Xóa nghịch lý vừa thừa vừa thiếu chỗ tái định cư

12/09/2022 06:41 GMT+7

Bên cạnh hình thức nhận tiền, người dân bị thu hồi đất ở TP.HCM sẽ được tái định cư tại chỗ, gần nơi ở cũ để cuộc sống không bị xáo trộn nhiều.

Chỗ tái định cư bỏ trống

Tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” về chủ đề công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM, do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 11.9 (được phát trực tiếp trên sóng Đài truyền hình TP.HCM - HTV), TS Nguyễn Thị Anh (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nêu thực tế quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư ở TP.HCM có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và đặt câu hỏi TP.HCM có giải pháp gì để khắc phục. Bởi theo chuyên gia này, đa số khu tái định cư ở xa, người dân không hài lòng với chất lượng căn hộ, hoặc không có tiền để mua (khi không đủ điều kiện được bố trí tái định cư). Thực tế này đang diễn ra tại nhiều khu tái định cư, mà điển hình là khu Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) hơn 1.000 căn và khu Bình Khánh (TP.Thủ Đức) gần 3.800 căn.

Khu tái định gần 3.800 căn hộ ở P.Bình Khánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) bỏ hoang đang được lên kế hoạch bán đấu giá

ĐỘC LẬP

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thừa nhận có thực trạng vừa thừa, vừa thiếu, thiếu vì nhiều địa phương không có khu tái định cư gần mà phải bố trí xa, còn thừa vì khu tái định cư không đáp ứng được nhu cầu nên người dân không đến nhận. Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn TP.HCM có 105 dự án có quỹ nhà tái định cư, nằm rải rác ở TP.Thủ Đức và 20 quận, huyện. Đa số người dân muốn tái định cư tại chỗ, nhưng nhu cầu ở địa phương không có quỹ nhà, đất để đáp ứng nhu cầu tái định cư. Với nhiều khu tái định cư đã xây dựng, do không sử dụng trong thời gian dài nên căn hộ bị hư hỏng, xuống cấp. Đối với quỹ nhà không phù hợp, Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM bán đấu giá để thu hồi ngân sách, tránh tình trạng bỏ trống quá lâu, lãng phí nguồn lực đầu tư (nhưng thực tế nhiều khu tái định cư xây xong bỏ không nhiều năm vẫn chưa bán được - PV).

Ông Khiết cho biết có 3 nguồn tạo lập nhà ở phục vụ tái định cư gồm: vốn ngân sách làm dự án hoàn chỉnh; thông qua mua lại nhà ở thương mại; và sử dụng quỹ nhà ở xã hội. Điều quan trọng nhất là các chủ đầu tư phải xác định được chính xác nhu cầu của người dân, nhất là nhu cầu tái định cư tại chỗ để có kế hoạch bố trí quỹ nhà, đất tái định cư, nhà ở xã hội. “Trong trường hợp quỹ nhà ở của nhà nước không đủ hoặc không phù hợp với nguyện vọng của người dân, thì chính quyền căn cứ nguồn vốn dự án bồi thường được duyệt để mua quỹ nhà ở thương mại nhằm tái định cư, chứ không nhất thiết phải bố trí tại các dự án định sẵn”, ông Khiết nói và nhấn mạnh quy định pháp luật cho phép thực hiện việc này.

Về chính sách tái định cư, ông Khiết cho biết, nếu người dân không đủ tiền mua suất tái định cư tối thiểu (30 m2 đối với căn hộ, 45 m2 đối với nền đất) thì nhà nước sẽ hỗ trợ cho vay trả góp trong vòng 15 năm, lãi suất tính theo tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Nếu người dân không đủ trả góp thì được thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, nếu không đủ khả năng trả góp hoặc thuê nhà thì liên hệ UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức để xem xét hỗ trợ nhà ở xã hội hoặc nhà ở chính sách phục vụ tạm cư, tái định cư. Bởi, người dân bị thu hồi đất là 1 trong 10 đối tượng được xem xét hỗ trợ về nhà ở xã hội. Ngoài ra, người dân còn được đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Hiện quỹ nhà ở, đất ở thuộc sở hữu nhà nước đã phân bổ cho các địa phương gồm 2.396 căn hộ, 1.033 nền đất. Ông Khiết cho biết số lượng này đủ để bố trí tạm cư, tái định cư vì mỗi năm sử dụng không quá 15%.

Xem xét tái định cư khi thu hồi đất nông nghiệp

Tại chương trình, người dân ở H.Hóc Môn bị ảnh hưởng bởi dự án vành đai 3 đặt câu hỏi bị thu hồi đất nông nghiệp có được tái định cư hay không. Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Võ Trung Trực, quy định hiện hành chưa cho phép tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp. Tuy nhiên, Sở TN-MT đã tham mưu UBND TP.HCM đề án thí điểm bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất nông nghiệp bằng đất ở đối với một số dự án trọng điểm, trong đó có dự án vành đai 3 để giải quyết khó khăn cho người bị thu hồi đất, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông Trực cho biết cơ chế này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Sở TN-MT tham mưu đưa vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM); hoặc phải chờ đến khi luật Đất đai 2013 được sửa đổi có hiệu lực, dự kiến từ tháng 7.2024. “Việc bồi thường đất nông nghiệp bằng đất ở rất tốt cho bà con, nhất là các gia đình có đất nông nghiệp thuần hiện đang canh tác. Khi đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án, với gia đình đông người, thì sẽ có khả năng được bồi thường bằng đất ở với tỷ lệ quy đổi nhất định, để có điều kiện giải quyết nhà ở, đất ở cho các thành viên trong gia đình”, ông Trực nói.

