Xét nghiệm kháng thể Covid-19: Khuyến cáo không cần nhưng người dân vẫn thích làm

30/10/2021 07:07 GMT+7

Thời gian gần đây, một số bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm đua nhau quảng cáo dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 dù Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo là không cần thiết.

Đủ giá xét nghiệm kháng thể

Giá của dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 (gọi tắt là XNKT) dao động từ 300.000 đồng - 1,55 triệu đồng/người. Giá này còn phụ thuộc vào khách hàng chọn dịch vụ XN tại nhà hay trực tiếp tại các cơ sở và có nơi, nếu đi theo nhóm từ 2 người thì giá XN của người thứ 2 sẽ rẻ hơn.

Xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19

BVCC

Tại Bệnh viện (BV) Q., PV Thanh Niên được tư vấn giá XNKT tại chỗ là 550.000 đồng/người, lấy mẫu tại nhà 1,55 triệu đồng, nhưng 2 người trở lên thì mỗi người chỉ hơn 1 triệu đồng. Trung tâm XN y khoa V. có giá 420.000 đồng/người, nếu lấy mẫu XN tại nhà là 620.000 đồng/người. Tại BV đa khoa X. là 350.000 đồng/người...

Các cơ sở y tế tư vấn nếu tự đến lấy mẫu XNKT tại cơ sở y tế, chỉ mất khoảng 2 tiếng có kết quả và kết quả gửi qua Zalo.

Không chỉ những BV, phòng khám có địa chỉ rõ ràng mới quảng cáo và tiếp nhận dịch vụ XNKT, có thể dễ dàng tìm thấy những bài đăng quảng cáo về dịch vụ XN trên các hội nhóm Facebook. Một tài khoản tên Đ.V.T đã đăng bài quảng cáo về dịch vụ XNKT của nhóm mình nhưng lại không rõ là của BV hay phòng khám nào. Chúng tôi đã liên hệ với tài khoản này để hỏi thêm về dịch vụ XNKT và bày tỏ mong muốn được XN tận nơi tại H.Hóc Môn. Tài khoản Đ.V.T cho hay: “Hóc Môn hơi xa, bên mình phải thu thêm phí đi lại nên giá là 700.000 đồng. Còn nếu bạn qua bên mình ở Q.7 để làm XN thì giá là 600.000 đồng”. Nhưng khi PV hỏi địa chỉ phòng khám để đến làm XN thì tài khoản Đ.V.T trả lời sẽ gửi định vị qua Zalo để đến nếu chúng tôi đồng ý làm XN.

Covid-19 sáng 30.10: Cả nước 910.376 ca nhiễm, 816.132 ca khỏi | Số ca cộng đồng tăng trở lại

Vì sao người dân đi xét nghiệm kháng thể ?

Lý giải nguyên nhân người dân đi XNKT Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do nhiều thông tin cho rằng đã tiêm 2 mũi, nhưng chưa chắc phòng bệnh tốt, vì KT không đủ, điều này khiến người dân lo và đi XNKT để biết mình bao nhiêu KT. Thứ hai, nhiều người mắc bệnh được khuyến cáo 6 tháng mới tiêm vì đã có KT, nên họ muốn biết mình đã có KT bao nhiêu. Thứ ba, nhiều người bệnh không có triệu chứng, chỉ có test nhanh mà muốn khẳng định nhiễm thì phải XN RT-PCR (mà làm RT-PCR thì sợ đi cách ly) nên họ phải đi làm XNKT để biết mình có nhiễm và có KT hay không.

Dù cơ quan quản lý khuyến cáo không nên làm XNKT, nhưng có rất nhiều nơi vẫn làm, đó là điều tất yếu, vì thật sự là nhiều người rất lo lắng và cũng là nhu cầu cá nhân. “Nhà quản lý không cho phép làm XNKT, mà yêu cầu phải thực hiện 5K. Bởi không thể nói tiêm ngừa rồi, nhiễm rồi thì XNKT cao và có thể tự do thoải mái, điều này không được vì sẽ có nhiều người bắt chước”, bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, về phương pháp, XNKT bằng lấy máu test nhanh, hoặc chạy trong phòng XN. Có đến 600 hãng xét nghiệm, mỗi hãng 1 thông số nhưng quy đổi ra thông số chung của Tổ chức Y tế thế giới - WHO (BAU/ml). “Quan trọng sau tiêm ngừa 2 mũi, nếu KT dưới 500 BAU/ml được xem là thấp thì đừng lo vì KT tăng đến 6 tháng mới đạt đỉnh”, bác sĩ Khanh nói và khuyến cáo, dù có KT nhưng không được ỷ y, ra đường vẫn phải 5K.

Xét nghiệm kháng thể để nghiên cứu, chống dịch

Đầu tháng 10.2021, Bộ Y tế có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Pasteur các khu vực, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc XNKT Covid-19 sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh. Theo Bộ Y tế, Bộ đã ghi nhận một số người dân và đơn vị XN triển khai XNKT Covid-19, nhưng WHO chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với vi rút Covid-19. Bên cạnh đó, XN huyết thanh học phát hiện KT không sử dụng để xác định đang nhiễm vi rút và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Do đó, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực XN trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng XNKT Covid-19 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị XN về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp XN.

Tuy nhiên, hiện chỉ các BV công lập là tuân thủ điều này (chỉ làm phục vụ chống dịch, nghiên cứu), còn cơ sở y tế tư vẫn làm theo nhu cầu. Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết cơ sở y tế nào vi phạm thì Thanh tra Sở sẽ kiểm tra, xử lý.

Xét nghiệm kháng thể Covid-19 cho biết điều gì?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.