Xem bi kịch... giải tỏa stress

29/08/2016 09:00 GMT+7

Sau thời gian dài làm mưa làm gió tại nhiều sân khấu TP.HCM, đến nay hài kịch không còn giữ được thế thượng phong. Thay vào đó, các vở kịch được xếp vào dạng 'lấy nước mắt' lại đang thu hút đông đảo khán giả.

Sự cuốn hút từ những vở kịch buồn
Thời gian gần đây, các suất diễn của vở kịch Đời như ý (của tác giả - đạo diễn Bùi Quốc Bảo, dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Sân khấu Thế giới trẻ) luôn kín khán giả. Hơn 3 tiếng hòa vào dòng chảy đầy bất trắc của những số phận bi thương trong vở diễn là khoảng thời gian người xem lắng lại, đồng cảm cùng nỗi đau của những người thấp cổ bé miệng trong bão tố cuộc đời… Hơn 23 giờ 30, khi vở diễn kết thúc, lẫn trong những tiếng vỗ tay kéo dài là không ít những ngón tay lau đi những giọt nước mắt, những tiếng sụt sịt. Và càng ngạc nhiên hơn khi khá đông khán giả của buổi diễn hôm ấy là những người trẻ…
Theo PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, trong tâm lý, để trị liệu, tâm kịch là một hình thức trị liệu rất đặc biệt. Kịch tâm lý không là kiểu tâm kịch nhưng mang đến những cơ hội để giải tỏa hay giải thoát cho con người từ chính những gì họ trải qua về phương diện cảm xúc. Nếu khóc để bi lụy thì không nên nhưng khóc để cân bằng thì thật cần thiết và thật có giá trị. Khóc để thấy đồng cảm, thông cảm, khóc để nhẹ lòng, để bước tiếp vững vàng hơn thì thật nhân văn.
Nhà thiết kế thời trang Thuận Việt, sau khi xem một số vở như Hãy khóc đi em, Rau răm ở lại (của Sân khấu Hoàng Thái Thanh), cũng tỏ ra rất bất ngờ: “Tôi cứ tưởng đến sân khấu xem những vở chính kịch, nặng về tâm lý thế này chỉ có khán giả trung niên, nào ngờ khán giả trẻ lại nhiều như vậy. Cũng như tôi, họ đã khóc vì cảm thương những mảnh đời éo le tưởng chừng không tồn tại trong xã hội này”.
Thiên thần nhỏ của tôi, vở kịch chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cũng đang thu hút khá đông khán giả đến với Hồng Hạc, một sân khấu có tuổi đời vào loại thấp nhất tại TP.HCM. Cũng khai thác nỗi buồn, song nỗi buồn trong Thiên thần nhỏ của tôi thanh khiết và nhẹ nhàng với những tiếc nuối man mác về một tuổi thơ đã vĩnh viễn không còn, gắn cùng trăn trở thời cuộc…
Khóc rồi cười…
Dù những tấn bi kịch có hấp dẫn cỡ nào, nhưng nếu chỉ có nước mắt cùng những cảm xúc nặng trĩu khi thưởng thức, hẳn khán giả sẽ đắn đo cho những lần sau khi muốn dành thời gian để giải trí. Vậy nên, điều không thể không nhắc đến khi nói về sức hút của những vở kịch “lấy nước mắt” này chính là cách dàn dựng đan xen hợp lý tiếng cười, để câu chuyện không chìm sâu trong nỗi buồn.
Thành công trong việc mang đến tiếng cười không hề khiên cưỡng sau những lần nấc nghẹn, phải đề cập đến những mảng miếng duyên dáng trong Đời như ý. Như chia sẻ của diễn viên Quý Bình (vai Hai Đời) thì “sự tung hứng tự nhiên, vừa đủ duyên của các diễn viên Khương Ngọc, La Thành, Hồng Trang... trong tuyến nhân vật phụ, cũng là những mảnh đời cơ cực bên cạnh Hai Đời, Bé Ba đã khiến người xem như được giãn ra, để thoải mái hơn khi tiếp tục với những trôi nổi của phận người”. Bên cạnh đó, diễn viên Lê Phương cho rằng, chính yếu tố “trẻ” của các diễn viên trong sự phối hợp diễn xuất, nhất là sự sáng tạo trong các mảng miếng hài vừa gần gũi với đời sống vừa thể hiện dấu ấn cá nhân đã tạo nên màu sắc thú vị cho những vở chính kịch, đúng hơn là trong bi có hài, và hài rất vừa “vị”. Hoặc ở Sân khấu Hồng Hạc, có thể thấy cùng với điểm xuyết bằng tiếng cười được cài cắm tinh tế trong các vở diễn, còn thấy được sự chăm chút cho “tâm trạng” người xem thông qua âm nhạc.
Cảnh trong vở Thiên thần nhỏ của tôi 
Sự chiến thắng của “hot boy xoài lắc” Anh Tú cùng tiểu phẩm nhiều tiếng cười và không ít những phút giây lắng đọng Ai là ngôi sao trong chương trình Cười xuyên Việt mới đây là một minh chứng cho xu hướng làm kịch “cười mà khóc, khóc mà cười” này. Hay trước đó, làn sóng ủng hộ mà cộng đồng mạng dành cho các tác phẩm của nhóm kịch X-Pro từ cuộc thi Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội, trong đó đỉnh điểm là Bến vắng, đều xuất phát từ sự đồng thuận cao: diễn hài nhưng câu chuyện vẫn có lúc khiến người xem phải rưng rưng…
Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý Sân khấu Thế giới trẻ, cho biết: “Thời gian gần đây, thấy được sự thay đổi trong nhu cầu thưởng thức của công chúng nên những vở hài được chúng tôi đầu tư hơn để có giá trị về nội dung, đọng lại cảm xúc, suy nghĩ sau tiếng cười, còn các vở bi kịch cũng được chúng tôi chú trọng đan xen sao cho trong bi có hài, để tâm lý người xem không quá mệt mỏi, căng thẳng”.
Lý giải cho xu hướng gần đây khán giả đi xem kịch “lấy nước mắt” gia tăng, PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Khi đã quá ngán ngẩm với các kiểu hài nhảm, những chương trình giải trí nhàn nhạt, người ta ắt muốn tìm đến những gì sâu sắc hơn, nghiêm túc hơn để cân bằng. Hoặc ở góc độ khác, người ta sau khi xem hài, cười mà vẫn buồn, nên đã tìm đến nước mắt. Song hành với tiếng cười, những giọt nước mắt cũng giúp người xem giải tỏa được sự hẫng hụt, bức xúc, những khát khao và dồn nén... Quan trọng hơn, tiếng khóc có giá trị gấp nhiều lần để cởi đi những áp lực và đau đớn con người gặp phải, chịu đựng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.