Xin lỗi người bị oan sai 22 năm

23/09/2015 17:57 GMT+7

(TNO) Ông Phan Văn Lá, 48 tuổi, người bị cơ quan điều tra khởi tố, xét xử rồi… 'treo' suốt 22 năm

(TNO) Chiều 23.9, tại trụ sở UBND xã Vĩnh Công, đại diện các cơ quan tố tụng huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đã tổ chức buổi họp công khai xin lỗi, khôi phục danh dự và bồi thường oan sai số tiền 300 triệu đồng cho ông Phan Văn Lá, 48 tuổi, người bị cơ quan điều tra khởi tố, xét xử rồi… 'treo' suốt 22 năm!

Đại diện cơ quan điều tra thăm hỏi ông Phan Văn LáĐại diện cơ quan điều tra thăm hỏi ông Phan Văn Lá
Vụ án xảy ra vào năm 1991, khi đó ông Phan Văn Lá (ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công) mới 24 tuổi, bị TAND huyện Châu Thành phạt 4 năm tù về tội “hủy hoại tài sản XHCN”. Bản án sơ thẩm sau đó bị tòa phúc thẩm tuyên hủy và trả hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Nhưng tới 21 năm sau, cơ quan điều tra mới có quyết định đình chỉ vụ án, lúc này “bị can” đã 46 tuổi!
Theo hồ sơ, vào đêm 21.7.1991, đường dây điện của ấp 1 (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) bị mất điện. Lúc đó, hai em của ông Lá là Phan Văn Tân (15 tuổi) và Phan Văn Châu (13 tuổi) đang soi cá bằng bình xuyệt ngoài đồng. Nghe tiếng truy đuổi và đèn pha rọi tới, sợ bị lấy bình điện, Tân và Châu bỏ chạy nhưng bị người dân bắt giao công an.
Ông Lá cùng thân phụ, vợ và 3 con trai dự họpÔng Lá cùng thân phụ, vợ và 3 con trai dự họp
Theo bản án phúc thẩm, lúc đầu Tân và Châu không thừa nhận việc cắt dây điện, nhưng vì bị đánh và buộc phải khai theo hướng dẫn của điều tra viên là có cắt trộm dây điện và có người thứ 3 chủ mưu. Chẳng biết khai ai, Tân và Châu khai anh ruột của mình là Phan Văn Lá.
Ngày 22.7.1991, Công an huyện Châu Thành ra lệnh bắt khẩn cấp Tân, Châu rồi tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam Phan Văn Lá. Theo hồ sơ, mặc dù trong quá trình điều tra và ngay tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28.12.1991, ông Lá luôn kêu oan, không nhận tội, nhưng vẫn bị các cơ quan tố tụng buộc tội và bị TAND H.Châu Thành phạt 4 năm tù.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 5.9.1992, TAND tỉnh Long An đã tuyên hủy án sơ thẩm và trả hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì “đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Ngày 13.10.1992, Công an huyện Châu Thành tiếp tục ra lệnh tạm giam Phan Văn Lá thêm 2 tháng nhưng 2 ngày sau thì Viện KSND huyện đã ra quyết định hủy bỏ lệnh tạm giam.
Luật sư đang hướng dẫn ông Lá ký nhận hồ sơLuật sư đang hướng dẫn ông Lá ký nhận hồ sơ
Sau khi được tại ngoại, các cơ quan tố tụng vẫn không đưa vụ án ra xét xử lại, cũng không thông báo gì cho đương sự nên ông Lá phải mang thân phận bị can bị 'treo' suốt 22 năm. Cuối cùng, sau một thời gian dài đương sự vác đơn đi khiếu nại, kêu oan, ngày 12.9.2013 Công an huyện Châu Thành đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với ông Phan Văn Lá, với lý do: “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm”.
Sau đó ông Lá đã nộp đơn tới các cơ quan có liên quan yêu cầu bồi thường số tiền hơn 493 triệu đồng (trong đó bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần 267 triệu đồng và bồi thường thu nhập bị giảm sút 23,4 triệu đồng) do bị tạm giam 449 ngày và phải mang thân phận bị can trong suốt 7.637 ngày.
Trước sự hiện diện của đại diện chính quyền huyện, xã, ấp và gia đình ông Lá, thay mặt các cơ quan tố tụng, ông Nguyễn Văn Châu, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành “nhận trách nhiệm còn nhiều thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, đã dẫn tới oan sai đối với ông Lá. Qua đó nhận thấy trình độ nhận thức pháp luật của một số điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán của các ngành công an, kiểm sát, tòa án, tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử vụ án còn hạn chế…”
Ngoài việc nói lời xin lỗi công khai, chính thức khôi phục danh dự cho đương sự, ông Châu mong ông Lá và gia đình thông cảm cho những sai lầm trong quá khứ của các cơ quan tố tụng địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.