Xét xử đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu: Không nhận thức được hành vi buôn lậu (?)

02/11/2022 06:11 GMT+7

Ngày 1.11, HĐXX tiếp tục xét hỏi các thuyền trưởng, thuyền viên trong nhóm bị cáo giúp sức vận chuyển gần 200 triệu lít xăng lậu từ Singapore về Việt Nam. Nhiều bị cáo tỏ ra... ngơ ngác khi bị cáo buộc về tội buôn lậu với vai trò giúp sức.

Thuyền trưởng kêu oan

Cụ thể, bị cáo Lê Đình Hùng, thuyền trưởng tàu Western Sea (1 trong 2 tàu chở xăng lậu từ Singapore về VN), bị cáo trạng truy tố vận chuyển hơn 30 chuyến với tổng cộng 157 triệu lít xăng lậu, kêu oan khi bị truy tố khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự (mức án từ 12 - 20 năm tù) với vai trò giúp sức.

Thuyền trưởng đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu kêu oan

Bị cáo Hùng khai: “Trách nhiệm thuyền trưởng thì chủ tàu cử đi lấy hàng ở đâu, giao hàng cho ai thì phải thực hiện chứ làm sao biết đây là xăng lậu”. Đại diện VKS hỏi: “Vậy bị cáo cho biết quy trình giao nhận xăng có đúng pháp luật không, khi xăng không được giao tại cảng nội địa mà chỉ cập mạn giao cho nhau?”. Bị cáo Hùng đáp: “Việc giao nhận như trên theo luật hàng hải quốc tế không sai. Và đây là trách nhiệm của chủ tàu, bị cáo chỉ là người làm thuê, làm đúng nhiệm vụ mình”. Dù nhiều lần kêu oan, nhưng khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa (về quá trình nhận xăng ở Singapore rồi vận chuyển về VN, tiền công, tiền thưởng...), bị cáo Hùng bất ngờ thừa nhận như cáo trạng truy tố và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Minh Đức tại phiên tòa sơ thẩm

LÊ LÂM

Tương tự, bị cáo Đinh Văn Đoàn (Giám đốc Công ty Hải Minh Nhật ở Bà Rịa-Vũng Tàu), người thực hiện ký các hợp đồng vận chuyển xăng với Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh (do Phan Thanh Hữu làm giám đốc), cũng bị truy tố giúp sức cho Hữu buôn lậu hơn 197 triệu lít xăng, thắc mắc: “Bị cáo chỉ đứng tên giám đốc giúp cho Hữu 4 con tàu (Nhật Minh 06, 07, 08 và 09), không tham gia vận chuyển xăng từ Singapore về VN thì làm sao lại bị truy tố về tội buôn lậu?”. Đại diện VKS công bố lời khai của Đoàn, thể hiện từ tháng 3.2020 - 2.2021, mỗi tháng Hữu đều đưa các hợp đồng vận chuyển khống cho bị cáo biết để chở xăng (từ tàu Pacific Ocean và Western Sea về Vĩnh Long). Đến đây thì Đoàn thừa nhận cáo trạng.

Buôn lậu đâu phải lúc nào cũng lời (?)

Chiều cùng ngày, HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Minh Đức, chủ Công ty TNHH Dầu khí Vượng Đạt (TP.Hải Phòng). Cáo trạng truy tố Đức hợp tác với Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn và một số người khác tham gia vận chuyển, tiêu thụ 5,7 triệu lít xăng, thu lợi bất chính hơn 1,5 tỉ đồng.

Bị cáo Đức thừa nhận số xăng cáo trạng truy tố là đúng, nhưng “kêu oan” số tiền thu lợi bất chính, yêu cầu HĐXX xem xét lại. “Vì sao cáo trạng truy tố bị cáo Hữu hưởng chênh lệch 2.000 đồng/lít xăng, còn bị cáo lại 2.500 đồng/lít?”, bị cáo Đức trình bày.

Xem nhanh 20h ngày 1/11: TP.HCM vẫn ‘khát’ xăng | Diễn biến vụ Nguyễn Phương Hằng, Tịnh Thất Bồng Lai

Cũng theo lời khai của Đức, số tiền thu lợi bất chính từ 5,7 triệu lít xăng (thu lợi 2.500 đồng/lít) được cơ quan điều tra tính toán trên 1,5 tỉ đồng (chia theo tỷ lệ 25% vốn góp, sau khi đã trừ các chi phí thuê cầu cảng, trả lương...) là không hợp lý mà phải dưới 1 tỉ đồng, nên chỉ dừng lại khoản 3, chứ không phải khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự. “Ngay từ giai đoạn điều tra, khi tính toán bị cáo đã phản đối cách tính này, nhưng điều tra viên không chấp nhận. Bị cáo đưa ra lợi nhuận chỉ 1.242 đồng/lít. Đó là chưa kể nhiều chuyến không có lãi. Đâu phải buôn lậu lúc nào cũng có lời”, bị cáo Đức trình bày.

Trước thắc mắc này, đại diện VKS nói: “Nếu bị cáo có chứng cứ chứng minh chiết khấu 2.000 đồng/lít (như các bị cáo khác - PV) thì VKS căn cứ vào con số này để xem xét và buộc tội”. Lúc này, bị cáo Đức yêu cầu công bố chi tiết lời khai ban đầu về lợi nhuận trên mỗi lít xăng. Do hết giờ nên chủ tọa quyết định kết thúc phiên tòa, yêu cầu VKS chuẩn bị lời khai để công bố như đề nghị của bị cáo Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.