Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 278, NATO cam kết giúp Ukraine nhưng sắp cạn kho, Mỹ xem xét cấp tên lửa 150 km

Thanh Hải - Thế Vinh - Cẩm Tú và 3 người khác
29/11/2022 22:45 GMT+7

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay khẳng định liên minh quân sự này sẽ không ngừng hỗ trợ Ukraine. Ông kêu gọi các đối tác cam kết cung cấp thêm hỗ trợ mùa đông cho Kyiv trong bối cảnh Nga tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Các bộ trưởng quốc phòng thuộc khối NATO đang họp tại Bucharest (thủ đô Romania) với nội dung tập trung vào việc tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các tổ hợp phòng không và đạn dược, cũng như nhiên liệu, thuốc men, trang bị dùng cho mùa đông.

Ông Stoltenberg tuyên bố NATO sẽ tiếp tục “đứng bên Ukraine khi nào còn cần thiết” và cách duy nhất để đạt được điều kiện thuận lợi trên bàn đàm phán là giúp Ukraine có thắng lợi trên chiến trường.

Chắc chắn đây cũng là điều mà Kyiv mong muốn, và hơn thế nữa giới lãnh đạo Ukraine vẫn luôn khẳng định hòa bình chỉ đến khi đạt được điều kiện toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Một cựu tư lệnh Lực lượng đổ bộ đường không mới đây tiết lộ rằng các lực lượng Kyiv đã có kế hoạch tiến quân đến Crimea vào năm 2023.

Tờ The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Canada khẳng định NATO giữ vững cam kết hỗ trợ Ukraine vượt qua mùa đông khó khăn, mặc dù việc chấm dứt xung đột với Nga vẫn nằm ngoài tầm với.

Ngoại trưởng Mélanie Joly nói: "Mục tiêu của NATO lúc này chỉ là củng cố vị thế của Ukraine trên chiến trường thông qua viện trợ quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ tài chính".

Bà giải thích "làm như vậy có nghĩa là NATO đang củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán”. Ngoại trưởng Canada cho rằng dù hiện chưa có đàm phán giữa hai bên nhưng “cuối cùng vẫn sẽ có một giải pháp ngoại giao vì đó là điều xảy ra trong mọi cuộc xung đột”.

Trong thời gian gần đây đã xuất hiện thông tin các đồng minh phương Tây đang ngày càng lo lắng vì phải liên tục cung cấp vũ khí, cũng như lo ngại về tốc độ tiêu hao đạn dược của Ukraine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Canada trấn an rằng sự ủng hộ dành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ trước hội nghị thượng đỉnh của NATO.

Trong hôm qua 28.11, đại diện ngoại giao các nước Estonia, Iceland, Latvia, Lithuania, Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy đã đến gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Kyiv để thảo luận về viện trợ nhân đạo và quân sự, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU), NATO của Ukraine.

Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thống Zelensky cho biết chuyến thăm này là "cử chỉ ủng hộ và đoàn kết rất quan trọng hiện nay dành cho Ukraine".

Ông Zelensky cho biết đã đề nghị các nước gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine để bảo vệ mạng lưới hạ tầng năng lượng của nước này khi thời tiết lạnh giá khắc nghiệt đang ập đến.

Reuters ngày 28.11 tiết lộ hai cường quốc Nga và Mỹ vẫn duy trì một đường dây liên lạc, nhưng đường dây này chỉ được sử dụng duy nhất một lần trong suốt 9 tháng chiến sự ở Ukraine vừa qua.

Trong một diễn biến khác liên quan đến quan hệ Nga - Mỹ, hai nước này đã có kế hoạch tổ chức cuộc đàm phán liên quan đến hiệp ước hạt nhân New START. Tuy nhiên, Moscow đã đơn phương hoãn cuộc tham vấn này và cho biết sẽ đề xuất thời gian mới cho cuộc họp.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 28.11 bình luận rằng "cuộc hôn nhân" giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi tới hồi kết do sự "gian lận kinh tế" từ Washington.

Ông Medvedev, người từng là tổng thống Nga, cho rằng Mỹ ngày càng đưa ra các điều kiện kinh doanh hấp dẫn hơn tại nước này với các công ty châu Âu và khuyến khích các quốc gia khác mua sản phẩm của mình. Trong khi đó, thị trường hàng hóa châu Âu lại đang thu hẹp, một phần do quyết định tách rời Nga.

