Xếp hàng 1,5 km nhận đồ ăn miễn phí tại Thụy Sĩ vì Covid- 19

10/05/2020 17:47 GMT+7

Tại Geneva - một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới , hàng ngàn người bắt đầu xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí từ 5 giờ sáng. Phần lớn họ là lao động nhập cư đã mất việc.

Khi buổi phát thực phẩm miễn phí bắt đầu tại sân vận động Vernets ở Geneva, Thụy Sĩ, vào lúc 9 giờ sáng, dòng người xếp hàng đứng cách nhau 2 m đã dài đến 1,5 km. Đa phần họ là lao động nhập cư, đang phải vật lộn để trả tiền thuê nhà và không còn tiền để mua thức ăn.

Dịch Covid-19 “phơi bày” những người nghèo

Theo AFP, dịch Covid-19 đã “phơi bày” những người nghèo thường không được nhìn thấy ở thành phố Thụy Sĩ vốn nổi tiếng với hệ thống ngân hàng và những thương hiệu đồng hồ, thời trang xa xỉ.
Hiệp hội Caravane de Solidarite - nhà tổ chức chính của buổi phát thực phẩm miễn phí cho rằng số người đến nhận thức ăn vào thứ Bảy, 9.5, ít nhất cũng bằng tuần trước với hơn 2.000 người. Đây là buổi phát chẩn thứ 6 tổ chức này thực hiện từ khi dịch Covid-19 bùng phát và mỗi lần số người đến nhận lại đông hơn.
“Chúng tôi cần thức ăn. Mọi thứ trở nên quá khó khăn từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu”, bà Silvia Mango, 64 tuổi, người Philippines, chia sẻ trong lúc chờ đợi suốt 3 giờ đồng hồ dưới nắng nóng. Đây là lần thứ hai bà đến nhận cứu trợ.
Miguel Martinez, một nhân viên nhà hàng 27 tuổi người Colombia thuộc diện lao động không phép, than thở: “Con virus này đã làm đảo lộn mọi thứ, không có việc làm, không có gì hết. Các nhà hàng được nhận trợ cấp, nhưng tôi không được. Tôi không có gì để ăn”. Anh thú nhận rất sợ đi nhận đồ phát chẩn nhưng không còn lựa chọn nào khác.
Odmaa Myagmarjavzanlkham, người nhập cư không phép 27 tuổi đến từ Mông Cổ, cho biết cô không tìm được việc lau dọn nhà nữa, còn chồng cô cũng không thể tìm việc làm vườn: “Không có việc làm. Chúng tôi không có cái ăn. Ở đây quá đắt đỏ và chúng tôi không có gì cả”. Thông thường hai vợ chồng gửi phần lớn tiền kiếm được về Mông Cổ để nuôi con trai 5 tuổi đang sống với bà, nhưng nay họ thậm chí không kham nổi tiền thuê nhà.
Từ giữa tháng 3, Thụy Sĩ đưa ra hàng loạt biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã khiến hơn 30.000 người nhiễm bệnh và hơn 1.500 người tử vong tại nước này. Các biện pháp bao gồm đóng cửa nhà hàng và hầu hết các cơ sở kinh doanh khác. Kinh tế đình trệ gần 2 tháng đã ảnh hưởng trực tiếp đến những lao động không được đăng ký và các nhóm dễ bị tổn thương khác vốn có cuộc sống bấp bênh.
Theo Phòng Thống kê Liên bang của Thụy Sĩ, có khoảng 8% dân số nước này, cỡ 660.000 người, sống ở mức nghèo, còn nếu xếp vào diện bấp bênh thì con số vào khoảng 1 triệu người.

