Xăng lãi nhiều, giảm ít

21/07/2015 22:19 GMT+7

(TNO) Giá xăng tăng luôn được giải thích là theo sát với giá thế giới. Thế nhưng, khi giá xăng thế giới giảm sâu thì giá trong nước lại không chịu 'theo sát' thế giới nữa.

(TNO) Giá xăng tăng luôn được giải thích là theo sát với giá thế giới. Thế nhưng, khi giá xăng thế giới giảm sâu thì giá trong nước lại không chịu 'theo sát' thế giới nữa.

Giá xăng dầu vẫn giảm theo kiểu nhỏ giọt bởi cách điều hành còn thiên vị của cơ quan quản lý - Ảnh: D.Đ.MGiá xăng dầu vẫn giảm theo kiểu nhỏ giọt bởi cách điều hành còn thiên vị của cơ quan quản lý - Ảnh: D.Đ.M
Điều này được chứng minh trong quyết định giảm giá xăng “nhỏ giọt” hôm 20.7 vừa qua của Bộ Công thương. Giá xăng nhập khẩu bình quân trong 15 ngày qua là 74,06 USD/thùng, tức gần 10.100 đồng/lít, giảm gần 1.000 đồng/lít so với giá trung bình kỳ trước.
Theo đó, giá cơ sở cũng giảm mạnh theo. Trước khi có quyết định giảm giá xăng của Bộ Công thương, theo phân tích và tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế tài chính, nếu điều hành theo sát giá thế giới đúng nghĩa, giá xăng trong nước kỳ này có thể giảm từ 700-800 đồng/lít.
Trong một bản tin dự báo thị trường cách đây 5 ngày, chuyên gia tài chính của Công ty Chứng khoán TP.HCM cho rằng trong xu thế giá xăng thế giới vẫn tiếp tục giảm, giá xăng trong nước sẽ giảm sâu. Thế nhưng, mức giảm giá xăng quá “bọt bèo” vừa qua cho thấy điều hành giá xăng của chúng ta đã không những không sát giá thế giới mà thiếu công bằng với người tiêu dùng.
Điều hành kiểu thiên vị
Theo Bộ Công thương, chênh lệch giữa giá cơ sở với giá xăng hiện hành là 787 đồng/lít, dầu diezel là 1.112 đồng/lít, dầu hỏa là 1.128 đồng/lít và dầu mazút là 872 đồng/kg. Thực tế, theo cách tính của chuyên gia xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối hiện đang lãi trên 1.000 đồng/lít, nếu tính thêm mức lãi 300 đồng/lít theo định mức, trung bình mỗi lít xăng doanh nghiệp đầu mối đang lãi trên 1.300 đồng. Như vậy, với mức giảm 260 đồng/lít vừa qua, chẳng thấm vào đâu so với mức lãi khủng hiện có của các doanh nghiệp đầu mối.
Và việc giá xăng giảm kiểu “nhỏ giọt” thế này được nhiều chuyên gia kinh tế bình luận là quá bất công đối với người tiêu dùng và còn quá “thiên vị” doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng thay vì giảm giá mạnh theo sự chênh lệch giá nhập của thế giới, trong quyết định giảm giá xăng kiểu nhỏ giọt Bộ Công thương lại cho “khóa van” bằng cách cho ngưng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu với tất cả các mặt hàng xăng.
“Nên nhớ quỹ bình ổn xăng dầu cũng từ đóng góp của người dân mà có. Khi giá xăng thế giới tăng, chúng ta tăng và buộc người dân phải đồng hành với doanh nghiệp. Trong khi giá xăng giảm, một tin quá tốt cho người tiêu dùng, đặc biệt cho các doanh nghiệp đang tiêu tốn lượng xăng lớn hằng ngày, chúng ta cũng nhân danh quyền của nhà quản lý, lại khóa van, không cho người tiêu dùng hưởng lợi là quá vô lý”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Ở một diễn biến khác, số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan cho thấy trong 6 tháng đầu năm VN đã nhập 1,4 triệu tấn xăng với tổng trị giá 875 triệu USD, tương đương 629,3 USD/tấn. Theo đó, giá bán lẻ bình quân của 6 tháng đầu năm gần 18.000 đồng/lít. Cùng thời điểm này năm 2014, giá xăng nhập khẩu lên đến 1.000 USD/tấn, mức giá bán lẻ bình quân 22.300 đồng/lít. Tức là giá xăng nhập khẩu đến nay đã giảm gần 40% so với cùng kỳ, trong khi giá xăng trung bình 6 tháng đầu năm chỉ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nếu lấy mức giá xăng mới hiện nay là 20.120 đồng/lít, so với mức giá xăng của một năm trước là 25.640 đồng/lít cho thấy mức giảm giá xăng trong nước cũng chưa thể “tiệm cận” với giá xăng thế giới theo lập luận của Bộ Công thương được.
