Xin chào người anh hùng xa lộ

04/09/2014 11:15 GMT+7

Trong những ngày nghỉ lễ 2.9 vừa rồi, tôi có đọc bài viết của một đồng nghiệp, giới thiệu về một trong những "Gương sáng phố phường" năm 2014 ở TP.HCM mà lòng cảm thấy trào dâng vì xúc động và thầm cảm phục anh.

Trong những ngày nghỉ lễ 2.9 vừa rồi, tôi có đọc bài viết của một đồng nghiệp, giới thiệu về một trong những "Gương sáng phố phường" năm 2014 ở TP.HCM mà lòng cảm thấy trào dâng vì xúc động và thầm cảm phục anh. Đó là anh Trần Văn Hoàng, người chạy xe ôm ở khu vực quận Tân Bình.

>> Nổ súng bắt cướp giữa trung tâm thành phố
>> Tuần tra bắt cướp
>> Nổ súng bắt cướp giật
>> Thiếu nữ bắt cướp như phim hành động
>> Bảo vệ dân phố bắt cướp
>> Người dân và cảnh sát cùng bắt cướp

Tính từ cái lần đầu tiên vào năm 2005, người đàn ông này đã tham gia bắt 500 tên cướp trên địa bàn, dù cho chỉ tính sơ sơ có một kẻ côn đồ mà trong chưa đầy một năm, y đã đe dọa trả thù anh tới 16 lần. Đó là chưa kể gần đây, hai kẻ xăm trổ đầy người tới dọa anh thẳng thừng, nếu không từ bỏ và còn cản đường làm ăn của chúng, anh sẽ bị giết.

Xin chào người anh hùng xa lộ
Các "hiệp sĩ" đường phố bắt gọn một tên cướp - Ảnh: Trí Quang

Quê ở Bình Định, anh Hoàng vào Sài Gòn năm 1987 và theo nghề xe ôm kiếm tiền nuôi gia đình. Hiện tại, anh còn khó khăn, phải thuê nhà trọ hết mỗi tháng 3 triệu. Kinh tế khó khăn, vợ anh cũng phải ra hè mưu sinh bằng kinh doanh mũ bảo hiểm, tiền sửa xe do thi thoảng phải tông trực diện vào bọn cướp cũng tốn không ít, ấy vậy mà khi nghe ai gọi báo cướp ở đâu, người đàn ông ấy lại phóng xe tới liền. Nhiều khi, đang chở khách, anh cũng xin lỗi, trả bớt tiền, bảo khách đón xe khác, để đi bắt cướp...

Có lẽ trong anh, cái chất người Bình Định - quê hương của Nguyễn Huệ đầy nghĩa khí khi "giữa đường gặp chuyện bất bằng", đã khiến anh không thể làm ngơ. Mỗi lần chứng kiến cướp giật, cái "máu Bình Định" trong anh lại nổi lên nên anh phải phóng xe truy đuổi hạ cho bằng được tên cướp. Cho dù cũng không biết bao lần truy đuổi bọn côn đồ hung hãn, anh cũng không tránh khỏi bị thương và vào viện.

Như nhiều người vợ khác, chắc anh cũng khó đeo đuổi chuyện quá nguy hiểm liên quan tới sinh mạng mình mỗi ngày. Song, với anh, hình như chị còn là điểm tựa vững chắc của anh, luôn hãnh diện về việc làm của chồng. Thật đáng trân trọng và kính phục vợ chồng anh Trần Văn Hoàng, nhất là vào lúc này, TP.HCM đang là điểm nóng của cả nước về tình trạng cướp giật hoành hành đầy táo tợn giữa ban ngày.

Được biết, từ năm 2013, anh Hoàng đã vận động và lập đội săn bắt cướp gồm 10 thành viên. Trong đội anh, có người nhà công chức, có người thì buôn bán, rồi cũng có cả người cùng chạy xe ôm như anh. Đội hoạt động dựa hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, dùng xe nhà, tự đổ xăng... Tóm lại, họ là những người hơn cả những ai "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng": Họ chấp nhận hiểm nguy tới cả tính mạng để bảo vệ sự bình yên của thành phố mang tên Bác kính yêu.

Tôi đọc những dòng tin trên rồi liên tưởng và xin đề xuất: Ở Hà Nội, đã duy trì vài năm nay nếp bầu chọn "10 Công dân Thủ đô tiêu biểu" để nêu gương sáng cho mọi người cùng tôn vinh. Có lẽ TP.HCM cũng nên "nâng cấp" hình thức biểu dương những nhân tố tích cực như anh Trần Văn Hoàng theo hướng đó. Với thành tích đặc biệt: 10 năm, bắt 500 tên cướp và bất chấp biết bao lần bị bọn xấu đe dọa tính mạng, lại vẫn sống một cuộc sống còn bao thiếu thốn mà lòng vẫn nhẹ tựa lông hồng.

Thật đúng anh là Người Hùng xa lộ!

Tôi không rõ, theo quy định của Nhà nước hiện hành, tiêu chí xem xét để phong tặng danh hiệu Anh hùng sẽ như thế nào. Tôi cũng biết, chúng ta cũng đã từng gặp khá nhiều lúng túng khi xét một số trường hợp để truy tặng danh hiệu Anh hùng như cách đây bốn, năm chục năm, khi danh hiệu Anh hùng luôn gắn phía sau mấy từ, hoặc Anh hùng Lực lượng vũ trang, hoặc Anh hùng lao động. Thế là "kẹt" cho không ít người. Điển hình như là các trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, một công dân yêu nước, như liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, một trí thức yêu nước cùng chống Mỹ nhưng không phải là người của lực lượng vũ trang nên bị lãng quên chỉ vì "không có cơ quan chủ quản đề nghị" như hồi nào có ý kiến giải thích. Mãi mấy chục năm sau các anh cũng mới được suy tôn, thật ngậm ngùi làm sao!

Mong rằng thành phố cũng nên tìm cơ chế để tưởng thưởng thích đáng cho những chiến công âm thầm suốt gần 10 năm qua của anh. Đồng thời, cũng cần đặc biệt quan tâm, bảo vệ các anh nếu bọn cướp lộng hành đòi các anh chấm dứt cản đường chúng.

Trần Văn Hoàng, anh xứng đáng là người Anh hùng của nhân dân!

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống ở Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.