Xe buýt, nỗi ám ảnh của sinh viên mỗi buổi sáng

24/10/2022 06:00 GMT+7

Hình ảnh xếp hàng rồng rắn mỗi buổi sáng sớm để đón xe buýt hay tiếng la của các tiếp viên “đứng sát vô, lui ra sau đi cho bạn lên nữa...” đã trở nên quen thuộc với sinh viên khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM .

Chạy thục mạng để kịp giờ đi học

Xe buýt là phương tiện công cộng giá rẻ và tiện lợi được nhiều sinh viên (SV) lựa chọn để đi học, nhưng liệu nó có thật sự “tiện” như nhiều người vẫn nghĩ? Nhiều SV đã vỡ mộng khi đi học bằng xe buýt, nhất là những bạn ở khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM.

Sinh viên chen nhau lên xe buýt tại trạm xe buýt KTX khu B ĐH Quốc gia TP.HCM

Tại KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, nơi có đông SV đang sinh hoạt và học tập, bến xe buýt KTX khu B có các tuyến 53, 33 và 99 đi ngang qua các trường ĐH: Quốc tế, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Công nghệ thông tin, An ninh nhân dân, Ngân hàng, Nông Lâm, Sư phạm kỹ thuật… Vì quá đông SV nên khung giờ từ 6 đến 7 giờ 30 sáng, hình ảnh SV xếp hàng rồng rắn đợi xe buýt tại trạm đã trở nên quen thuộc.

Với các SV ở đây, mỗi sáng đi học bằng xe buýt trở thành một cuộc tranh đua quyết liệt. Nguyễn Hương Ngọc Lan, SV năm nhất khoa Nhật Bản học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết: “7 giờ vô học nhưng 7 giờ 15 vẫn chưa lên được xe. Chỉ cần chậm chân một chút thôi là trễ học, nên sáng nào em cũng phải chạy thục mạng để kịp xe buýt, vậy mà nhiều lần vẫn không lên được xe”.

Sẽ tiến hành khảo sát và đưa ra hướng giải quyết

Xung quanh vấn đề xe buýt không đáp ứng được nhu cầu của SV vào giờ cao điểm, một cán bộ của Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết: “Đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa ghi nhận phản ánh nào về vấn đề này. Nếu tình trạng nêu trên là đúng sự thật thì SV cần phản ánh trực tiếp qua đường dây nóng 1022 để chúng tôi tiến hành khảo sát tình hình thực tế. Mặc dù bên Trung tâm quản lý giao thông công cộng có bộ phận theo dõi, giám sát số lượng hành khách trên mỗi tuyến xe, nhưng chúng tôi vẫn rất cần những phản ánh từ chính hành khách để kịp thời nắm bắt tình hình và đưa ra cách xử lý”.

Cũng theo vị này, nếu có tình trạng SV chen lấn, không kịp lên xe buýt dẫn đến trễ giờ học thì sẽ giải quyết bằng cách tăng chuyến xe và rút ngắn thời gian giãn cách giữa các chuyến vào giờ cao điểm.

Bị lỡ nhiều chuyến không lên được xe là tình cảnh chung của nhiều SV chứ không riêng gì Ngọc Lan. Như Hạnh, SV năm 3 khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXHNV, cho biết: “SV đi xe buýt đông ngoài sức tưởng tượng của mình, đợi nãy giờ vẫn chưa đi được, hôm nay lại trễ học nữa rồi. Trước mình nghĩ lỡ chuyến này thì có chuyến khác, nhưng không ngờ chuyến nào cũng đông nghẹt người khiến mình hơi hoảng”.

Nhiều SV sợ trễ học nên phải bắt xe ôm công nghệ đến trường, mặc dù giá “chát” hơn nhiều. “Sáng nào ra đón xe buýt cũng thấy đông nghẹt, mình rất mệt mỏi, riết muốn “cúp” học luôn. Có hôm sợ trễ nên phải bắt xe ôm đi học vì đứng đợi hoài vẫn không chen lên được xe buýt”, đó là nỗi lòng của Diễm Quỳnh, SV năm 2 Trường ĐH Nông Lâm.

Theo ông Phạm Thanh Lộc, tài xế xe buýt tuyến 53 (từ bến xe Lê Hồng Phong về bến xe KTX khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM), vào khung giờ SV đi học (6 - 7 giờ 30) và giờ tan trường (16 - 17 giờ) có tới khoảng 80 SV/xe. “Biết đông nhưng vẫn phải đưa đón, nếu không thì SV không có xe đi học. Sau đợt dịch Covid-19, các chuyến xe đã được tăng cường, thời gian giãn chuyến cũng rút ngắn lại, vào giờ cao điểm SV đi học thì giãn chuyến 5 phút, còn bình thường thì 9 phút”, ông Lộc cho biết.

Nhiều chuyến xe đông tới mức không đóng được cửa

Nhiều sinh viên vỡ mộng về xe buýt

Ngoài nỗi ám ảnh “chậm chân là trễ học” thì việc đi học bằng xe buýt còn các nỗi lo khác khiến nhiều SV “vỡ mộng”.

Nguyễn Thị Phương Quỳnh, SV năm nhất Trường ĐH Khoa học tự nhiên, vừa bị lỡ hai chuyến xe buýt số 53 và đang chen chúc đợi chuyến tiếp theo, mệt mỏi nói: “Ngoài việc phải chờ đợi lâu, chen lấn vẫn không lên được xe, thì mình đang lo vì sáng nay quên đổi tiền lẻ, nếu lên xe được cũng có nguy cơ bị la khi trả tiền”.

Còn với Yến Vy, SV năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ngày nào cũng phải chen chúc trên xe buýt khiến cô mệt mỏi: “Xe xuất phát từ bến ra tới trạm đón đầu tiên thì đã đầy người, có xe không dừng đón nữa, có xe vẫn cố nhét thêm. Chưa kịp ăn sáng mà lên xe chen lấn như vầy làm mình muốn xỉu”.

Để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, nhiều SV phải dậy từ 5 giờ 30 ra đón xe. Võ Phú Quốc, SV năm nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết: “May sáng nay đi sớm nên mình đón được xe. Lúc trước khi vào đại học cứ nghĩ lên thành phố đi xe buýt sẽ được ngồi ngắm đường phố, nhưng giờ mình không dám mong cảnh đó nữa, chỉ mong sao có chỗ chen chân vô đứng là mừng lắm rồi”.

Sinh viên chen chúc trên xe buýt số 53

Thảo Phương

Đi cùng với Quốc là Thanh Thủy, vừa bước xuống xe với vẻ mặt mệt mỏi. “Xe nhồi nhét quá đông, chật chội khiến mình khó chịu, nhiều lúc nắng nóng, mồ hôi đổ giống như đi xông hơi vậy. Có lần mình suýt bị ngã vì chưa kịp bước lên xe thì tài xế đã chạy, sợ lắm”, Thủy kể.

Xe buýt quá đông cũng khiến nhiều SV lo lắng về an ninh trật tự. Võ Ngọc Nhi, SV năm nhất Trường ĐH Ngân hàng, nói: “Đi xe buýt là nỗi ám ảnh mỗi buổi sáng của mình. Trước kia mình không nghĩ đông đúc như thế này đâu, mọi người chèn ép nhau khiến mình rất sợ bị kẻ gian lợi dụng móc túi hoặc sàm sỡ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.