Hai cha con một người lao động nhập cư tại điểm phát thực phẩm miễn phí ở Geneva ngày 9.5. Có hơn phân nửa số người được hỏi thuộc diện lao động không phép

Ảnh: AFP

Một cuộc khảo sát với khoảng 550 người xếp hàng nhận thức ăn vào tuần trước cho thấy hơn phân nửa trong số họ thuộc diện lao động không phép, gần 1/3 có giấy phép cư trú và gần 4% có quốc tịch Thụy Sĩ. Đáng kể là có 3,4% trong số những người được hỏi đã xét nghiệm dương tính với Covid-19, cao gấp 3 lần tỷ lệ chung của Thụy Sĩ. Nguyên nhân là do họ phải chung sống chật chội, có khi gia đình cả chục người nhồi nhét trong 1 căn hộ nhỏ nên dễ lây nhiễm.
“Cái nghèo thường ngày bị che giấu nhưng vẫn tồn tại ở Geneva. Cuộc khủng hoảng corona đang làm cho mọi thứ hiển hiện rõ ràng hơn,” ông Patrick Wieland, thuộc tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới - đơn vị đồng tổ chức buổi phát chẩn, nhận xét.
Người đến nhận thực phẩm không cần chứng minh mình thuộc diện nghèo. “Không dễ để có thể đứng xếp hàng xin giúp đỡ. Bất cứ ai có mặt ở đây đều đến chỉ vì họ đang túng thiếu”, đại diện ban tổ chức khẳng định.

Lao động nhập cư là những người đầu tiên mất việc

8 năm sau khi đến Nhật, anh Rennan Yamashita, 31 tuổi người Brazil, lại ngồi tại văn phòng nhà nước để điền đơn xin nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp. Vài tuần trước, anh bị mất việc ở một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô khi mới làm được 4 tháng. Đây là lần mất việc thứ 9 hoặc 10 của anh.
Yamashita sau đó tìm được việc tại một nhà máy phụ tùng ô tô khác. Hợp đồng chỉ 3 tháng hoặc ít hơn, nhưng với anh có còn hơn không. Anh đã được phỏng vấn và chờ đợi ngày đi làm thì bất ngờ nhận được điện thoại cho biết vị trí ấy không còn trống nữa. 
Đại dịch Covid-19 đã đánh mạnh vào kinh tế Nhật và nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất. Trong cơn lốc đó, lao động nhập cư bị tổn thương nặng nề vì mạng lưới hỗ trợ yếu và rào cản ngôn ngữ khiến họ khó tìm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ.

Một con phố ở Nhật rợp cờ kêu gọi người dân ở nhà (Stay Home) để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Nền kinh tế Nhật ngày càng phụ thuộc vào lao động nhập cư nhưng khi gặp khủng hoảng, nhân công nước ngoài lại là những người đầu tiên bị sa thải

Ảnh: AFP

Reuters dẫn lời các tổ chức nghiệp đoàn, luật sư bảo vệ người lao động và tổ chức phi lợi nhuận cho biết lao động nhập cư như Yamashita là những người đầu tiên bị mất việc trong “các đợt cắt giảm vì corona”. Vào tháng 3 và tháng 4, một tổ chức lao động ở tỉnh Mie - trung tâm sản xuất cách Tokyo khoảng 300 km về phía Tây đã nhận được 400 yêu cầu tư vấn và giúp đỡ từ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và 330 trong số đó là người nước ngoài.
Lao động nước ngoài làm theo hợp đồng ngắn hạn sẽ mất việc trước vì họ dễ sa thải hơn”, ông Akai Jimbu thuộc Nghiệp đoàn Mie cho biết. Năm ngoái, 34,5% nhân công nước ngoài ở Mie là lao động thời vụ so với mức trung bình cả nước là 2,5%. “Có vẻ như họ được thuê để dễ đuổi khi tình hình trở nên khó khăn. Họ chỉ là chốt chặn phòng hờ trong mắt nhà tuyển dụng”, ông Jimbu thẳng thắn.
Với 1/3 dân số trên 65 tuổi, Nhật ngày càng phụ thuộc vào lao động nước ngoài và chính phủ nước này đã nới lỏng những giới hạn nhập cư. Tính đến tháng 10.2019, có hơn 1,6 triệu lao động nhập cư tham gia vào kinh tế Nhật, tăng gấp 4 lần so với năm 2008. Tháng trước, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật ước tính nếu GDP của Nhật giảm 25% năm nay thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 5% với khoảng 2 triệu người mất việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.