'Xây dựng thương hiệu nông sản Việt bắt đầu từ sự đồng lòng'

06/04/2023 14:15 GMT+7

Tại tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" tổ chức vào sáng nay 6.4, ông Nguyễn Đình Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho rằng cần có sự đồng lòng của Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân để có được thương hiệu nông sản quốc gia.

"Xây dựng thương hiệu nông sản Việt bắt đầu từ sự đồng lòng" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Tùng: "Chúng ta cần chọn lựa 1 - 2 nông sản đại diện cho quốc gia, kêu gọi sự đồng lòng của các tầng lớp, các bộ ngành để chung tay quảng bá

ĐỘC LẬP

Theo ông Tùng, đó là cách Mỹ đã làm, tập trung quảng bá cherry, táo và từ đó trở thành nông sản đặc trưng. New Zealand quảng bá kiwi dù có rất nhiều loại nông sản khác. Họ chọn những trái ngon nhất, thượng hạng nhất dành cho xuất khẩu, loại 2 mới dành cho tiêu thụ trong nước và dưới nữa mới dành cho chế biến. Trái cây Việt Nam rất đa dạng, phong phú, nhưng cần có sản phẩm đặc thù để nâng tầm lên và tập trung quảng bá chứ không thể đánh đồng "món nào cũng ngon".

Dẫn câu chuyện từ chính công ty mình, ông Tùng kể, công ty ông đang xuất khẩu dừa tươi rất lớn, mỗi tháng xuất từ 20 - 30 container. Nhưng khởi đầu năm 2017 khi mang trái dừa đi chào hàng tại Mỹ, nhiều đối tác "chê" dừa Việt Nam nhạt nhẽo, không ngọt.

"Tôi rất băn khoăn vì thực tế quê vợ tôi là ở Bến Tre, tôi dùng trái dừa Bến Tre thấy rất ngọt, rất thanh. Chất lượng này hoàn toàn có thể cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường quốc tế. Sau này tôi được biết, nhiều doanh nghiệp mang trái dừa đi chào hàng nhưng lại đi cạnh tranh bằng giá, chứ không phải chào bán trái dừa ngon nhất của Việt Nam", ông nói.

Câu chuyện này tương tự gạo ST25 khi đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. "Tôi mang gạo đi chào hàng tại Mỹ, container đầu tiên quảng bá bằng cách phát miễn phí cho người dùng tại một số nhà thờ. Sau đó, khách hàng bắt đầu hỏi mua nhiều hơn. Nhưng đến container thứ 2, 3, nhiều thông tin nhiễu loạn xuất hiện. Rằng gạo ST25 không đủ sản lượng để xuất khẩu, gạo bán đi nước ngoài là gạo giả… Khi đó, tôi phải trình các loại giấy chứng nhận cho khách hàng xem để họ tin tưởng" - ông Tùng kể và kết luận: Qua 2 câu chuyện trên cho thấy, một thực tế là doanh nghiệp trong nước còn chưa đồng lòng vì mục tiêu chung mà vẫn còn cạnh tranh theo kiểu dìm hàng, mạnh ai nấy làm. Điều này hoàn toàn khác hẳn so với đất nước Thái Lan. Khi gạo Thái Lan đoạt giải ngon nhất thế giới, vua Thái Lan đã đích thân quảng bá, kêu gọi sử dụng và tuyên bố sẽ cung cấp khắp thế giới sản phẩm này".

Ông Nguyễn Đình Tùng kiến nghị: Việt Nam cần chọn lựa 1 - 2 nông sản đại diện cho quốc gia, kêu gọi sự đồng lòng của các tầng lớp, các bộ ngành để chung tay quảng bá. Không chỉ là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, hay Bộ Công thương, mà nhiều bộ ngành khác như du lịch, văn hóa... cũng phải vào cuộc. Tại Trung Quốc, khi cần quảng bá thương hiệu nào sẽ vận động các nghệ sĩ, những người nổi tiếng cùng góp sức. Tại Việt Nam, lượng nghệ sĩ nổi danh cũng rất đông đảo nhưng các hoạt động chung tay vì cộng đồng để quảng bá thương hiệu lại chưa có nhiều. Bên cạnh đó, ngành du lịch có thể chung tay quảng bá các tour tham quan nhà máy sản xuất, giới thiệu đặc sản của Việt Nam để có thể xuất khẩu tại chỗ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.