'Xếp hàng xác nhận F0 gây phiền hà, tăng nguy cơ lây nhiễm'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/02/2022 19:11 GMT+7

Ủy ban Pháp luật phản ánh nhiều vấn đề vướng mắc trong thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19 như vấn đề khai báo ca nhiễm hay chất lượng, giá bán kit xét nghiệm nhanh .

F0 điều trị tại nhà chưa được hỗ trợ kịp thời

Thường trực Ủy ban Pháp luật vừa có báo cáo về một số vấn đề liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 gửi tới Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30 năm 2021 về các chính sách đặc biệt, cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Người lớn, trẻ con xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm tại P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội

đậu tiến đạt

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện nay, ở một số nơi số ca mắc cao như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc.

Ở một số phường của TP.Hà Nội, người bệnh phải ra trạm y tế để nhận và khai báo trên bản giấy, trạm y tế cũng không được cung cấp kít xét nghiệm mà người nghi nhiễm phải tự mang kit xét nghiệm đến, nhân viên y tế chỉ thực hiện lấy mẫu giúp và báo kết quả.

“Việc tập trung đông người đến trạm y tế để khai báo và lấy mẫu gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”, báo cáo nêu.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng phản ánh tình trạng không khai báo khi phát hiện mắc Covid-19 với y tế địa phương, gây nguy cơ cao lây nhiễm cho cộng đồng và cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn nhất là đối với cấp cơ sở.

Trong đó, cần cải tiến quy trình khai báo, quản lý thông tin đối với người mắc Covid-19, tăng cường tin học hoá, thực hiện trực tuyến để hạn chế tiếp xúc, bảo vệ chính nhân viên y tế và mọi người trong cộng đồng.

Chấm dứt "loạn giá" kit xét nghiệm nhanh Covid-19

Cũng theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu về mặt hàng kit xét nghiệm nhanh Covid-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, với hơn 95% ca nhiễm Covid-19 hiện nay điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như thuốc điều trị, kít xét nghiệm, máy đo nồng độ ô xy máu… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, nhiều trường vẫn lúng túng khi có học sinh mắc Covid-19, mỗi trường xử lý một cách khác nhau, chưa thống nhất phương pháp chung.

Quản lý tình nguyện viên chặt chẽ hơn

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cũng dẫn phản ánh của báo chí về trường hợp bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm giả sinh viên trường y để tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên đến hỗ trợ khu cách ly, điều trị Covid-19 ở Q.12, TP.HCM.

“Qua sự việc này cho thấy, cần có quy trình quản lý người tình nguyện vào hỗ trợ các khu cách ly, điều trị Covid-19 chặt chẽ hơn để công tác chăm sóc, khám, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đạt chất lượng, hiệu quả”, báo cáo nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.