Xem nữ thổ dân đấu vật ở thủ đô cao nhất thế giới

Nguyễn Tập
Nguyễn Tập
15/02/2021 07:16 GMT+7

Trên đỉnh núi ở độ cao hơn 4.000 m thuộc thủ đô La Paz ( Bolivia ), một tuần hai lần, những buổi đấu vật của các nữ thổ dân trở thành sự kiện thu hút khách bậc nhất tại nước này.

Đấu vật được xem là môn thể thao của phái mạnh, nhưng tại Bolivia thì võ đài dành cho các trận đấu vật (wrestling) là sàn diễn của những cholita. Từ cholita được dùng để chỉ nữ thổ dân ở Bolivia, thường là người Aymara hoặc Quechua (được xem là hậu duệ của đế chế Inca lẫy lừng Nam Mỹ thế kỷ 15).

Võ đài của những cholita

Buổi đấu diễn ra lúc sẩm tối nhưng từ trưa, dân tình đã lũ lượt thuê xe, đi bộ kéo đến trước điểm diễn đông nườm nượp. Họ mang theo đàn, kèn, trống để cùng nhau chơi nhạc, múa hát trước giờ diễn. Đám con nít, phụ nữ chơi “bi lắc” ầm ĩ cả một góc đường.

20 năm phát triển đấu vật nữ

Đấu vật chỉ xuất hiện tại Bolivia từ những năm 1960, khi các đô vật Mexico đi lưu diễn quanh Nam Mỹ và huấn luyện cho một số đàn ông Bolivia. Tuy nhiên, mãi đến năm 2001, phụ nữ Bolivia (hầu hết là thổ dân) mới bắt đầu xuất hiện trên sàn đấu.
Hình thức đấu vật này ít mang tính chất thi đấu mà thiên về sân khấu hóa. Giải đấu vật tại Bolivia cũng được tổ chức tương tự như Lucha Libre ở Mexico hoặc World Wrestling Entertainment (WWE) ở Mỹ, tuy quy mô không bằng. Du khách có thể mua vé xem đấu vật nữ tại khách sạn hoặc các đại lý du lịch với giá 90 bolivianos (khoảng 300.000 đồng) bao gồm xe đưa đón, vé vào cửa, đồ ăn nhẹ và quà lưu niệm.
Bolivia là một trong những nước nghèo nhất Nam Mỹ. Điều này thấy rõ qua nhà thi đấu xập xệ và cũ kỹ. Hàng ghế VIP (gần sàn đấu) dành cho khách nước ngoài là dãy ghế nhựa, dân địa phương ngồi trên những bục xi măng phía sau. Trận đấu sắp bắt đầu, nhạc trỗi lên, các cholita trong bộ trang phục truyền thống (váy phồng sặc sỡ, tóc dài thắt bím, đầu đội mũ nỉ, choàng thêm những chiếc khăn tua rua nhiều màu) dạo một vòng chào khán giả.
Trận đấu diễn ra đầy kịch tính ngay từ những phút đầu. Những rudas (đô vật vai phản diện) nhảy ra chế nhạo và lăng mạ đám đông, lắc chai soda 2 lít xịt tung tóe vào khán giả. Liền lúc đó, các ténicas (đô vật vai chính diện) cũng tuyên thệ lòng trung thành của họ với đám đông và lao vào chiến đấu với rudas. Họ đập phá, cầm ghế phang nhau, máu me (máu giả) tung tóe khắp nơi. Những người hâm mộ ngồi xem chỉ cách “cuộc tàn sát” sôi nổi vài bước chân.
Xen lẫn những pha biểu diễn đánh nhau quyết liệt là những màn hài hước giật bím tóc người khác, kéo cả khán giả lên tham gia cùng, hoặc cúi xuống hôn lên má một anh chàng nào đó. Có mấy chàng du khách nước ngoài sung quá, cởi áo nhảy hẳn lên võ đài cùng “đấu” với nhau vài quyền. Chẳng hề gì, người xem vẫn vỗ tay ầm ĩ.
Các cholita khi chiến đấu không mặc quần áo thun như các đô vật nữ người Mỹ mà vẫn mặc trang phục truyền thống. Khi họ nhảy bật ra từ dây thừng hoặc vật đối thủ xuống đất, chiếc váy pollera nhiều tầng, lấp lánh sắc màu tung bay đẹp và lạ mắt mà khán giả sẽ không bắt gặp ở bất kỳ một giải đấu vật nào khác.

