Xây nhà lầu cho... bò

Hải Phong
Hải Phong
08/01/2023 06:48 GMT+7

Sau trận lũ lịch sử năm 2013 cùng những đợt lũ liên tục các năm sau đó, nhiều hộ gia đình ở vùng rốn lũ thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông, H.Nghĩa Hành ( Quảng Ngãi ) đầu tư hàng chục triệu đồng để xây nhà lầu cho gia súc, gia cầm.

Đến thôn Xuân Hòa, chứng kiến người dân xây nhà lầu bằng bê tông, cốt thép cho gia súc, gia cầm tránh lũ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Ở đây, cuộc sống của người dân cũng không khá giả gì, chủ yếu mưu sinh dựa vào cây lúa, buồng chuối, nuôi con bò, con gà. Vậy mà lại cho heo, bò ở… nhà lầu thì không có gì lạ hơn.

Chuồng bò 2 tầng được gia đình ông Nguyễn Ngữ xây dựng vào năm 2015

HẢI PHONG

Bò, heo, gà cùng ở nhà lầu

Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên với cái nhà lầu gia đình xây cho gia súc, ông Nguyễn Ngữ (63 tuổi, thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông) cười cười chỉ con bò 3B (một giống bò lai) và hơn 10 con heo đang ủn ỉn trong nhà. Ông bảo nhà có vườn cau là nhiều tiền nhất nhưng năm nay, giá cau trái chỉ trên dưới 3.000 đồng/kg nên bây giờ tài sản lớn nhất là con bò và bầy heo.

Sau khi giới thiệu về cái chuồng đặc biệt này, ông Ngữ giải thích sở dĩ dân ở đây làm nhà lầu cho bò, heo ở xuất phát từ trận lũ lịch sử năm 2013. Năm đó, gia súc và gia cầm nhà ông Ngữ bị cuốn trôi, chết sạch. Hàng xóm của ông cũng vậy, lo chạy lũ thoát thân còn gia súc thì đành buộc lòng để mặc cho dòng nước xiết cuốn đi. Sau đó thì hằng năm, cứ đến mùa mưa, phòng nước lũ dâng cao, ông phải bơi qua sông dắt bò vào núi để tránh, đợi nước rút ông lại dắt bò về nhà. Còn gà thì vớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu, chứ năm nào cũng bị nước cuốn trôi.

Đường dẫn bê tông để gia súc đi lên tầng tránh lũ

HẢI PHONG

“Năm 2013, lúc dắt bò vào núi tránh lũ, phải bơi qua sông khi nước đang chảy xiết. Lúc bơi về đến nhà tôi mệt, kiệt sức, may không mất mạng. Nên năm 2015, hai vợ chồng tôi mới xây nhà lầu này để bò, heo, gà ở tránh lũ”, ông Ngữ chia sẻ.

Bỏ ra hàng chục triệu đồng từ tiền bán rau màu, cây trái, với ông Ngữ là rất lớn. Thế nhưng nếu không làm thì tài sản mỗi năm cứ trôi theo dòng nước lũ. Nghĩ vậy, ông bấm bụng bỏ ra số tiền 30 triệu đồng để thuê thợ, mua vật liệu về xây dựng chuồng trại bằng bê tông, cốt thép, có tầng lầu cho gia súc, gia cầm ở. Nhìn chuồng trại xây kiên cố 2 tầng, cao hơn 3 - 4 m, rộng 15 m2, có cầu thang bằng bê tông dẫn lên tầng trên, ông Ngữ cảm thấy yên lòng hơn.

Nằm ở đầu thôn Xuân Hòa, gia đình bà Nguyễn Thị Chi (43 tuổi) cũng xây dựng một chuồng bò 2 tầng kiên cố bằng bê tông, mái lợp tôn xi măng, rộng 15 m2 để nuôi 5 con bò 3B. Bà Chi cho biết năm 2013 xảy ra trận lũ quá lớn, nhà bà bị nước dâng cao ngập đến nóc, phải đưa gia súc đi lánh nạn trên đồi cao trong núi, trên đường đi mấy lần suýt bị nước cuốn trôi. Năm 2014, gia đình bà quyết định bỏ ra 25 triệu đồng xây dựng chuồng bò 2 tầng để tránh lũ.

Bà Chi kể sau khi đưa vào sử dụng, khu chuồng trại 2 tầng kiên cố này đã trở thành nơi lánh nạn an toàn của đàn bò gia đình bà. Trong những đợt lũ vừa qua, cho dù nước tràn về rất lớn nhưng nhờ có chuồng “nhà lầu” này nên cả đàn bò của gia đình đều bình an vô sự. Một số hộ dân khác lúc chưa xây dựng được nhà tránh lũ cho gia súc khi đến mùa mưa lũ cũng dắt sang nhà bà Chi gửi nhờ.