Liên quan khoản phí và lệ phí thực hiện thủ tục hành chính sau khi thu hồi đất, ông Trực cho biết Sở TN-MT đã đề xuất miễn giảm khoản này, trên nguyên tắc phí và lệ phí vẫn phải nộp ngân sách, nhưng nguồn lấy từ dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để hỗ trợ người dân. Đối với trường hợp diện tích đất còn lại quá nhỏ sau khi hiến đất mở hẻm, ông Trực đề nghị xem xét cấp phép xây dựng khi khu đất còn lại rộng 30 - 36 m2, trường hợp quá nhỏ thì xem xét tái định cư ở nơi khác. Còn trường hợp diện tích đủ 36 m2, gia đình có 7 nhân khẩu trở lên, Sở đề xuất bố trí mua căn hộ tái định cư theo giá tái định cư để ổn định cuộc sống. Đối với trường hợp bị thu hồi hết đất ở, còn lại đất nông nghiệp thì xem xét chuyển mục đích sử dụng đất nếu phù hợp với quy hoạch đất ở, là khu dân cư hiện hữu và một số điều kiện khác.

Đảm bảo hài hòa lợi ích

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết còn 4 vấn đề hạn chế khi thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được giải quyết thỏa đáng cho người dân dẫn đến kiến nghị, khiếu nại kéo dài. Cụ thể, sự bất cập giữa giá bồi thường và giá thị trường, quỹ nhà đất tái định cư chưa đáp ứng nguyện vọng bà con, công tác phối hợp không nhịp nhàng khiến dự án kéo dài nhiều năm, và tính công khai minh bạch thông tin một số dự án chưa tốt. “Nhà ở Hóc Môn nhưng khi đền bù thì đưa xuống Bình Chánh, trong khi con cái học hành ở Hóc Môn, việc làm cũng ở Hóc Môn”, ông Mãi dẫn chứng bất cập.

Bồi thường dự án đường vành đai 3

Phó giám đốc Sở TN-MT Võ Trung Trực cho biết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường vành đai 3 dự kiến bắt đầu từ 1.12.2022 và đến 10.4.2023 sẽ bàn giao cho chủ đầu tư khoảng 370,29 ha/408,81 ha, đạt tỷ lệ 90,67%. Phấn đấu đến 30.12.2023 sẽ thu hồi phần diện tích còn lại (38,52 ha/408,81 ha), tức bàn giao 100% mặt bằng để chủ đầu tư sớm thi công hoàn thành công trình. Về đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cho dự án này, ông Võ Trung Trực cho biết, theo dự toán thì đơn giá bồi thường, hỗ trợ được tạm tính như sau: đối với đất ở từ 18.720.000 - 40.149.000 đồng/m2, đất trồng cây lâu năm từ 3.840.000 - 8.208.000 đồng/m2, đất trồng cây hàng năm từ 3.200.000 - 6.000.000 đồng/m2. “Đơn giá bồi thường nêu trên chỉ là đơn giá tạm tính, khi triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ đề nghị đơn vị tư vấn thẩm định độc lập đơn giá đất cụ thể để trình Hội đồng thẩm định giá đất TP và UBND TP phê duyệt sát giá thị trường”, ông Võ Trung Trực nói và cho biết thêm, khi người dân đồng ý cho thu hồi trước thời hạn đối với nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng bởi dự án đường vành đai 3, người dân sẽ được nhận tiền bồi thường sớm hơn, có nhiều thời gian để chủ động xây nhà tái định cư, sớm an cư, ổn định cuộc sống. Đồng thời, Sở TN-MT sẽ cân nhắc trình UBND TP ưu tiên về mặt chính sách, khen thưởng để động viên.

Do vậy, sắp tới TP.HCM sẽ quy hoạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ, bố trí tái định cư phù hợp với sinh kế của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích chung và lợi ích cá nhân. Về giải pháp trọng tâm, ông Mãi góp ý sửa đổi luật Đất đai, đề xuất cơ chế hỗ trợ đặc thù để thu hẹp khoảng cách giữa giá thị thường và giá bồi thường, bởi “nếu không sửa cái nền thì sau này sẽ tiếp tục bị vướng”.

Đối với dự án vành đai 3, ông Mãi cho biết khi làm dự án tiền khả thi, UBND TP.HCM yêu cầu phải điều tra xã hội học để hiểu được cuộc sống, sinh kế người dân, từ đó ban hành chính sách tái định cư, chính sách hỗ trợ phù hợp. “Chúng tôi mong muốn việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án vành đai 3 sẽ là kiểu mẫu cho các dự án khác”, ông Mãi nói.

Còn đối với dự án rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) kéo dài 20 năm “vẫn còn trên giấy”, ông Mãi cho biết TP.HCM đã giao tổ công tác khẩn trương rà soát quy hoạch, xác định phương thức đầu tư, nguồn vốn để trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2022, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo từ năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.