Xóa tư cách chức vụ là gì, áp dụng cho ai?

Ngân Nga
Ngân Nga
24/06/2023 10:23 GMT+7

Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm trong thời gian công tác, thì có thể bị kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đối với 2 đời lãnh đạo tỉnh, do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010 - 2013 (từ tháng 6.2010 đến tháng 12.2013) đối với ông Nguyễn Văn Vịnh.

Thủ tướng Chính phủ xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 - 2015 (từ tháng 1.2014 đến tháng 12.2015), Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2013 (từ tháng 6.2011 đến tháng 12.2013) đối với ông Doãn Văn Hưởng.

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định xóa tư cách chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2019 (từ tháng 11.2011 đến tháng 6.2019) đối với ông Nguyễn Thanh Dương; xóa tư cách chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 - 2020 (từ tháng 7.2014 đến tháng 3.2020) đối với ông Lê Ngọc Hưng, về cùng lý do: đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư T.Ư Đảng đã thi hành kỷ luật về đảng.

Pháp luật quy định sao về xóa tư cách chức vụ? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Vịnh bị xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010 - 2013

T.N

Xóa tư cách chức vụ là gì?

Có bạn đọc Báo Thanh Niên thắc mắc về quy định pháp luật đối với xóa tư cách chức vụ và khi nào thì bị xóa tư cách chức vụ.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ, tại luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sửa đổi 2019, đã bổ sung thêm một hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi đã nghỉ việc bằng hình thức "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm".

Theo khoản 18 điều 1 luật sửa đổi, bổ sung luật Cán bộ, công chức năm 2019, việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:

Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1.7.2020 được thực hiện theo quy định của luật này.

Xóa tư cách chức vụ, áp dụng cho ai?

"Như vậy, căn cứ quy định trên, có thể hiểu xóa tư cách chức vụ là một trong những hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà sau đó phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác", luật sư Hậu nhấn mạnh.

Ngoài ra, điều 23 Nghị định 112 năm 2020 của Chính phủ còn quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm, được thực hiện như sau:

Căn cứ quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý đề xuất hình thức, thời điểm kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Riêng trường hợp chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong quá trình công tác, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.