Chuyện 'bia kèm lạc', giận thì giận mà… mua thì mua

10/08/2020 09:58 GMT+7

Trong câu chuyện đại lý ô tô ép giá khách hàng bằng hình thức bán “bia kèm lạc” tôi nghĩ sẽ chẳng có cách nào “dẹp” được nếu người mua xe vẫn giữ kiểu “vừa xuống tiền, vừa la làng”.

Những ngày qua, tôi lại thấy trên mạng xã hội nhiều người ca lại điệp khúc “bia kèm lạc” với đủ kiểu cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố.
Câu chuyện liên quan đến việc nhiều đại lý ô tô Toyota sau khi hãng công bố giá bán chính thức cho dòng xe mới Corolla Cross, đã nhanh nhảu áp dụng hình thức bán xe kèm theo các gói phụ kiện và bảo hành bắt buộc với mức giá từ 30 - 70 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Thực tế, kiểu bán hàng xưa nay chúng ta vẫn hay được ví von “bia kèm lạc” này không còn gì lạ lẫm tại Việt Nam. Không riêng gì với sản phẩm ô tô, xe máy. Chuyện bán hàng “đính kèm” này tôi dường như đọc thấy gần như thường xuyên trên mặt báo.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực tài chính. Tôi nhớ cách đây khoảng một năm, tại Long An có nhiều trường hợp một số ngân hàng bị khách hàng phản ánh tình trạng cho vay kiểu “bia kèm lạc” tương tự trường hợp người mua ô tô những ngày qua. Theo đó, để được duyệt hồ sơ nhanh, lãi suất ưu đãi, nhiều khách vay diện thế chấp cho biết, họ bị phía ngân hàng o ép phải mua đủ loại bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm sức khỏe.
Hoặc mới đây, tôi nhớ đâu đó vào khoảng tháng 4.2020, thời điểm áp dụng chương trình học năm 2020 - 2021 mới đưa vào từ lớp 1. Dư luận cũng một phen phẫn nộ, cũng vì câu chuyện bán sách kiểu “bia kèm lạc”. Trong bối cảnh không có nhiều lựa chọn, nhiều phụ huynh muốn cho con bộ sách giáo khoa để tươm tất đến trường cũng bị ép mua thêm nhiều loại sách bổ trợ, sách tham khảo hoặc thậm chí phải mua cả bộ vở, dụng cụ học tập kèm theo.

Chỉ khách hàng mới "dẹp" được kiểu bán ô tô "bia kèm lạc"

Ảnh: Minh họa

Hai trường hợp tôi kể trên chỉ muốn nhấn mạnh rằng, thực tế chuyện bán hàng kiểu “bia kèm lạc” vốn dĩ xưa nay đã thành “chuyện thường phố huyện”. Nó không còn quá xa lạ tại Việt Nam. Nhưng đồng thời tôi cũng thắc mắc, tại sao một mặt hàng tiêu dùng phổ biến như ô tô hay xe máy mà tình trạng này vẫn tiếp diễn hết năm này qua tháng nọ? Bởi lẽ theo tôi thấy, rõ ràng những người cầm tiền đi mua xe khác xa những kẻ phải phải cắn răng, quỵ lụy khi đi vay ngân hàng hoặc đi mua sách… vì con.
Dễ hiểu hơn, bạn thử hình dung. khi một người rơi vào cảnh túng thiếu hoặc cần gấp một số tiền kinh doanh. Hoặc khi ai đó phải bằng mọi cách tìm mua cho con một bộ sách giáo khoa đúng chuẩn và tươm tất để con kịp vào lớp cùng chúng bạn, trong khi từng địa phương các sở - phòng dường như đã “chỉ định” sẵn nhà phân phối và bạn chẳng có lựa chọn nào khác. Hai trường hợp này rõ ràng bạn đã ở vào thế bị động và gần như rất khó “lật ngược thế cờ”.
Nhưng, riêng với trường hợp mua xe nói riêng và một số mặt hàng tiêu dùng phổ biến nói chung thì khác hoàn toàn. Bạn hoặc tôi cầm trong tay số tiền lớn và thị trường có nhiều, nếu không muốn nhấn mạnh là rất nhiều lựa chọn. Nếu mẫu xe này bán đắt hoặc đại lý thách giá, không tôn trọng khách hàng, bất chấp chạy theo lợi nhuận trước mắt thì bạn và tôi hoàn toàn có quyền tìm mua một mặt hàng khác. Rõ rành rành là những người tiêu dùng như chúng ta đang nắm trong tay quyền tự quyết.
Vậy tại sao câu chuyện “bia kèm lạc” vẫn dai dẳng? Cá nhân tôi nghĩ tất cả đơn giản nằm ở hai chữ: dễ dãi!
Tôi không có ý chê trách ai ở đây cả. Nhưng cứ nhìn lại mà xem. Khách hàng Việt Nam thực tế những năm qua quá dễ dãi. Cần thẳng thắn rằng, trong một nền kinh tế thị trường, giá cả vốn dĩ được định đoạt dựa vào quy luật cung cầu. Chính vì vậy, với khung pháp lí hiện tại, các đại lý ô tô áp dụng kiểm bán “bia kèm lạc” họ không phạm luật. Có chăng, việc “kiếm chác” bất chấp bối cảnh nhà nhà người người lao đao vì đại dịch Covid-19 thể hiện sự tham lam, kém đạo đức của doanh nghiệp.
Trong khi đó, về phía người tiêu dùng. Như tôi vừa nói, chúng ta rõ ràng là những người nắm quyền tự quyết. Không mua mẫu xe này bạn có thể tìm mẫu xe khác. Không mua xe lúc này, bạn có thể mua lúc khác. Tiền trong tay chúng ta thì chúng ta là người làm chủ lựa chọn. Nhưng điều kiện cần là chúng ta phải đoàn kết và hành động vì lợi ích chung.
Chỉ tiếc là đa phần những người hay kêu than… chỉ để cho sướng miệng. Nhân viên bán xe hô hào, ép giá, họ giận dỗi qua loa, rồi thì vẫn vung tiền ẵm xe. Vậy nên, bia muôn đời cứ đi kèm với lạc!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.