Xin ý kiến đại biểu Quốc hội về bỏ hộ khẩu giấy từ 2021 hay giữ đến cuối 2022

Vũ Hân
Vũ Hân
25/10/2020 15:55 GMT+7

Ngày 24.10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến tất cả các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của dự thảo luật Cư trú (sửa đổi), trong đó có thời điểm chính thức bỏ sổ hộ khẩu .

Theo đó, các đại biểu được xin ý kiến về 2 phương án:
Phương án thứ nhất là cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022, để chứng minh thông tin về nơi cư trú, nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.
Việc quy định này được lý giải không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật Cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của luật ngay từ thời điểm 1.7.2021.
Khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân, thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn 31.12.2022 như đã nêu ở trên.

Người dân từng ngày trông chờ bỏ sổ hộ khẩu

Phương án hai là quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (1.7.2021), với lý do phương thức quản lý cư trú mới cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ. Bộ Công an vẫn khẳng định quyết tâm về việc hoàn thành và bảo đảm vận hành tốt Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú ngay từ khi luật có hiệu lực thi hành.
Trước đó, thảo luận tại hội trường ngày 21.10, đa số trong 21 đại biểu tham gia thảo luận đã chọn phương án thứ nhất. Tuy nhiên, đại diện Ban soạn thảo khẳng định có đủ điều kiện để bỏ hộ khẩu giấy từ giữa năm sau.

Bộ trưởng Bộ Công an trình quốc hội việc bỏ sổ hộ khẩu vào tháng 5.2020

3 nội dung quan trọng cũng được xin ý kiến

Ngoài nội dung nói trên, Tổng thư ký Quốc hội cũng xin ý kiến 3 nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Nội dung thứ nhất là về điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (điểm b khoản 3 điều 20). Hai phương án được đưa ra là: phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người; và đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư từ 1 năm trở lên
Nội dung thứ hai là về điều kiện đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (khoản 1 điều 27). Phương án 1 là không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. Phương án 2 quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
Nội dung thứ ba về thời hạn đăng ký tạm trú (khoản 2 điều 27). Phương án 1 là quy định thời hạn đăng ký tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn. Phương án 2 là không quy định về thời hạn đăng ký tạm trú, công dân chỉ cần thực hiện đăng ký khi chuyển đến nơi mình tạm trú.
Các vị đại biểu Quốc hội được đề nghị lựa chọn 1 trong 2 phương án ở mỗi nội dung hoặc điền thông tin vào mục "ý kiến khác" nếu không nhất trí với cả 2 phương án được đưa ra.
Theo chương trình kỳ họp thứ 10, chiều 13.11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật Cư trú (sửa đổi).

Sổ hộ khẩu: Bạn có bị ám ảnh không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.