Xe ôm công nghệ phản đối công ty thu thuế hộ

05/09/2019 13:29 GMT+7

Các tài xế chạy xe công nghệ có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ đóng 2 loại thuế. Thực tế, quy định này đã được áp dụng từ nhiều năm nay nhưng không phải tài xế nào cũng thực hiện.

Mỗi ngày 60.000 đồng

Ngày 27.8, hàng trăm tài xế Grab 2 bánh (GrabBike, GrabExpress và GrabFood) đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung phản đối chính sách thu hộ thuế của công ty. Cuộc đình công diễn ra sau 1 ngày Grab triển khai thu thuế 60.000 đồng/ngày đối với các tài xế có thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm trở lên. Các tài xế cho rằng Grab thu hộ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không thật sự minh bạch, chưa có cơ sở lý giải vì sao Grab lại thu hộ thuế, công văn nào của Cục Thuế cho thu hộ và tỷ lệ thu hộ là bao nhiêu?
Ngay lập tức, lãnh đạo Grab đã gặp trực tiếp đối thoại với tài xế và tạm ngưng chính sách thu thuế hộ để tuyên truyền rõ hơn. Theo đại diện công ty, theo đúng công văn hướng dẫn số 384 của Tổng cục Thuế về chính sách đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab cùng các hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM, các tài xế xe hai bánh đạt mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải đóng thuế theo quy định và Grab có trách nhiệm thu hộ khoản thuế này.
Liên hệ với cơ quan thuế, ông Lê Duy Minh - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, theo quy định thuế hiện nay, các tài xế ký hợp tác kinh doanh với công ty Grab có doanh thu mỗi năm trên 100 triệu đồng sẽ thực hiện đóng 2 loại thuế là giá trị gia tăng (GTGT) tỷ lệ 3% và TNCN là 1,5%. Các công ty hợp tác với cá nhân, trong trường hợp này là Grab sẽ có trách nhiệm khai, nộp thuế thay cho họ và cấp chứng từ xác nhận số thuế đã khấu trừ. Đối với những trường hợp xác định được doanh thu năm ổn định trên 100 triệu đồng thì các công ty sẽ thực hiện khấu trừ thuế hằng tháng, thấp nhất khoảng 373.000 đồng. Tuy nhiên trường hợp các tài xế xe có doanh thu chưa ổn định nên đến tháng 8, công ty Grab xác định những trường hợp nào vượt hoặc có khả năng vượt doanh thu 100 triệu đồng mới thực hiện thu và tính cả phần chưa nộp của những tháng trước đó nên mới phát sinh con số 60.000 đồng/ngày.
Trước đó, Grab đã phát đi thông báo: các tài xế GrabBike có tổng doanh thu năm 2019 trên 100 triệu đồng sẽ bắt đầu đóng thuế TNCN và thuế GTGT từ 26.8. Nghĩa vụ thuế phải đóng theo quý, nghĩa là đến hết 31.10, Grab phải nộp lại Kho bạc Nhà nước số tiền thuế thu hộ từ tài xế. Tuy nhiên để tránh "dồn cục" áp lực đến khả năng tài chính của tài xế, Grab chủ trương chia nhỏ khoản tiền này ra, thu theo từng ngày. Tính ra, mỗi ngày các bác tài sẽ đóng 60.000 đồng.

Tài xế đóng thuế bao nhiêu?

Để tài xế tự tính số thuế phải nộp, Cục Thuế TP.HCM dẫn chứng với doanh thu 120 triệu đồng/năm, số thuế GTGT mà tài xế nộp là 3,6 triệu đồng (3% doanh thu) và thuế TNCN là 1,8 triệu đồng (1,5% doanh thu). Ngoài ra, đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu sẽ không tính thuế GTGT nhưng tính thuế TNCN tỷ lệ 1%; còn đối với khoản thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sao, thuế TNCN 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.
Theo Grab, việc thu hộ thuế đã được tiến hành từ năm 2015 đến nay. Trong các lần thu thuế trước, các tài xế chưa nắm rõ quy định cũng lên văn phòng hoặc gửi email thắc mắc. Đối với một số tài xế thu nhập chưa đến 100 triệu đồng/năm nhưng theo tính toán của công ty sẽ đạt được mốc 100 triệu đồng trong thời gian từ đây đến cuối năm 2019, Grab cũng tiến hành thu hộ thuế theo cách kể trên.
Đại diện Grab thừa nhận do công tác truyền thông trước đó chưa tốt khiến các tài xế chưa nắm rõ chính sách, gây hiểu lầm. "Đây không phải là chính sách từ Grab nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác. Chúng tôi chỉ ủy quyền thu nộp hộ đối với doanh thu chia sẻ mà các đối tác nhận từ cuốc xe sử dụng ứng dụng Grab và các khoản hỗ trợ nhận từ Grab. Số tiền này sẽ được nộp vào tài khoản Kho bạc Nhà nước TP.HCM. Grab sẽ phát hành chứng từ khấu trừ thuế TNCN hằng năm nếu nhận được yêu cầu từ phía đối tác" - vị này khẳng định Dự kiến ngày mai (6.9), Cục Thuế TPHCM cùng Grab sẽ có buổi đối thoại trực tiếp với khoảng 100 tài xế Grab chạy xe máy để làm rõ hơn về nghĩa vụ và phương thức thu hộ thuế của Grab.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.