Xét nghiệm dương tính không có nghĩa là bị nhiễm sán lợn

21/03/2019 04:37 GMT+7

'Chỉ có kết quả xét nghiệm dương tính (xét nghiệm ELISA) chưa xác định là người đó bị nhiễm sán lợn hay không'.

Đó là khẳng định của giáo sư Trần Thị Kim Dung, nguyên giảng viên Bộ môn Ký sinh, Khoa Y, Đại học Y dược TP.HCM; hiện là giảng viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM).
Bà là người nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật ELISA để chẩn đoán bệnh ký sinh trùng từ thú lây truyền qua người; đồng biên soạn (cùng với giáo sư Trần Vinh Hiển, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh, Khoa Y, Đại học Y dược TP.HCM) sách “Ký sinh trùng liên quan giữa thú và người”, xuất bản 2008.
Trước những hoang mang của phụ huynh về khả năng con bị sán lợn và nhiều người ồ ạt đi làm xét nghiệm sán lợn (xét nghiệm máu ELISA), giáo sư Dung đã có ý kiến với phóng viên Báo Thanh Niên, nói rõ về bệnh và giá trị của xét nghiệm này.

Không xét nghiệm hàng loạt

“Chỉ kết quả xét nghiệm máu ELISA dương tính chưa thể kết luận người đó bị nhiễm ấu trùng sán lợn”, giáo sư Dung khẳng định.
Giáo sư Dung nhấn mạnh: Bệnh ấu trùng sán lợn được gọi là bệnh của bệnh viện. Người nào có triệu chứng bệnh thì nhập viện. Bác sĩ thăm khám thấy triệu chứng nghi ngờ mới chỉ định xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm tìm kháng thể trong máu chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán, chứ không phải là kết luận cuối cùng.
“Ký sinh trùng thuộc nhóm đa tế bào nên khi làm xét nghiệm huyết thanh thường có phản ứng chéo, phản ứng dương tính giả. Vì vậy, kết quả xét nghiệm ELISA dương tính sẽ có 3 khả năng: dương tính thật (nhiễm ấu trùng sán lợn), dương tính giả và phản ứng chéo (cả hai trường hợp sau, người đó đều không bị nhiễm ấu trùng sán lợn)”, giáo sư Dung giải thích.
Theo chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, để xác định bị nhiễm ấu trùng sán lợn, quan trọng nhất là triệu chứng. Sau đó, thêm xét nghiệm ELISA, nếu dương tính thì phải cần thêm các xét nghiệm khác nữa (như hình ảnh học, công thức máu, sinh thiết,…). Như vậy, mới xác định được bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn.
Đối với trẻ em, sán lợn không phải là bệnh đặc thù dễ lây nhiễm. Khả năng trẻ bị sán lợn rất hiếm vì trẻ thường được cho ăn thịt lợn và rau nấu chín. Phụ huynh không nên quá hoang mang, lo sợ con bị bệnh này
Giáo sư Trần Thị Kim Dung
“Nếu trẻ khỏe mạnh hay một người bình thường không có bất cứ biểu hiện gì thì kết quả xét nghiệm ELISA dương tính chưa có ý nghĩa gì cả, có thể xem là người đó vẫn bình thường, không cần phải điều trị hay can thiệp thêm gì hết; không cần phải tầm soát cộng đồng”, giáo sư Dung đánh giá giá trị của xét nghiệm.
“Người dân không nên hoang mang, không cần phải đi làm xét nghiệm tìm ấu trùng sán lợn hàng loạt, như thế vừa tốn kém, lại không có ý nghĩa gì cả”, giáo sư Dung nói.

Bệnh sán lợn không thể thành dịch

Giáo sư Dung cho biết, bệnh sán lợn là bệnh từ thú truyền qua người. Đây là bệnh do ký sinh trùng, khác với bệnh do vi rút, vi trùng. Bệnh do vi rút, vi trùng có thể dễ dàng lây từ người qua người qua hơi thở, qua tiếp (xúc tay, miệng). Bệnh do ký sinh trùng không dễ lây nhiễm vì ký sinh trùng có vòng đời phức tạp. Bệnh ký sinh trùng không thể tạo thành dịch, không có tính chất hàng loạt.
Về bệnh sán lợn, có hai thể bệnh: bệnh sán trưởng thành ở ruột và bệnh ấu trùng sán lợn trong mô (bệnh “gạo”).
Người bị sán trưởng thành ở ruột nếu người đó ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín kỹ (tái) có chứa các nang sán (lợn “gạo”).
Trong trường hợp này, ấu trùng sán khi vào ruột sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán trưởng thành. Để nang sán phát triển thành sán trưởng thành cần thời gian dài đến vài tháng.
Người bị bệnh ấu trùng sán lợn khi ăn phải trứng sán (có thể bị nhiễm trong rau sống); hoặc do đốt sán già trong người vỡ ra (đối với người đã bị sán trưởng thành ở ruột).
Khi ký sinh ở lợn, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
Vì vậy, bệnh chỉ lây sang người khi ăn uống thịt heo “gạo” sống, chưa chín kỹ hoặc ăn thực phẩm sống (rau, trái cây,…) có dính trứng sán.
“Đối với trẻ em, sán lợn không phải là bệnh đặc thù dễ lây nhiễm. Khả năng trẻ bị sán lợn rất hiếm vì trẻ thường được cho ăn thịt lợn và rau nấu chín. Phụ huynh không nên quá hoang mang, lo sợ con bị bệnh này”, giáo sư Dung trấn an.
Xét nghiệm máu hay xét nghiệm phân?
Theo giáo sư Trần Thị Kim Dung, trong chuyện xét nghiệm sán lợn đang diễn ra mấy ngày nay, ngay cả việc làm xét nghiệm máu cũng không đúng.
Giáo sư Dung giải thích: Trong trường hợp nghi ngờ bị sán đường ruột thì không cần phải thử máu, mà đúng là phải xét nghiệm phân tìm đốt sán.
Xét nghiệm máu ELISA là xét nghiệm tìm kháng thể IgG trong máu. Trong khi đó, nếu nhiễm sán đường ruột thì sẽ có kháng thể IgA trong ruột, chứ không thể tìm thấy kháng thể IgG trong máu. Vì vậy, nhiễm sán đường ruột phải làm xét nghiệm phân, hoặc tìm kháng thể IgA trong ruột.
Khi nghi ngờ ấu trùng sán ở mô thì mới phải thử máu để tìm kháng thể IgG (xét nghiệm ELISA) và một số xét nghiệm khác.
Các xét nghiệm này đều phải được bác sĩ ở bệnh viện chỉ định đối với bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ.
Triệu chứng nhiễm sán lợn
Bệnh sán đường ruột: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt như xơ mít, trắng ngà. Một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân (do đốt sán vỡ trong ruột).
Bệnh ấu trùng sán lợn: tùy vào vị trí ký sinh của nang sán (“gạo” lợn) mà có những biểu hiện khác nhau.
- “Gạo” ở não: động kinh, yếu liệt chi, rối loạn tâm thần.
- “Gạo” ở mắt: rối loạn thị giác (tăng nhãn áp, giảm thị lực).
- “Gạo” ở mô cơ: có thể đau cơ.
- “Gạo” ở dưới da: các nốt rờ thấy được (khoảng 1-2 cm, di động dễ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.