70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'

06/04/2024 13:59 GMT+7

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với những người đã có công lao đóng góp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước.

Sáng 6.4, tại tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình "Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ", nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024).

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'- Ảnh 1.

Hơn 160 chiến sĩ TNXP, dân công hỏa tuyến tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh khác tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tham dự chương trình gặp mặt

MINH HẢI

Tham dự chương trình có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; ông Trần Văn Rón, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư; ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.

Đặc biệt, tại chương trình có sự tham dự của hơn 160 chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.

Chia sẻ về những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyễn Bá Viết (89 tuổi, ngụ P.Đông Hải, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) kể: "Năm 18 tuổi, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (H.Đông Sơn, Thanh Hóa; nay là P.Đông Hải, TP.Thanh Hóa) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ.

Chúng tôi bắt đầu hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì. Từ Thanh Hóa chúng tôi hành quân qua đường rừng núi sang Hòa Bình, vượt dốc Cun, xuống chợ Bờ, qua suối Rút vào Mộc Châu (Sơn La). Sau đó, băng qua đèo Pha Đin xuống Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ".

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'- Ảnh 2.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Bá Viết chia sẻ về những ngày tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ

MINH HẢI

Cựu chiến binh Nguyễn Bá Viết nhớ lại: "Con đường hành quân gặp nhiều vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để có đường hành quân. Đường đi đã khó khăn nhưng toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Đêm nào cũng hành quân đến 1 - 2 giờ sáng. Đến bữa chỉ có cơm với cá khô, có bữa chỉ là đậu xanh xay nhỏ nấu cháo loãng, nhiều bữa chỉ có chút rau rừng làm canh".

Tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng không hề làm nhạt đi ý chí của những người thanh niên quyết tâm giành chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ. 

"Sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, chúng ta đã làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, khí tài; riêng số bắt sống là 11.000 tên. Chúng tôi tin tưởng và mong rằng, thế hệ trẻ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", ông Nguyễn Bá Viết nói.

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'- Ảnh 3.

Ông Dương Văn Mận (bên phải)

MINH HẢI

Nhớ về những thời khắc cam go ở Điện Biên Phủ 70 năm trước, cựu chiến binh Dương Văn Mận (90 tuổi, ngụ TT.Yên Cát, H.Như Xuân, Thanh Hóa), kể: "Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp xây dựng 49 cứ điểm có công sự vững chắc và quân viễn chinh Pháp là đội quân thiện chiến. Ban đầu chúng thả dù xuống 16 tiểu đoàn dù, đến chiến dịch chúng chi viện lên tới 21 tiểu đoàn. Chúng cho rằng Việt Minh không thể đánh nổi. Nhưng Pháp không đánh giá được khả năng, tiềm lực của nhân dân ta, sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ, đặc biệt không đánh giá được chiến lược, chiến thuật của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khoảng 3 giờ chiều 13.3 bắt đầu đánh điểm Him Lam là đồn cửa ngõ của Điện Biên Phủ và chỉ trong một đêm địch đã thất bại, ngày hôm sau đồn Nà Kéo phải rút lui. Ngay sau đó, quân ta liên tục tiến công đánh từng đồn theo chiến thuật "bóc vỏ" của tướng Giáp (đại tướng Võ Nguyên Giáp). Đồn chưa đánh thì quân ta bao vây, thành lập các tổ đi bắn "bia sống" - địch ra lấy dù thì ta bắn, bắn vào lỗ châu mai, chủ yếu làm cho địch căng thẳng cao độ, đến ngày 6.5.1954, quân ta tổng công kích, đúng 8 giờ tối tấn bộc phá nổ làm hiệu lệnh tiến công các căn cứ còn lại. Đến chiều 7.5.1954 địch phải đầu hàng".

Trở về sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Dương Văn Mận luôn giữ được phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ. Ông cũng mong rằng thế hệ trẻ ngày nay hãy luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'- Ảnh 4.