Đến mùa mưa lũ, người dân dắt bò lên tầng trên ở, cho ăn rơm khô đã chuẩn bị sẵn

HẢI PHONG

“Có nhà lầu tránh lũ cho bò, tôi đầu tư thêm tiền nuôi bò sinh sản và mua bò về vỗ béo rồi bán lại. Bình quân mỗi năm gia đình bán khoảng 4 đến 5 con, trừ hết chi phí tôi cũng lãi được một khoản kha khá để nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”, bà Chi cười vui kể.

Từ ý tưởng lạ

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết Hành Tín Đông là rốn lũ của H.Nghĩa Hành nên thường xuyên bị ngập vào mùa mưa. Vào năm 1999 và năm 2013, nước lũ dâng cao gây ngập nặng nhiều nơi khiến người dân nơi đây bị thiệt hại rất lớn, gia súc, gia cầm chết rất nhiều. Hằng năm khi lũ về, người dân lại phải đưa trâu, bò vào núi để tránh lũ.

Theo ông Sinh, sau năm 2013, có một số hộ nghĩ ra cách xây chuồng 2 tầng đổ bê tông để đưa gia súc lên tránh lũ khi nước dâng cao. Người xây đầu tiên phải kể đến ông Nguyễn Hùng (49 tuổi) ở thôn Xuân Hòa. Hồi ông Hùng xây kiểu nhà này, ai cũng bảo: “Ông này kỳ, mình ở nhà trệt còn bò, heo ở nhà lầu. Đời có đâu mà lạ vậy!”.

Chúng tôi sẽ cho nhân rộng mô hình này để các địa phương chủ động trong việc xây nhà lầu tránh lũ cho gia súc, gia cầm.

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành

Đến một vài năm sau, dòng lũ đục ngầu tràn vào thôn xóm, cái “kỳ” của ông Hùng khi trước giờ thành cái “thiệt” của bà con xóm làng. Vậy là ai nấy có điều kiện đều xây nhà lầu cho bò, cho heo. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng bảo khi lũ về, bò ướt hết chân. Phía trên thì gió lạnh, lông cứ dựng lên, còn mắt lũ bò cứ nhìn chủ nhà, ươn ướt như cầu xin cái gì đó. “Thương quá nên phải làm thôi. Trước là cho lũ bò, heo có chỗ tránh mưa, tránh lũ, sau nữa cho mình không bị rủi ro thiệt hại do mưa lũ gây ra”, ông Hùng nói.

Thấy mô hình này hay hay và quá thiết thực, chính quyền xã Hành Tín Đông đã tận dụng một số nguồn lực để hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại 2 tầng tránh lũ cho gia súc nhằm giảm thiệt hại trong mùa mưa, lũ. “Ở đây, hộ dân nào có tiền nhiều thì sẽ xây nhà tránh lũ cho gia súc rộng hơn, to hơn, hộ nào ít tiền thì xây nhỏ lại. Riêng ở xã Hành Tín Đông có khoảng 50 chuồng gia súc được xây dựng 2 tầng bằng bê tông kiên cố để nuôi gia súc, gia cầm”, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết.

Hỏi ra mới biết xã Hành Tín Đông có khoảng 1.200 hộ dân thì có đến 80% là nuôi bò. Ngoài canh tác lúa, khoai mì…, chăn nuôi bò được xem là nguồn kinh tế chính, của người dân nơi đây. Mô hình chuồng nuôi gia súc, gia cầm kiểu nhà lầu ra đời giúp nhân dân địa phương vượt qua nhiều cơn lũ lớn. H.Nghĩa Hành hiện là địa phương có số nhà lầu cho gia súc, gia cầm nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành, cho biết trước đây khi chưa có mô hình xây nhà lầu cho gia súc, gia cầm tránh trú khi nước lũ về, người dân thường gặp thiệt hại rất lớn. Chỉ riêng đợt lũ năm 2013, toàn H.Nghĩa Hành có gần 15.000 con gia súc và hàng chục ngàn con gia cầm bị chết. Những năm gần đây, người dân ở nhiều xã vùng trũng thấp trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, có tầng lầu nên đã giảm thiểu được thiệt hại. Đây là cách làm phù hợp và đã phát huy hiệu quả rất tốt đối với những hộ dân ở các vùng trũng thấp. “Chúng tôi sẽ cho nhân rộng mô hình này để các địa phương chủ động trong việc xây nhà lầu tránh lũ cho gia súc, gia cầm”, ông Sâm nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.