Xe chuyển bệnh lạm dụng còi, đèn cứu thương

03/06/2022 04:20 GMT+7

Nhiều xe biển số trắng có những nhận diện bên ngoài trông như xe cứu thương lạm dụng quyền ưu tiên, rú còi hụ, đèn quay, phóng nhanh, vượt ẩu dù không làm nhiệm vụ.

Nhóm PV Thanh Niên nhiều ngày đeo bám các xe cứu thương để ghi nhận thực trạng này.

Hằng ngày trên đường phố TP.HCM, người đi đường khi nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương đa số đều tấp vào lề nhường đường. Nhưng có phải xe cứu thương nào cũng chở người nguy khẩn hay đi làm nhiệm vụ?

Trưa 21.5, chiếc ô tô biển số trắng 51B-008... đi đón bệnh nhân xuất viện về nhà đã vượt đèn đỏ tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình)

CẮT TỪ CLIP

Vượt đèn đỏ, lạng lách, chạy ngược chiều

Khoảng 10 giờ ngày 21.5, trên đường Thành Thái đoạn qua giao lộ Dương Quang Trung (Q.10), ô tô biển số 51B - 008... (phía sau xe dán logo chữ thập đỏ cùng dòng chữ “Vận chuyển cấp cứu 24/24”) hụ còi inh ỏi, lao vun vút trên đường. Bám theo chiếc xe cấp cứu này, chúng tôi ghi nhận xe hướng ra đường Bắc Hải rồi vào đường Lý Thường Kiệt và hụ còi, bóp kèn inh ỏi dù đường sá đông đúc, rồi vượt qua hầu hết các ngã tư có đèn đỏ.

Tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Hoàng Văn Thụ (ngã tư Bảy Hiền), chiếc xe vượt đèn đỏ để qua đường Hoàng Văn Thụ. Chạy khoảng 200 m, phần hông đuôi xe này va vào hàng hóa của một người đàn ông chạy xe máy khiến chiếc xe máy loạng choạng. Phát hiện phương tiện va với xe mình là xe cứu thương đang hụ còi, người này lẳng lặng rời đi.

Đến trước cổng một bệnh viện (BV) gần khu vực công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), tài xế tắt còi hụ và cho xe di chuyển vào bên trong sân BV. Tại đây, gần 20 phút sau tài xế đón một bệnh nhân (BN) nam điều trị ung thư cùng người nhà BN... xuất viện về nhà.

Trước thông tin Sở Y tế TP.HCM có kiến nghị phân biệt hai loại xe cứu thương và vận chuyển bệnh, PC08 - Công an TP.HCM cho biết, hiện nay theo quy định chỉ được sử dụng còi, đèn ưu tiên khi chở BN cấp cứu hoặc đi đón BN cấp cứu; việc vận chuyển BN thông thường không được phép sử dụng đèn, còi ưu tiên; do đó việc phân chia loại xe là không cần thiết.

C.Nguyên

Khoảng 11 giờ 50 cùng ngày, một chiếc xe kiểu dáng xe cứu thương biển số 51B - 510... có logo chữ thập đỏ chạy từ khu vực BN xuất viện, chuyển viện tuyến dưới bên trong BV Chợ Rẫy ra đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5). Tại vòng xoay Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Tri Phương - Ngô Quyền - Ngô Gia Tự, sau khi hụ còi, tài xế vượt đèn đỏ trên đường Ngô Gia Tự. Khi băng qua được vòng xoay, chiếc xe lại chạy chậm rãi trên đường. Suốt quãng đường chạy từ BV ra đến vòng xoay Điện Biên Phủ (Q.10) chiếc xe không hú còi, chỉ mở đèn quay nhấp nháy trên nóc xe và vượt một số đèn đỏ tại các giao lộ, lấn tuyến…

Đầu giờ chiều ngày 24.5, chúng tôi đứng trước cổng số 6, BV Phạm Ngọc Thạch trên đường Ngô Quyền (P.12, Q.5). Khoảng 14 giờ 10, xe biển số 51B - 330...không logo, nhưng có đèn ưu tiên và còi hụ dừng chờ trước cổng. 30 phút sau, một BN nam được 2 phụ nữ là người nhà của BN đẩy xe ra ngoài, đưa lên chiếc xe đang chờ. Vừa rời đi, chiếc xe hú còi inh ỏi trên đường Ngô Quyền, sau đó rẽ vào giao lộ Ngô Gia Tự - Nguyễn Tri Phương - Thành Thái - Bắc Hải - Lý Thường Kiệt, rồi ghé vào BV 1A (Q.Tân Bình).

