Vụ ‘nữ quái xế’ tháo chạy: Đừng dại đuổi theo ô tô ‘điên’!

30/08/2020 14:11 GMT+7

Những người đàn ông rồ ga truy đuổi chiếc “ô tô điên” gây tai nạn rồi bỏ chạy đã may mắn an toàn. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, chúng ta đừng bao giờ dại dột lặp lại hành động như họ, vì may mắn luôn hữu hạn.

Theo dõi vụ việc nữ tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy ở TP.HCM trên mạng xã hội, tôi thấy có một vài vấn đề sai trái trong cách nghĩ của không ít người. Những vấn đề này liên quan đến tư duy, nhận thức và nếu không nhanh chóng “nắn” lại sẽ dễ tạo thành “phong trào” với nhiều hiểm họa.
Cụ thể, vấn đề tôi đề cập ở đây là cách nhiều người đang tung hô, cổ xúy cho hành động truy đuổi chiếc “ô tô điên” của những người đàn ông tại TP.HCM.
Trước hết, xin nhấn mạnh rằng, tôi chưa bao giờ cho rằng hành động của những người truy đuổi ô tô gây tai nạn là xấu. Nhưng thẳng thắn mà nói, những hành động này là vi phạm pháp luật (trước mắt là luật giao thông) và không đúng thẩm quyền. Chính vì vậy, theo tôi chúng ta không nên tung hô cũng cũng đừng bao giờ bênh vực, cổ xúy.
Tôi biết rằng quan điểm của tôi sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều người. Nhưng tôi không ngại. Khi viết ra những ý kiến này, điều tôi mong muốn là góp phần thay đổi cách tư duy, cách nhìn nhận vấn đề của nhiều người, hướng đến việc xây dựng một xã hội tiến bộ hơn. Bởi lẽ, có một thực tế là đa phần người Việt chúng ta hiện nay đang suy nghĩ rất cảm tính.

Việc bắt giữ, xử phạt đối với người vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng

Ảnh: Cắt từ video

Tại sao tôi nói như vậy? Xét trong vụ việc truy đuổi ô tô điên vừa qua. Tôi theo dõi trên nhiều diễn đàn, hội nhóm và nhận thấy rằng, rất nhiều (nếu không muốn nói là đa phần) những bình luận bày tỏ sự tung hô, ủng hộ những dành cho những người đàn ông điều khiển xe máy chạy theo ô tô. Cá nhân tôi nhận định, những người ủng hộ hành động này là những người quá cảm tính. Và vì cảm tính nên họ nhìn nhận vấn đề bắt đầu từ tính mục đích. Như tôi đã nói, tôi không phủ nhận ý tốt trong hành động của những người truy đuổi chiếc ô tô điên. Nhưng, quan điểm của tôi là việc làm tốt “đích thực” trước hết cần đúng luật và đúng thẩm quyền.
Và nếu xét theo luật, rõ ràng những người này đã vi phạm luật giao thông khi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường. Còn nói chuyện thẩm quyền, việc truy bắt và xử phạt với ô tô gây tai nạn là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, cụ thể là Cảnh sát Giao thông. Họ được trang bị công cụ, vũ khí, phương tiện hỗ trợ; được pháp luật cho phép và bảo hộ. Trong khi những người đàn ông kia thì sao? Họ chẳng có gì ngoài “dòng máu anh hùng” và một cái đầu đang “quá nóng”.
VIDEO: Truy đuổi gay cấn nữ tài xế BMW say xỉn gây tai nạn rồi bỏ chạy ở TP.HCM
Vụ việc hôm qua, tôi thở phào vì không có chuyện đáng tiếc xảy ra với họ. Nhưng thử hình dung nếu chẳng may một trong số những người “hăng máu” đuổi theo “ô tô điên” hoặc người lái ô tô vì bị truy đuổi mà hoảng loạn dẫn đến tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác nữa thì sao? Tôi không dám hình dung hậu quả. Tôi chỉ nhấn mạnh rằng, những người lí trí cần nhìn thấy hiểm họa trước khi hành động.
Hẳn nhiều người sẽ phản bác rằng, với kiểu lập luận của tôi thì khi ra đường gặp những trường hợp như cướp bóc, hành hung, giết chóc thì như thế nào? Chẳng lẽ cứ “khoanh tay làm ngơ” chờ cơ quan chức năng hay sao? Nếu so sánh như thế này thì càng cảm tính và khập khiễng. Tai nạn giao thông xảy ra, việc của chúng ta trước hết là giúp đỡ người bị nạn, sau nữa là lưu lại biển số xe. Những việc còn lại như bắt giữ xe vi phạm, xử phạt tài xế… Cảnh sát Giao thông sẽ giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Tóm lại, cá nhân tôi cho rằng, mỗi người tham gia giao thông, việc cần nhất là phải luôn luôn tuân thủ luật giao thông. Dù bất cứ lý do, mục đích gì đi nữa cũng nên xem xét lý trí, tránh cảm tính mà gây thêm nguy hiểm cho cộng đồng. Sau cùng, nên nhớ rằng không phải khi nào may mắn cũng đồng hành cùng chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.