Em Lê Nguyễn Mai Phương, đoàn viên Đoàn Trường THPT chuyên Lam Sơn, đại diện thế hệ trẻ tỉnh Thanh Hóa phát biểu cảm nghĩ tại buổi lễ

MINH HẢI

Đại diện thế hệ trẻ của tỉnh Thanh Hóa, Lê Nguyễn Mai Phương, đoàn viên Đoàn Trường THPT chuyên Lam Sơn, cho hay: "Chúng cháu hiểu rằng, biết bao thế hệ trẻ Việt Nam hôm qua đã bình thản trước cái chết, sẵn sàng dâng hiến thanh xuân của mình cho mùa xuân hòa bình tươi sáng của dân tộc bởi vì những con người Việt Nam ưu tú ấy đã đặt niềm tin vào những người đang sống, những người sẽ sống sẽ thay họ bước tiếp con đường bảo vệ và xây dựng đất nước, để biết bao máu xương đã đổ xuống không trở nên vô nghĩa.

Vậy nên, tuổi trẻ không thể là cái cớ để những người trẻ chúng cháu cho phép mình thờ ơ với bản thân cũng như với quê hương, đất nước. Tiếp lửa của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa bằng lòng biết ơn sâu sắc, chúng cháu hôm nay sẽ không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao giá trị của bản thân, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, xây dựng lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, phấn đấu trở thành những người công dân mẫu mực, có ích".

Phát biểu tại lễ tri ân, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, khẳng định việc tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã có công lao đóng góp cho chiến thắng Điện Biên Phủ.

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'- Ảnh 5.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, phát biểu tại lễ tri ân

MINH HẢI

Ông Chiến nhấn mạnh: "Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam; đồng thời chấm dứt đô hộ của thực dân Pháp ở 3 nước Đông Dương, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Có thể khẳng định rằng, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa, của một dân tộc Việt Nam anh hùng, chiến thắng của sự đoàn kết "quân với dân một ý chí". Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của các giai cấp, giai tầng, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam yêu nước mang trong mình "máu đỏ, da vàng" và hai tiếng thiêng liêng "Tổ quốc" Việt Nam".

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'- Ảnh 6.

Lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trao quà cho các chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

MINH HẢI

Ông Chiến khẳng định, Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

"Những Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, những Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Tạ Văn Luật và hàng vạn anh hùng, liệt sĩ khác đã hiến dâng trọn đời mình cho trường tồn của Tổ quốc. Sau 70 năm ngày chiến thắng, còn nhiều người chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Xin khắc cốt, ghi tâm công lao của các đồng chí thương binh, bệnh binh, TNXP, dân công hỏa tuyến đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xông pha vào nơi khói lửa, trận tuyến. Một phần thân thể của các anh, các chị đã để lại nơi chiến trường ác liệt, nhiều người còn mang trên mình những thương tích suốt đời, cứ đau nhức nhối mỗi khi trái nắng trở trời; có anh, chị sức trẻ của tuổi thanh xuân đã dành hết phục vụ cho chiến trường, không màng đến hạnh phúc riêng tư, nay tuổi đã cao vẫn đơn thân, lẻ bóng. Có thể khái quát một cách hình tượng là ông cha ta đã lấy xương làm gạch, lấy máu làm hồ, xây nên thành đồng Tổ quốc Việt Nam. Các thế hệ người Việt Nam chúng ta không một phút giây nào được quên điều đó", ông Chiến phát biểu tại buổi lễ.

Trong khuôn khổ buổi lễ, lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị và tỉnh Thanh Hóa đã trao quà cho hơn 160 chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

'Xin khắc cốt, ghi tâm công lao các thương binh, bệnh binh, TNXP Điện Biên Phủ'- Ảnh 7.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, phát biểu tại buổi lễ

PHÚC NGƯ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng. Mặc dù đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần "cả nước cùng ra trận", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", theo lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Liên Việt, trong 3 đợt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động 200.000 dân công hỏa tuyến; hơn 3.500 xe đạp thồ; 1.126 thuyền ván các loại; 31 ô tô; 180 xe bò; 42 ngựa thồ; 3 voi thồ hàng và nhiều phương tiện vận chuyển khác. Tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp hơn 4.500 tấn gạo; 350 tấn thực phẩm; 2.000 con lợn; 350 con trâu, bò và hàng trăm tấn rau các loại.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa, T.Ư Đảng, Chính phủ đã tặng cờ thi đua khá nhất; nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: "Trong kháng chiến đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết, tham gia kháng chiến. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".


Nhìn về chiến thắng Điện Biên Phủ từ những hiện vật tại bảo tàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.