Thẳm xanh miền thơ dại

11/01/2007 22:00 GMT+7

Nhã nhặn, chu đáo, và đầy tình cảm, đó là điều mà những cộng tác viên của báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam có thể nhớ về Trần Hoài Dương - Trưởng ban Văn xuôi của báo suốt thập niên 1970 đến 1981.

Ngày ấy, báo Văn Nghệ là một trong những tờ báo hiếm hoi mà các nhà văn rất hạnh phúc khi được công bố tác phẩm trên đó. Mỗi tuần một kỳ, cả năm 52 kỳ, số lượng truyện ngắn in trên Văn Nghệ chỉ trên dưới 200, vậy mà trưởng ban chẳng hề làm bộ làm tịch, đừng nói là khó dễ với cộng tác viên, như kiểu thư lại quen thấy...

Nhớ về Trần Hoài Dương - nhà văn, người ta lại nhớ tới những trang viết trong veo một thứ văn chắt lọc, viết rất kỹ, rất đẹp, xứng đáng với những nhân vật đầy tính thiện, tình yêu thương và chất nhân văn trong đó. Văn của anh như viết để dành cho nhà trường,  dạy các cháu nhỏ làm quen với tiếng Việt: rất nhiều hình ảnh, màu sắc, phong vị quê hương Việt Nam, nhiều chất văn hóa đời sống của Việt Nam. Các cháu đọc truyện anh như được dẫn đưa vào những khu vườn, khu rừng đầy hương sắc, um tùm hoa trái mà cây cỏ, thú vật cũng trở thành bạn bè thân thiện, huống chi con người.

Tập Trần Hoài Dương - Truyện chọn lọc (NXB Văn Học, 2006) như bức chân dung nghề nghiệp của anh, tuyển chọn 63 truyện ngắn và 1 truyện dài. Trong phần Những truyện tưởng tượng, nhà văn hướng cuộc đối thoại của mình vào các tâm hồn thơ trẻ, giải thích cuộc sống theo cách mà anh nghĩ rằng, sẽ đưa các em đến với những suy nghĩ  tốt đẹp nhất, gây trong các em cả lòng biết ơn lẫn tình yêu thương với tất cả mọi thứ, dù bình thường nhất quanh mình. Để làm vui lòng cô bé đáng yêu, cây gạo - mùa xuân đã chuyển tất cả màu hoa tươi đỏ của mình sang cho phượng vĩ - mùa hè, và đến lượt phượng vĩ lại chuyển màu đỏ sang hoa son - mùa thu, để rồi vào mùa đông không còn thứ hoa nào sống nổi, màu đỏ ấy lại chảy vào trong sớ lá của cây bàng, hoàn tất cuộc chạy tiếp sức đầy dâng hiến của các loài thảo mộc (Sắc đỏ)...

Với Những truyện về đời thường, Trần Hoài Dương mở những cuộc nhóm họp trong nhà hay dạo chơi ngoài thiên nhiên và tỉ tê về những kỷ niệm, những cảm xúc thời niên thiếu. Rất nhiều những câu chuyện bình thường không sơn phết, chỉ qua cái nhìn của tác giả mà thành truyện. Một cành sấu đầy quả chín là vị chua ngọt đáng yêu dành cho cả nhóm bạn thân (Cô bé ấy đã lớn), một chùm ổi được ủ lớn trên cành từ lúc bé cho đến khi chín để thành một món quà sinh nhật đặc biệt (Quà sinh nhật), một chú chó khôn ngoan láu lỉnh và bài học nhỏ mà chú vô tình tặng cho cậu bạn láng giềng (Bạn chí thân), một cuộc gặp tình cờ nhưng đã như viên sỏi nhỏ ném lên mặt hồ đang yên ả của tâm hồn cậu học sinh mười bảy (Áo đỏ)... 

Những mẩu chuyện nhỏ lại như những bài thơ xuôi nhiều xúc cảm, nhặt nhạnh từ cuộc sống đời thường những bụi vàng nhỏ nhất để tích góp thành đóa hoa vàng bé bỏng nhưng lấp lánh ánh rạng rỡ của tâm hồn... Đó là những khám phá bất ngờ dành cho những trái tim còn nhiều thơ dại, hướng cái nhìn của các em về phía có tiếng cười và lòng nhân ái, có sự độ lượng ấm áp lẫn sự đáp đền tương xứng từ tất cả những ai biết nghĩ và làm điều tốt, cho con người cũng như vạn vật quanh mình...

Có lẽ với Trần Hoài Dương, văn chương như một thái độ sống: anh đã dành những gì tốt đẹp nhất của đời mình cho thiên chức, cho nghiệp văn mà anh chọn. Giống như cậu bé xưng Tôi trong Miền xanh thẳm, nhà văn Trần Hoài Dương bước đi trong cuộc đời nhiều góc tối khúc khuỷu này, với một tâm niệm không lay chuyển: vượt qua những thử thách bằng cách vượt lên chính bản thân mình. Miền xanh thẳm mang hơi hướm một tự truyện, vẽ lại một quãng sống mà bất kỳ người đọc nào cũng tìm thấy một mảnh nhỏ của chính mình trong đó...

Và vì vậy, tác phẩm của Trần Hoài Dương sẽ có một đời sống dài hơn nhiều so với một đời người...

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.