Xe buýt nhanh BRT sẽ đi chung làn với phương tiện khác?

26/02/2018 10:17 GMT+7

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vừa đề xuất thành phố Hà Nội cho phép xe buýt thường và các phương tiện khác dùng chung làn với xe buýt nhanh BRT .

Cụ thể, trung tâm này đề xuất các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT từ 4 giờ đến 23 giờ hàng ngày, các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, đối tượng hành khách của xe buýt nhanh BRT vận chuyển có sự khác biệt so với xe buýt thường. Trong đó, khách đi xe buýt nhanh BRT chủ yếu là người đi làm, cán bộ công chức - viên chức, chiếm hơn 80%; học sinh, sinh viên đi học chiếm 18%. Trong khi đối với các tuyến buýt thường, học sinh, sinh viên đi học chiếm tới 78%, người đi làm chỉ chiếm 22%.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, có 23% hành khách trả lời đã chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt nhanh BRT.
Dù có nhiều ưu điểm hơn buýt thường, nhưng sau hơn 1 năm, buýt nhanh BRT vẫn chưa có hệ thống vé tự động (vẫn áp dụng loại vé giấy truyền thống); chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT qua các nút giao thông, nên mặc dù đã có làn đường riêng nhưng vẫn còn hạn chế trong việc đảm bảo lưu thoát cho BRT khi qua các nút ngã tư.
Khả năng tiếp cận cho hành khách hạn chế khi chỉ có 10/21 nhà chờ có cầu đi bộ sang đường, chưa có điểm gửi xe cá nhân cho hành khách tại các khu vực lân cận nhà chờ BRT…
Để tăng cường tiện ích cho xe buýt nhanh, Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng tiếp tục đề xuất bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT, đảm bảo điều kiện vận hành của tuyến.
Ngoài ra, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT.
Hiện, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai thử nghiệm hệ thống thẻ vé điện tử cho tuyến xe buýt nhanh BRT, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2018.
Báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, sau hơn 1 năm vận hành (từ tháng 1.2017), sản lượng hành khách vận chuyển được qua xe buýt nhanh là 4,98 triệu lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt khách/ngày.
Khách bình quân lượt cả năm đạt 40,1 khách/lượt, trong đó khách bình quân giờ cao điểm lượng hành khách vận chuyển đạt 68,8 khách/lượt, bình quân giờ bình thường đạt 30,7 khách/lượt, giờ thấp điểm bình quân đạt 18,8 khách/lượt.
Sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng một tuyến nói riêng của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác trên toàn mạng lưới, bình quân tháng là 2.100 hành khách (tăng 3% so với kế hoạch và chiếm gần 6,8% lượng vé tháng một tuyến của toàn mạng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.