Xem nhanh: Chiến dịch ngày 277, tổng thống Ukraine nói Nga chưa hết tên lửa, NATO kêu gọi thành viên vượt khó ủng hộ Kyiv

Thế Vinh - La Vi - Tuấn Anh và 3 người khác
28/11/2022 22:53 GMT+7

Hãng CNN dẫn lời một quan chức địa phương của Ukraine hôm 28.11 cho biết Nga đã tiến hành các cuộc pháo kích vào khu vực trung tâm Dnipropetrovsk vào đêm trước đó.

Ông Valentyn Reznichenko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Dnipropetrovsk, cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng không có thương vong nhưng ba cộng đồng gần thành phố Nikopol đã bị pháo hạng nặng tấn công.

Nikopol nằm đối diện nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và cách Zaporizhzhia một con sông. Trong khi đó, tại TP.Kherson, 2 tuần sau khi các lực lượng Kyiv tái kiểm soát nơi đây thì hàng trăm người Ukraine đang gấp rút đi sơ tán sau những trận pháo kích của Nga.

Báo The Guardian cho biết các cuộc sơ tán đã bắt đầu vào tuần trước trong bối cảnh lo ngại rằng thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng do chiến tranh gây ra là quá nghiêm trọng, người dân khó lòng chịu đựng qua mùa đông khắc nghiệt của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một video phát biểu đêm 28.11 cảnh báo người dân nước này sẽ phải trải qua một tuần khó khăn nữa khi quân đội Nga sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập kích đường không vào Ukraine.

Theo CNN, người đứng đầu công ty hạt nhân quốc gia Ukraine cho biết lượng nguyên liệu hạt nhân hiện có trong nước có thể giúp Ukraine sản xuất điện thêm 2 năm nữa.

Ông Petro Kotin, giám đốc điều hành Energoatom, đã đưa ra bình luận này trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine.

Kể từ khi chiến tranh xảy ra, Ukraine đã không mua nhiên liệu hạt nhân của Nga mà dựa vào nguồn dự trữ của chính mình. Energoatom cho biết họ đang chuyển đổi tất cả các tổ máy từ các nhà máy điện hạt nhân dựa vào nhiên liệu của Nga sang Westinghouse Electric, một công ty công nghệ tập trung vào hạt nhân có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ.

Ông Kotin cho biết: "Chúng tôi đang hợp tác với Westinghouse để tạo ra dây chuyền sản xuất nhiên liệu của riêng mình, dựa trên công nghệ của họ. Chúng tôi đã sản xuất phần đầu và phần đuôi của hộp nhiên liệu đã được cấp phép bởi công ty Mỹ này. Vì vậy, chúng tôi sẽ tự sản xuất một nửa số đó và phần còn lại sẽ do Westinghouse cung cấp".

Bên cạnh đó, ông Kotin cũng đưa ra một thông tin bất ngờ rằng có những dấu hiệu cho thấy Nga đang có kế hoạch rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây đã bác bỏ thông tin Nga sắp rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Chính quyền do Nga thiết lập tại thành phố Enerhodar, nơi nhà máy tọa lạc, cũng khẳng định cơ sở năng lượng quan trọng này hiện vẫn do Nga kiểm soát.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết chính phủ Nga hoan nghênh đề nghị của Vatican cung cấp một nền tảng đàm phán để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, nhưng Moscow cho rằng lập trường của Kiyv khiến điều này không thể diễn ra.

Cách đây 10 ngày, Đức Giáo hoàng Francis đã nhắc lại thông điệp rằng Vatican sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để hòa giải và chấm dứt chiến sự.

Chuyển qua một thông tin khác thì chính quyền Mỹ đang cân nhắc đề nghị của tập đoàn Boeing về việc cung cấp loại vũ khí chính xác, giá rẻ cho Ukraine trong bối cảnh phương Tây vất vả tìm vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Kyiv.

