Xây dựng văn hóa cho các phố ẩm thực

29/12/2022 07:09 GMT+7

Việc các phố ẩm thực, chợ đêm ở Việt Nam biến thành phố nhậu có thể nói là điều tất yếu nếu nhìn vào cách chúng ta xây dựng, vận hành, quản lý các mô hình này.

Xét ở góc độ pháp lý, dù ra đời cả thập niên nay nhưng mãi đến mới đây, Bộ Công thương mới đề xuất bổ sung quy định liên quan đến phát triển chợ đêm. Cụ thể, bổ sung khái niệm về chợ đêm; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc phát triển chợ đêm phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền, phù hợp với bối cảnh thực tiễn tùy thuộc vào khả năng của địa phương; trách nhiệm của Bộ Công an trong việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, kiểm soát rủi ro, hạn chế hệ lụy tiêu cực và tác động/ảnh hưởng tới cộng đồng do hoạt động của chợ đêm... Những quy định “bổ sung” này đều là những vấn đề đang phát sinh trên thực tiễn hoạt động của các chợ đêm cũng như các tuyến phố ẩm thực, phố đi bộ hiện nay.

Có lẽ cũng vì thiếu khung pháp lý, bao năm qua việc xây dựng những mô hình này chủ yếu vẫn chỉ là ngăn 2 đầu một con đường, không cho xe cộ đi qua hoặc quây khu đất trống... mà nên. Vì vậy có “trách” thì đầu tiên phải trách sự chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước đã không theo kịp sự phát triển của thị trường.

Nếu đặt trong bối cảnh chúng ta coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn từ cách đây hơn 5 năm, việc phát triển kinh tế đêm được nói đến rất nhiều sau đó thì sự chậm trễ này càng khó hiểu hơn. Nhưng ngay cả như vậy cũng không thể đổ lỗi hết cho chính sách.

Mô hình chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực đã có từ rất lâu trên thế giới, trong đó có rất nhiều địa chỉ đã trở thành thương hiệu du lịch của cả một quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhắc đến nó là nhớ đến văn hóa ẩm thực, đến con người, đến các danh thắng của đất nước đó. Không cần sáng tạo gì nhiều, chỉ cần thay vào đó văn hóa ẩm thực của Việt Nam, của mỗi địa phương để biến nó thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách, điểm hẹn giới thiệu văn hóa, sản vật của chính cư dân địa phương... Rồi trong quá trình quản lý, vận hành thì chăm chút, bổ sung, bồi đắp.

Thế nhưng, chúng ta mới chỉ dừng ở “ẩm thực” mà quên đi “văn hóa”; những người bán hàng chỉ để mưu sinh chứ chưa ý thức được việc giới thiệu phong tục, tập quán trong cách ăn, cách uống với du khách; chưa ý thức được vấn đề an toàn thực phẩm. Thế nên, phố ẩm thực biến thành phố nhậu là dễ hiểu. Trong khi văn hóa ẩm thực của Việt Nam được đánh giá là hết sức đặc sắc, có nhiều món ăn chở cả hồn cốt Việt, thậm chí cả giai đoạn lịch sử của đất nước. Nhiều món ăn của Việt Nam được thế giới vinh danh, được các tín đồ du lịch bầu chọn vào top món ngon của thế giới.

Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, vấn đề của hiện tại là chúng ta đã có khung pháp lý để phát triển các loại hình kinh tế đêm nói chung. Ngành du lịch cũng đang chạy đà trở lại sau thời gian dài đóng cửa chống dịch thì mô hình phố ẩm thực, phố đi bộ, chợ đêm không chỉ để tăng hiệu quả kinh tế mà còn là công cụ hiệu quả trong quảng bá văn hóa ẩm thực nói riêng, văn hóa Việt nói chung đến du khách quốc tế.

Ẩm thực Việt Nam đã được thế giới vinh danh nhiều lần. Không có lý do gì chúng ta lại không xây dựng được những khu phố, con đường, ngôi chợ mà ở đó, văn hóa ăn, văn hóa uống của người Việt được truyền bá một cách đậm nét nhất, ấn tượng nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.