Xét xử đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu: Làm giả giấy tờ để đối phó

29/10/2022 06:30 GMT+7

Một bị cáo cầm đầu đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu khai khi có nguồn tin báo 'có chiến dịch' thì làm giả bộ hồ sơ, chứng từ để đối phó cơ quan chức năng.

Ngày 28.10, HĐXX bắt đầu xét hỏi Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và Phan Thanh Hữu (55 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), 2 bị cáo cầm đầu đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.

Theo cáo trạng, từ tháng 3.2020 - 2.2021, Đào Ngọc Viễn và Phan Thanh Hữu góp vốn 53,4 tỉ đồng (Viễn 60%, Hữu 40%) vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 197 triệu lít xăng lậu từ Singapore về VN tiêu thụ, trị giá gần 2.600 tỉ đồng; thu lợi hàng trăm tỉ đồng, trong đó Viễn hưởng lợi 46,7 tỉ đồng và Hữu hưởng lợi hơn 156 tỉ đồng.

Hé lộ "liên minh" trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu

“Kêu oan” số tiền thu lợi bất chính

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Đào Ngọc Viễn thừa nhận cáo trạng truy tố đúng hành vi, chỉ có số tiền thu lợi bất chính có khác so với lời khai trước đây tại cơ quan điều tra. Cụ thể, lợi nhuận chỉ 1.500 đồng/lít xăng chứ không phải 2.000 đồng/lít như đã khai nên số tiền thu lợi bất chính khoảng 36,7 tỉ đồng chứ không phải 46,7 tỉ đồng như cáo trạng truy tố. Tương tự, bị cáo Phan Thanh Hữu cũng “than” có chuyến lời, chuyến lỗ chứ không phải chuyến nào cũng lời 2.000 đồng/lít. “Chuyến lời nhiều nhất chỉ khoảng 1.200 đồng/lít chứ không tới 1.500 đồng lít như bị cáo Viễn khai, nhưng điều tra viên cứ tính xa cạ 2.000 đồng/lít mà không tính toán giá xăng của Singapore vào thời điểm buôn lậu”, bị cáo Hữu trình bày. Hữu cũng chỉ thừa nhận thu lợi bất chính hơn 102 tỉ đồng chứ không phải 156 tỉ đồng theo như cáo trạng. Liên quan đến chi tiết này, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã công bố một số bút lục thể hiện những lời khai của Viễn trong giai đoạn điều tra (kể cả khi có sự chứng kiến của đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai hay luật sư bào chữa) đều khai lợi nhuận 2.000 đồng/lít, đồng thời cho biết sẽ làm rõ chi tiết này trong phần tranh luận.

Các bị cáo Phan Thanh Hữu (trái) và Đào Ngọc Viễn trả lời thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm

CTV

Về số lượng xăng buôn lậu, cáo trạng truy tố Viễn và Hữu nhập về hơn 197 triệu lít xăng. Tuy nhiên, khi trả lời thẩm vấn, bị cáo Phan Thanh Hữu chỉ đồng ý trên 127,7 triệu lít đã đưa ra tiêu thụ tại thị trường VN, 67,7 triệu lít thì chuyển bán sang Campuchia và 2,5 triệu lít chưa tiêu thụ “không làm ảnh hưởng gì đến thiệt hại kinh tế trong nước nên không thể quy kết bị cáo thu lợi bất chính”. Trả lời xét hỏi HĐXX, bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (người được Viễn và Hữu giao phân phối xăng lậu) cũng khai không nhớ số liệu cụ thể đã bán cho các đối tác. “Khi điều tra viên đưa ra con số đã bán cho các đối tác khác (161 triệu lít xăng - PV) thì nhận thôi”, bị cáo Tứ khai. Về chứng cứ này, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai khẳng định đã có số liệu đầu vào và đầu ra chứng minh Hữu buôn lậu 197 triệu lít.

Lột trần nhóm ‘Anh em siêu nhân’ trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu

“Chỉ cần gọi điện vì quen biết trước”

Trả lời thẩm vấn quá trình đưa xăng từ Singapore về VN, bị cáo Phan Thanh Hữu trả lời: “Trước khi đưa xăng vào VN phải báo cho cảnh sát biển, biên phòng, cảng vụ”. Tòa hỏi có báo cho hải quan không, bị cáo Hữu khai: “Bị cáo không chơi với hải quan” (Đến năm 2021, bị cáo Hữu tiếp cận và đưa hối lộ cho Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - PV). Cũng theo lời khai của Hữu, khi có nguồn tin báo “có chiến dịch” thì Hữu phải làm giả bộ hồ sơ, chứng từ để đối phó cơ quan chức năng. “Nhưng chủ yếu là đối phó với CSGT đường thủy, chứ cảnh sát biển, biên phòng thì bị cáo chỉ cần gọi điện vì quen biết trước”, bị cáo Hữu trình bày thêm. “Hồ sơ làm giả được hủy bỏ sau mỗi chuyến buôn lậu?”, chủ tọa xét hỏi. Bị cáo Hữu thừa nhận đúng.

Liên quan đến việc bán xăng lậu cho Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình (TP.HCM), bị cáo Hữu khai đầu năm 2020, Nguyễn Thế Anh (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, chung sống như vợ chồng với Hương) có hỏi tình hình buôn bán dạo này ra sao, thì Hữu trả lời “bán hơi chậm”. Sau đó, Thế Anh giới thiệu Hương mua bán xăng lậu của Hữu (thông qua Nguyễn Hữu Tứ) với số lượng 7,9 triệu lít xăng đưa đi tiêu thụ (cáo trạng cáo buộc Hương thu lợi bất chính 4,1 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, khi được xét hỏi về hóa chất mua về để pha trộn, bị cáo Hữu khai những chuyến xăng đầu do màu trắng quá nên khách hàng có ý kiến, nên lên mạng gặp được một người tên Vinh. Vinh hẹn Hữu lên TP.HCM và bán cho Hữu một loại bột màu vàng cùng dung môi để pha chế vào xăng lậu theo tỷ lệ đã được hướng dẫn, tạo ra màu vàng giống xăng trong nước.

Liên quan đến hành vi đưa hối lộ cho một số cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... để “ngó lơ” cho hành vi buôn lậu của đường dây xăng lậu nêu trên, ngày 15.7.2022, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt cựu đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 7 năm tù về tội “buôn lậu”; cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, tù chung thân về tội “nhận hối lộ” và 2 năm tù về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” (tổng hình phạt là chung thân). Ngoài ra, Tòa án Quân sự Quân khu 7 còn tuyên phạt 11 bị cáo khác cùng tội “nhận hối lộ”, trong đó cựu thiếu tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lãnh mức án 15 năm tù; cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, lãnh án 12 năm tù. 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.