Reuters ngày 28.11 đưa tin Boeing đã đề nghị với quân đội Mỹ về việc cung cấp loại vũ khí có tên Bom đường kính nhỏ phóng từ trên bộ (GLSDB), có tầm bắn 150 km cho Ukraine. Theo tài liệu đề xuất của Boeing gửi Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, là đơn vị giám sát việc chuyển vũ khí đến Ukraine, thì loại vũ khí này có thể được gửi sớm nhất là vào mùa xuân 2023.

Dù nhiều vũ khí hiện đại đã tham chiến ở Ukraine, điều đáng ngạc nhiên là cuộc xung đột về cơ bản vẫn là cuộc đấu tay đôi giữa lực lượng pháo binh hai phía, không khác gì hồi Thế chiến 2.

Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ nhiều loại pháo hiện đại, hỗ trợ Ukraine rất nhiều trong cuộc đấu pháo trên tiền tuyến. Tuy nhiên, một khó khăn lớn đã phát sinh: vì cường độ sử dụng quá dồn dập, số pháo này chịu những hỏng hóc mà quân đội Ukraine không có khả năng sửa chữa, thay thế.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 27.11 chính thức xác nhận đã chuyển tên lửa dẫn đường chính xác cao Brimstone 2 cho Ukraine.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết tên lửa Brimstone được phát triển với vai trò vũ khí không đối đất chính xác cao phóng từ máy bay chiến đấu, nhưng có thể được hoán cải để triển khai từ bệ phóng mặt đất. Thông cáo nói "lục quân Ukraine đang sử dụng hiệu quả loại tên lửa này để tấn công xe tăng và thiết giáp" của Nga.

Theo phía Anh, số tên lửa này được máy bay vận tải C-17 đưa đến Ba Lan trước khi được vận chuyển qua biên giới vào Ukraine. Báo New York Times hôm 26.11 đưa tin việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine đã gây căng thẳng nguồn dự trữ vũ khí phương Tây.

Theo bài báo này, trong số các thành viên NATO thì "các nước nhỏ hơn đã cạn kiệt tiềm năng vũ khí để viện trợ" cho Ukraine. Chỉ “các đồng minh lớn hơn”, bao gồm Pháp, Đức, Ý và Hà Lan, mới có đủ kho dự trữ để tiếp tục hoặc có thể tăng cường vận chuyển vũ khí của họ tới Ukraine.

Không những thế, một lãnh đạo NATO mới đây cũng thừa nhận người dân châu Âu sắp sửa phải đối mặt với vô vàn khó khăn do cuộc xung đột ở Ukraine gây nên đối với giá cả lương thực và năng lượng.

Cuộc chiến ở Ukraine đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, có một thị trường lại âm thầm trở nên rất sôi động vì có liên quan đến nhu cầu phòng thủ đột ngột tăng mạnh tại nhiều nước châu Âu sau khi xung đột nổ ra. Các nước Đông Âu từng có nền tảng sản xuất quốc phòng từ thời Chiến tranh Lạnh, và tình hình hiện nay đang mang cho họ cơ hội sản xuất vũ khí đạn dược với tốc độ chưa từng thấy suốt 30 năm qua.

Hãng thông tấn nhà nước Nga Ria Novosti dẫn lời đại biện lâm thời của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, bà Elizabeth Rood, cho biết hai nước này có nhiều cách để quản lý rủi ro hạt nhân ở cấp độ các cơ quan tình báo, đồng thời cho biết thêm rằng hiện tại không có cuộc họp nào được lên lịch.

Trong một video trên kênh Telegram của RIA, bà Rood nói: "Mỹ có các kênh để quản lý rủi ro với Liên bang Nga, đặc biệt là rủi ro hạt nhân và đó là mục đích của cuộc gặp giữa giám đốc CIA William Burns với người đồng cấp Nga. Giám đốc Burns đã không đàm phán bất cứ điều gì và ông ấy đã không thảo luận về việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.