Tác giả và nữ đấu sĩ thổ dân

Phía sau sàn đấu

Chấn thương trong các cuộc đấu xảy ra gần như cơm bữa và các nữ đấu sĩ chấp nhận như một chuyện hiển nhiên.

Thay đổi định kiến xã hội bằng đấu vật

Theo thống kê của chính phủ Bolivia, vấn đề bạo hành phụ nữ, đặc biệt là nữ thổ dân vẫn còn rất nhức nhối. Để góp phần thay đổi điều này, sau những buổi đấu vào chủ nhật, các nữ đấu sĩ thổ dân tình nguyện dạy những đòn tự vệ miễn phí cho phụ nữ địa phương đi coi show diễn.
Trước đây những nữ đấu sĩ được quản lý bởi các doanh nhân, chủ yếu cho mục đích kiếm tiền. Cách đây không lâu, Carmen Rosa và những người bạn đã thành lập một tổ chức các đô vật nữ nhằm đoàn kết giúp đỡ nhau, nâng cao vai trò của họ trong xã hội. Cạnh đó, cô còn dùng sự nổi tiếng của mình như một nhà hoạt động xã hội để lên tiếng chống lại bạo lực gia đình.
Hôm tôi đi xem, trong một pha đánh nhau, Adelita (28 tuổi) bị trúng đòn. Cô ôm bụng lộ vẻ đau đớn. Từ khóe mắt Adelita rơi hai giọt nước mắt, nhưng nhanh như chớp, cô quệt vội và trở lại sàn đấu để hoàn thành “vai diễn” của mình.
Tôi lần ra phía phòng chuẩn bị sau sàn đấu. Ở đó, nữ đấu sĩ Sarita (25 tuổi) ngồi bất động trong góc phòng. Thằng con của Sarita chưa đến 2 tuổi đang ngồi xổm trên sàn xi măng ằng ặc đòi mẹ. Sarita cố với bàn tay mình cho con nắm. Đó là việc duy nhất cô có thể làm lúc này vì cô vừa bị vẹo cổ sau trận đấu biểu diễn.
Ngồi cạnh đó là Jenifer, 30 tuổi, thâm niên 10 năm trong nghề. Lớp phấn dày vẫn không thể lấp nổi cái sẹo to đùng trên mặt. “Dấu tích của một trận đấu biểu diễn năm ngoái đấy. Trong một pha đánh nhau, do bạn diễn ra đòn hơi lố nên tôi bị đập mặt xuống sàn”, Jenifer giải thích.
Carmen Rosa, biệt hiệu “Nhà vô địch”, là một trong những nữ đấu sĩ thổ dân đầu tiên. Năm 2001, cô tham gia một nhóm gồm 50 người muốn được đào tạo thành đô vật chuyên nghiệp. Hầu hết mọi người trong nhóm đều bỏ cuộc vì cường độ tập luyện và chế độ ăn uống khắc nghiệt. Cuối cùng chỉ còn lại ba phụ nữ, trong đó có Carmen Rosa.
Xem nữ thổ dân đấu vật ở thủ đô cao nhất thế giới

Từ đỉnh núi độ cao 4.000 m (nơi diễn ra trận đấu vật) nhìn xuống thủ đô La Paz

Thời gian đầu, những cholita này luôn gặp phải sự phân biệt chủng tộc, giới tính.
Có lẽ những điều đó chính là động lực để có một Carmen Rosa tiến xa hơn cả những đấu sĩ nam tại Bolivia. Cô được đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Argentina...
Dù nổi tiếng nhưng Rosa cũng như hầu hết nữ đô vật đều không sống được bằng nghề đấu vật. Một buổi diễn, thù lao của các nữ đấu sĩ từ 150 - 200 bolivianos (khoảng 500.000 - 700.000 đồng), một tuần trung bình chỉ hai buổi diễn.
Dù vậy, cô vẫn đam mê và tin vào tương lai của các nữ đấu sĩ thổ dân. “Tôi đang giúp đỡ những thế hệ nữ đấu sĩ mới. Mọi việc đang tiến triển tốt. Biết đâu được, ngày nào đó, một cholita sẽ thi đấu tại Thế vận hội với chiếc mũ nỉ, váy xòe tròn và các bím tóc đung đưa thì sao?”, Rosa cười đầy tin tưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.