Trên đường di chuyển, chiếc xe này liên tục hụ còi, vượt nhiều đèn đỏ tại các giao lộ. Tại đường Nguyễn Tri Phương, khi tài xế chạy gần đến giao lộ Vĩnh Viễn (Q.10), thấy các phương tiện phía trước dừng chờ đèn đỏ, tài xế đánh lái, băng qua điểm mở của dải phân cách thép, chạy ngược chiều rồi vượt đèn đỏ tại giao lộ. Người phụ nữ ngoài 50 tuổi đi trên xe cứu thương này cho biết người thân của bà vào BV Phạm Ngọc Thạch nằm được một ngày thì chuyển qua BV 1A để tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. “Tôi cũng không biết họ ở đâu, của đơn vị nào, tiện thì mình thuê (với giá 500.000 đồng - PV)”, người này nói về chiếc xe.

Chiếc xe này dù bên trong không chở bệnh nhân nhưng vẫn mở đèn ưu tiên chạy trên đường

Cần phân biệt xe cứu thương và xe chuyển bệnh ?

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng do chính sách xe công nên xe cứu thương trong hệ thống y tế công lập còn hạn chế, nhiều năm qua xe cứu thương tư nhân đã đóng góp một phần trong việc cấp cứu, vận chuyển BN. Hiện nay, xe cứu thương hụ còi chạy khắp nơi, nhất là xe biển số trắng nhưng không thể biết chắc chắn có phải xe chở BN cần cấp cứu hay BN bình thường. Ngành y tế cũng không có chức năng chặn xe cứu thương đang hụ còi chạy để kiểm tra.

“Đã đến lúc thay đổi hoạt động xe cứu thương, trong đó phân biệt rõ loại hình xe cứu thương ngoại viện và xe chuyển bệnh để phân biệt rõ. Về điều này, các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu, sớm chuẩn hóa 2 loại xe này. Nếu Bộ Y tế, các cơ quan chức năng liên quan cho phép, TP.HCM sẵn sàng thí điểm 2 loại hình này”, ông Thượng nói.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, trên thế giới, nếu xe chỉ để vận chuyển người bệnh từ nhà đến cơ sở điều trị hoặc từ cơ sở điều trị này đến cơ sở khác mà không có can thiệp điều trị cấp cứu tại hiện trường trước đó và không cần tiếp tục hồi sức trên đường chuyển thì được gọi là xe cứu thương “Ambulance”. Ngược lại, nếu xe sử dụng đến hiện trường ở ngoài BV để nhân viên y tế sơ cấp cứu và sau đó vận chuyển người bệnh về BV để tiếp tục điều trị, cần tiếp tục hồi sức trên xe thì được gọi là “Emergency Ambulance”.

Một số nước còn quy định rõ: Đối với xe “Ambulance” thì không được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ, nhân viên đi theo xe không nhất thiết là chuyên viên cấp cứu ngoài BV được đào tạo chính quy. Đối với xe “Emergency Ambulance” phải được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ, nhân viên theo xe phải là chuyên viên cấp cứu ngoài BV được đào tạo chính quy.

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, ngày 28.6.2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 17 quy định tiêu chuẩn và sử dụng ô tô cứu thương. Điều 3 của thông tư này quy định, ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau: Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu; Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Không được sử dụng ô tô cứu thương ngoài 2 mục đích này.

Mặt khác, ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Xe cứu thương khi vận chuyển người bệnh ra, vào cơ sở khám, chữa bệnh phải tuân thủ các nội quy, hướng dẫn của cơ sở khám, chữa bệnh.

Chiều 24.5, ô tô biển số trắng 51B - 330... chở nam bệnh nhân cùng người nhà chuyển viện từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch qua Bệnh viện 1A, liên tục vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy ngược chiều

Kiểm tra, xử lý xe sử dụng đèn, còi ưu tiên không đúng quy định

Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) - Công an TP.HCM cho biết, giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên của xe được quyền ưu tiên (trong đó có xe cứu thương) quy định tại khoản 2 điều 5 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BCA-BCT ngày 8.3.2012.

Từ khi triển khai thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng thiết bị ưu tiên đến nay, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm (trong đó có xe cứu thương). Các hành vi vi phạm chủ yếu là: không có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định. PC08 đang xây dựng kế hoạch chuyên đề để kiểm tra, xử lý đối tượng sử dụng đèn, còi ưu tiên không đúng quy định (trong đó có xe cứu thương) để triển khai trong thời gian tới.

PC08 cho biết thêm, vì xe cứu thương phục vụ việc vận chuyển BN (một số trường hợp BN nặng, nguy kịch) nên một bộ phận CSGT có tâm lý ngại dừng xe kiểm tra, xử lý đối với loại phương tiện này, dẫn tới nhận thức của người dân về các quy định liên quan sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên còn chưa cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.