Bình luận vừa rồi được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và EU có căng thẳng sau khi Washington ra Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, trong đó cắt giảm thuế và trợ cấp năng lượng cho các công ty đầu tư trên đất Mỹ. Đạo luận này còn khuyến khích người tiêu dùng "mua hàng Mỹ" khi chọn xe điện, là động thái ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp xe hơi lớn như Pháp, Đức.Giới chức Mỹ và EU chưa phản hồi về phát ngôn của ông Medvedev.

Trong khi đó, tờ The Guardian đưa tin các quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington dự kiến sẽ công bố khoản viện trợ tài chính "đáng kể" cho Ukraine vào hôm nay 29.11 để giúp nước này đối phó với thiệt hại cơ sở hạ tầng năng lượng ở nước này do các cuộc tấn công của Nga.

Tuy nhiên, một sự hỗ trợ khác mà Kyiv có lẽ đang rất mong chờ là những loại vũ khí đạn dược tầm xa, giúp quân đội Ukraine tấn công sâu hơn vào hậu phương của quân đội Nga. Cho đến nay Mỹ chưa chấp thuận chuyển cho Ukraine loại tên lửa có tầm bắn đến 300 km vì e ngại leo thang quân sự với Nga. Tuy nhiên đã có thông tin Mỹ đang cân nhắc đề nghị của tập đoàn Boeing về việc cung cấp loại một vũ khí chính xác khác với giá rẻ hơn cho Ukraine trong bối cảnh phương Tây vất vả tìm vũ khí để đáp ứng nhu cầu của Kyiv.

Về tình hình chiến sự, một quan chức của vùng ly khai Donetsk hôm 28.11 thông báo các lực lượng Nga đang khép vòng vây thị trấn chiến lược Bakhmut ở miền đông Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cùng ngày thừa nhận lực lượng Nga "tiếp tục tập trung nỗ lực vào tiến công" thành phố Bakhmut. Tuy nhiên phía Ukraine tuyên bố nơi này vẫn chưa bị lực lượng Nga bao vây.Bakhmut là thị trấn chiến lược ở phía bắc tỉnh Donetsk, nằm trên trục đường chính dẫn đến hai thành phố lớn là Sloviansk và Kramatorsk trong cùng tỉnh Donetsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ trong một báo cáo ngày 28.11 cho rằng mặc dù lực lượng Nga đã đạt được một số bước tiến ở phía nam Bakhmut, nhưng sẽ khó bao vây nhanh chóng được thị trấn này vì tổn thất lớn.

Trong khi đó ở vùng Zaporizhia ở miền Nam Ukraine, một quan chức chính quyền thân Nga tại đây nói quân đội Ukraine đã điều động nhiều binh sĩ và trang thiết bị quân sự về khu vực này, trong đó có hơn 700 lính đặc nhiệm.

Vị quan chức này nói số lính đặc nhiệm Ukraine có nhiệm vụ vượt sông Dnieper rồi đổ bộ kiểm soát các cơ sở công nghiệp lớn ở Zaporizhzhia.Còn tại khu vực ở vùng Kherson mà Nga còn kiểm soát, ở bờ đông sông Dnieper, Viện nghiên cứu chiến tranh của Mỹ ngày 28.11 nhận định, quân đội Nga đang củng hổ hầm hào phòng thủ để chuẩn bị cho kịch bản Ukraine tiếp tục phản công ở phía đông Kherson.

Từ các hình ảnh vệ tinh, ISW nhận định, tại tả ngạn sông Dnieper các lực lượng Nga đang tăng tốc xây dựng phòng tuyến ở khu vực. Đây được xem là khu vực quan trọng vì nếu Ukraine có thể vượt sông Dnieper và kiểm soát được thì sẽ tiến rất sát bán đảo Crimea

.Trở lại với vấn đề duy trì nguồn cung cấp vũ khí cho các lực lượng Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hôm 28.11 xác nhận vẫn còn các đối tác có sẵn vũ khí trong kho nhưng không chịu chia sẻ vì lý do chính trị, và ông kêu gọi Ukraine phải tự xây dựng công nghiệp sản xuất vũ khí mạnh với sự hỗ trợ của phương Tây.

Trong khi trên thực tế có thể có những nước vì một số vấn đề nội bộ đã không thể thỏa mãn những đòi hỏi về vũ khí của Kyiv, thì cũng có một vấn đề khác khiến phương Tây nhức đầu. Tờ New York Times hôm 26.11 đưa tin việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine đã gây căng thẳng nguồn dự trữ vũ khí phương Tây, khiến quân đội NATO ngày càng khó thực hiện cam kết của các chính trị gia về cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.