Cần dẹp tư duy “định mức” chi phí và lợi nhuận
Không chỉ thiên vị, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng kiểu trích lập quỹ dự phòng là thiếu minh bạch và kể cả việc cho “lợi nhuận định mức” đối với mặt hàng xăng dầu là điều hiếm thấy tại các quốc gia khác.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng theo nguyên tắc kinh tế thị trường, giá xăng trong nước phải đi cùng với giá xăng thế giới. “Tất nhiên, cũng không bắt buộc mức giá phải đồng nhất hoàn toàn song phải theo một xu hướng chung. Thế giới giảm mạnh, chúng ta cứ phải “neo” giá cao vì phải dự phòng cho khoản chi này, bảo trợ nọ là điều đi ngược xu hướng đó”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Và theo ông Hiếu, hiện mặt hàng xăng dầu VN đang gánh quá nhiều chi phí mà nhiều khoản trong đó không có tại các nền kinh tế thị trường như: chi phí định mức, lợi nhuận định mức…
“Giả tính, chỉ riêng với khoản lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít như đã được mặc định lâu nay, trung bình mỗi năm, người tiêu dùng phải chi thêm gần 5.000 tỉ đồng. Con số này góp phần không nhỏ trong mức lợi nhuận khủng mà các tập đoàn kinh doanh xăng dầu công bố vào mỗi cuối năm”, một chuyên gia kinh tế phân tích và cho rằng cốt lõi của vấn đề là do thực trạng điều hành xăng dầu của VN đang có vấn đề trầm trọng, chứ không phải các nhà điều hành không biết thế giới đang điều hành thế nào.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi một mặt hàng vẫn được vận hành, điều tiết và phân phối bởi một nhà kinh doanh độc quyền thì việc đòi hỏi sự công bằng trong tăng, giảm giá theo sát giá thế giới là điều không thể, mà việc thế giới giảm sâu, trong nước giảm kiểu “nhỏ giọt” là hệ quả tất yếu.
“Người tiêu dùng đang chịu thiệt thòi lớn vì phải trả cho những khoản chi phí không rõ ràng và phần lợi khủng đang rơi vào túi các nhà làm kinh doanh được hưởng những ưu đãi lớn từ chính sách. Vấn đề này chỉ có thể thay đổi được khi chúng ta quyết liệt thay đổi cách điều hành xăng dầu như hiện nay. Cần thiết có cơ quan độc lập giám sát về giá. Theo tôi, nhà quản lý không thể lấy số liệu từ một doanh nghiệp kinh doanh để tham chiếu làm chính sách được”, bà Lan nhận xét.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Ngô Trí Long cũng cho rằng nên minh bạch việc sử dụng quỹ dự phòng bởi lâu nay, hoạt động của quỹ này vẫn chưa được công khai. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận xét việc vừa quản lý lại vừa kiêm việc điều hành giá xăng dầu của các bộ sẽ khó đạt được lòng tin của người dân khi “anh vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy.
Tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 8 lần điểu chỉnh giá xăng dầu với 4 lần tăng, 4 lần giảm. Trong đó, tổng 4 lần tăng riêng mặt hàng xăng A92 là 5.040 đồng/lít, trong khi tổng 4 lần giảm giá là 2.800 đồng/lít, mức tăng vẫn cao gấp đôi mức giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.