'Xe quá tải chạy ầm ầm mà cảnh sát không ngăn là có tiêu cực'

24/04/2015 15:45 GMT+7

(TNO) “Xe quá khổ quá tải chạy ầm ầm trên đường như vậy, phương tiện có tên có tuổi như vậy mà cảnh sát giao thông lẫn thanh tra giao thông không ngăn lại thì rõ ràng có một cái gì đó mà chúng ta phải đặt câu hỏi, có tiêu cực hay vùng cấm nào đó ở đây”, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhìn nhận.

 (TNO) “Xe quá khổ quá tải chạy ầm ầm trên đường như vậy, phương tiện có tên có tuổi như vậy mà cảnh sát giao thông lẫn thanh tra giao thông không ngăn lại thì rõ ràng có một cái gì đó mà chúng ta phải đặt câu hỏi, có tiêu cực hay vùng cấm nào đó ở đây”, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhìn nhận.

thuong-tuong-le-quy-vuongThượng tướng Lê Quý Vương khẳng định địa phương nào để xảy ra quá tải, cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phải chịu trách nhiệm - Ảnh: Thái Sơn
Hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý 1.2015 do liên Bộ: Giao thông Vận tải và Công an tổ chức sáng nay 24.4, thống nhất đánh giá: với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và các địa phương, công tác kiểm soát tải trọng xe trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tốt.
Tuy nhiên, cả Bộ Công an và Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận vẫn còn không ít tồn tại trong kiểm soát tải trọng xe, cần khắc phục. Trong đó, một số địa phương chưa tích cực vào cuộc, trong khi một bộ phận doanh nghiệp, chủ hàng, chủ xe thực hiện chưa nghiêm quy định về tải trọng.
Theo thượng tướng Lê Quý Vương, thời gian qua dư luận phản ánh nhiều xe quá tải lén hoạt động vào đêm, đi vào tuyến đường liên huyện, liên xã để tránh lực lượng chức năng. “Xe quá khổ, quá tải chạy ầm ầm trên đường như vậy, phương tiện có tên có tuổi như vậy mà cảnh sát giao thông lẫn thanh tra giao thông không ngăn lại thì rõ ràng có một cái gì đó mà chúng ta phải đặt câu hỏi, có tiêu cực hay vùng cấm nào đó ở đây”, ông Vương nhìn nhận.
Theo tướng Vương, việc chưa xử lý dứt điểm xe quá tải có nguyên nhân lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông chưa quyết liệt. “Đặc biệt, lực lượng cảnh sát giao thông cấp tỉnh, huyện chưa làm hết trách nhiệm của mình trong công tác này. Ngoài ra, các trang thiết bị phục vụ cho kiểm soát tải trọng cũng chưa đáp ứng đủ; cân thường xuyên gặp sự cố, kết quả cân thiếu chính xác, nhiều trạm cân tải trọng xe liên ngành phải dừng để sửa chữa", ông Vương dẫn chứng.
Thượng tướng Vương khẳng định kiên quyết không để xảy ra tình trạng bảo kê xe quá tải, không để có vùng cấm trong công tác kiểm soát tải trọng. "Nếu để xảy ra vấn đề này thì lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông phải chịu trách nhiệm", Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh tại Hội nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM nêu thực trạng đang xảy ra tại thành phố này: "Cách đây 2 ngày, tôi xuống khảo sát bãi xe ở quận 7, thì phát hiện xe của doanh nghiệp này nhưng lại dán logo, mang tên của doanh nghiệp khác. Xảy ra tình trạng như vậy là bởi tại TP. HCM đang có vấn nạn bảo kê cho xe chở quá tải".
Ông Chung cho rằng, vấn nạn bảo kê trong hoạt động vận tải tạo ra sự bất bình đẳng, vi phạm pháp luật, gây méo mó thị trường vận tải, cạnh tranh không lành mạnh.
"Mua bán logo mang lại nguồn lợi khổng lồ, khoảng 3,5 - 5 triệu đồng/xe/tháng. Số tiền này nhân với số lượng xe hàng tháng là rất lớn", ông Chung nói.
Theo báo cáo của liên Bộ Giao thông Vận tải - Công an, tại các điểm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định liên ngành Quý 1.2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra 87.543 xe, phát hiện 9.385 xe vi phạm, hạ tải 4.184 xe. Kiểm tra tải trọng bằng cân xách tay, lực lượng Thanh tra giao thông phát hiện 3.000 xe vi phạm.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở Giao thông Vận tải đã trực tiếp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm kích thước thùng xe đối với 9.970 trường hợp, xử lý cắt thùng xe trực tiếp 5.397 xe, chủ xe cam kết tự cắt 4.573 xe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.