở lại, anh Tài lãnh 150 tờ nhưng trầy trật mãi vẫn không hết, gần giờ xổ, anh về trả lại đại lý 39 tờ. Dù vậy, anh vẫn vui mừng vì được đi làm, vì vẫn còn có công việc sau đợt dịch vừa qua.

Anh Tài bộc bạch: “Cầm tiền, người ta thuê một người lành lặn chứ ai thuê thằng què như tôi. Người ta bình thường về quê có thể cắt lúa hay làm thuê làm mướn gì đó, còn tôi vầy chỉ có bán vé số ở Sài Gòn thôi. Tôi cũng nghe có mấy chuyến xe về quê miễn phí, nhưng thật lòng tôi mong được đi làm hơn mong về quê. Vé số sau dịch ế lắm, nhưng không phải là không bán được”.

Covid-19 sáng 5.11: Cả nước 946.043 ca nhiễm, 835.406 ca khỏi | Tiêm 2 mũi vắc xin hiệu quả ra sao?

Ở Sài Gòn mới có việc làm

Đối diện hẻm trọ của anh Tài là anh Quách Văn Nhất (42 tuổi, quê Trà Vinh). Hơn chục năm trước, anh Nhất lên Sài Gòn làm công nhân may. Vài năm trở lại, chẳng may anh bị tai nạn gãy xương sống, hai chân dần teo nhỏ xíu, phải ngồi xe lăn. Trải qua 16 lần phẫu thuật, vết thương cứ vậy hành hạ anh mỗi khi trái gió trở trời.

Trong đợt dịch, anh chẳng may bị té thêm lần nữa, gãy xương đùi. Trên chiếc xe lăn của anh lúc nào cũng có sẵn thuốc giảm đau cả dạng tiêm và dạng uống. Ngày thường, anh Nhất lãnh 200 tờ vé số đi bán, vợ anh đẩy xe hàng rong khắp các con hẻm, trừ các khoản nhà trọ, tiền ăn uống, hai vợ chồng tằn tiện lắm mới đủ nuôi 2 con ăn học.

Sau một tai nạn, anh Nhất phải ngồi xe lăn và chuyển sang bán vé số nuôi con ăn học
vũ phượng

“Bán vé số và hàng rong mà về quê thì sao mà bán được. Hai công việc này chỉ có ở Sài Gòn vợ chồng tôi mới làm được và kiếm tiền được. Đợt dịch cũng may nhờ có địa phương, mạnh thường quân giúp lương thực, rau cháo qua ngày nên cầm cự được tới giờ. Bán vé số, hàng rong là sống qua ngày thôi, chuyện xa xôi hơn chưa thể nói trước được điều gì”, anh Nhất tâm sự.

Gần đó, cụ bà Phạm Thị Cúc (74 tuổi, quê Tây Ninh) bị mù 2 mắt cũng chọn cách tự lo cho cuộc sống của mình, không nhờ đến con cháu bằng cách đi bán vé số. 35 năm gắn bó công việc này ở mảnh đất Sài Gòn, vài lần về thăm quê, bà Cúc xác định phần đời còn lại chỉ có thể là ở đây.

Mỗi ngày, bà Cúc bán 150 vé, lời 1.200 đồng/vé
vũ phượng

Mỗi ngày, bà lãnh 150 tờ vé số, đeo thêm chiếc loa, một tay cầm gậy mò đường, một tay cầm micro và cuốn dò số vừa đi vừa hát, tới khi nào hết số thì thôi. Mỗi tờ vé số lời 1.200 đồng, cộng với tiền người cao tuổi, khuyết tật, hằng tháng đủ để bà trả tiền nhà trọ, tiết kiệm vài đồng dành túi lo lúc ốm đau bệnh tật.

Cụ bà nhận xét, vé số thời nào cũng vậy, cũng đều có thể bán và kiếm sống được. Tuy nhiên sau dịch vé số ế ẩm hơn, bà phải hát nhiều hơn, lâu hơn, có hôm quá 12 giờ trưa vẫn chưa hết số, đành mang về trả vì đuối sức.

Trong căn phòng trọ chất đầy đồ đạc linh tinh, bà Cúc ngồi trên chiếc võng đong đưa nhẹ, kế bên là 2 con mèo ú nụ bà nuôi 8 năm qua, xưng hô thân mật là mẹ - con. Chỉ về hướng mấy bao gạo, bà Cúc cho biết đó là quà của nhiều người từ khắp nơi đến tặng trong hơn 3 tháng không đi bán vé số.

Ở một mình, bà nuôi mèo và phải đeo lục lạc cho mèo để biết mèo đang ở đâu
vũ phượng

Không thấy đường, hằng ngày bà Cúc vẫn tự mò mẫm nấu cơm, tự túc mọi sinh hoạt cá nhân. Ông cụ mù đồng nghiệp cũng là hàng xóm nhà kế bên là người bạn hàn huyên tuổi già của bà.

“Giờ đâu thấy đường nên không thể làm gì khác được, chỉ có nước ca hát đi bán vé số thôi. Thấy tôi mù, ra đường nhiều người giúp qua đường, dắt qua chỗ có trụ điện hay chỗ nắng mưa, có người không mua vé số cho 5.000 – 10.000 rồi vỗ vai nói bà cố lên làm tôi mừng rơn. Vì vậy mà cũng chẳng nỡ bỏ thành phố này về quê mà ở lại đi bán sau dịch, dù bán miết 35 năm không dư đồng nào”, bà Cúc cười nói.

Bà Cúc cho biết vì không thấy đường, không biết nơi nào có khách nên phải dùng lời ca tiếng hát để mọi người chú ý, biết bà đi bán vé số
vũ phượng

Bà Võ Thị Kiều Dung (tổ trưởng tổ 44, KP3, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) cho biết trong tổ 44 và các tổ kế bên có nhiều người bán vé số khuyết tật. Mọi người đều được địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm, các phần quà của mạnh thường quân từ các nơi gửi đến cũng được phân phát đều.

“Người bình thường đi bán vé số đã khổ, đằng này họ đều là những người di chuyển khó khăn, đi bán cực lắm nhưng ai cũng chịu khó vì muốn tự lo cho mình, rồi lo cả cho người thân ở quê. Dịch vừa qua mọi người ở lại tương đối, nay hết dịch, ai nấy đều trở lại với công việc, tiếp tục xoay xở cho cuộc sống”, bà Dung thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.