Xăng đã giảm gần 7.000 đồng/lít, giá hàng hóa bao giờ giảm?

22/07/2022 06:43 GMT+7

Hôm qua 21.7, giá xăng giảm từ 2.700 - 3.600 đồng/lít và đây là lần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Cả thị trường đang chờ cước vận tải cũng như hàng hóa sẽ nhanh chóng điều chỉnh để hạ nhiệt cơn bão giá hiện nay.

Giá xăng giảm sâu, nhiều người trông giá hàng hóa giảm theo

Xăng giảm gần 7.000 đồng trong tháng 7

So với cuối tháng 6 vừa qua thì nay mỗi lít xăng đang rẻ hơn từ 6.200 - 6.800 đồng, mỗi lít dầu diesel rẻ hơn 5.260 đồng. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm thì giá xăng E5 RON 92 hiện vẫn còn cao hơn 2.000 - 2.500 đồng/lít, xăng RON 95-III cao hơn khoảng 3.000 đồng/lít, dầu diesel cao hơn 6.400 đồng/lít. Giá xăng giảm mạnh hiện nay được đánh giá là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và là cơ sở để giá nhiều hàng hóa được giảm theo. Ở lần giảm trước (11.7), từ cước vận tải đến hàng hóa đều không có sự điều chỉnh nào. Chủ nhà xe H.T chạy tuyến Huế - TP.HCM cho hay giá cước xe giường nằm từ 550.000 đồng/người đã tăng lên 600.000 đồng, thậm chí 650.000 đồng/người trong mấy tháng qua. Trong tháng 7, giá xăng dầu 3 lần giảm mạnh, chi phí xăng dầu của nhà xe giảm 15 - 20%. Nhưng khách liên hệ đặt xe để đi vào tuần sau thì chủ xe vẫn báo giá giường nằm 650.000 đồng/người. Khi khách thắc mắc giá xăng dầu đã giảm nhiều, sao không giảm giá cước thì đại diện nhà xe trả lời: “Đang mùa cao điểm, nhu cầu đi lại nhiều, giảm đâu được. Để xem các nhà xe khác có giảm không chứ một mình doanh nghiệp (DN) tôi thì chưa giảm đâu. Tuần sau có đi vẫn theo giá cước cũ, thích thì đi, không thì thôi”. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hầu hết các hãng xe tư nhân chạy tuyến TP.HCM đi các tỉnh miền Trung đã tăng giá cước thời gian qua và vẫn chưa có kế hoạch giảm ít nhất cho đến hết tháng 7.

Chỉ cần các DN vận tải đồng loạt giảm giá cước, tức khắc giá hàng hóa sẽ tự điều chỉnh theo. Cước vận tải công ty nhỏ, hộ gia đình, app công nghệ… không có độ trễ để chờ giảm, nên giảm ngay, không cần ngóng, chờ nữa.

Ông Nguyễn Lý Trường An chuyên gia thương mại quốc tế

Theo chuyên gia thương mại quốc tế Nguyễn Lý Trường An (Công ty Global SeaAir), các DN sản xuất xuất khẩu, dịch vụ… đều đang “ngóng” để được giảm cước vận tải nội địa. Hiện các hãng vận tải lớn chưa có thông tin mới, nhưng chắc chắn sau đợt giảm giá xăng này phải có động thái nào đó. Còn các hãng vận tải nhỏ, hoặc hộ kinh doanh gia đình, thậm chí giá cước giao hàng của các hãng xe công nghệ… đều có thể giảm ngay trong hôm qua mà không cần phải chờ đợi gì nữa. Hiện chỉ có giá cước vận tải giảm ngay thì mới kéo theo giá hàng hóa khác hạ nhiệt. Thời gian qua, các loại hàng hóa đã tăng giá mạnh và không chỉ người tiêu dùng khó khăn mà ngay các DN cũng phải “gồng” nhiều để hoạt động. Ông An ví dụ chi phí vận chuyển thùng kem từ TP.HCM về Vũng Tàu trong 3 tháng qua tăng từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng. Ngay sau khi giá xăng giảm từ đầu giờ chiều 21.7 thì họ có thể giảm phí xuống 55.000 đồng/thùng mà không cần suy nghĩ. Tương tự, giá cước chở khách của xe 9 chỗ từ Bà Rịa lên TP.HCM 200.000 đồng/người, nay có thể về mức giá hồi tháng 2 là 180.000 đồng/người. “Chỉ cần các DN vận tải đồng loạt giảm giá cước, tức khắc giá hàng hóa sẽ tự điều chỉnh theo. Cước vận tải công ty nhỏ, hộ gia đình, app công nghệ… không có độ trễ để chờ giảm, nên giảm ngay, không cần ngóng, chờ nữa”, ông Nguyễn Lý Trường An nhấn mạnh.

Giá xăng giảm 3 lần liên tiếp từ đầu tháng 7, người tiêu dùng chờ các hàng hóa khác giảm giá theo

Khả Hòa

“Ngóng” thêm giá xăng?

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích với mức giảm gần 7.000 đồng cho mỗi lít xăng, dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN và người dân, nhưng đây cũng là mức giảm khá mạnh nếu so với tổng số tiền tăng thêm gần 10.000 đồng/lít xăng kể từ đầu năm. Vì vậy, các DN cần xem xét để bắt đầu thực hiện giảm giá hàng hóa, ít nhất cũng phải giảm khoảng 1/3 so với mức tăng trước đây. Trong đó, có thể giảm đầu tiên là các DN vận tải vì xăng dầu có tác động trực tiếp. Nhưng do đây là nhóm ngành phải công bố kê khai giá nên cần thực hiện thủ tục sớm để từ tháng 8 sẽ áp dụng giá mới. Đối với nhiều hàng hóa khác có thể còn chờ sau khi giá vận chuyển hạ nhiệt thì mới đi theo. Ông Phú cũng lưu ý với nhiều loại hàng hóa thì xăng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Ví dụ, giá heo hơi gần đây đã tăng hơn 70.000 đồng/kg và có thể còn tiếp tục tăng. Vì vậy giá xăng giảm không đồng nghĩa với việc tất cả hàng hóa khác đều hạ theo. Hơn nữa, có thể các DN tiếp tục kỳ vọng giá xăng dầu còn tiếp tục đi xuống trong tháng 8, nhất là khi Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu. Nếu được giảm hai loại thuế nêu trên, giá xăng được kỳ vọng giảm sẽ về còn 22.000 - 23.000 đồng/lít thì khi đó, giá hàng hóa khác chắc chắn sẽ được mạnh tay điều chỉnh hơn. “Nhà nước chỉ đang kiểm soát hơn 10 mặt hàng nên không can thiệp hết vào thị trường nhưng vẫn cần kiểm soát với những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Chẳng hạn nếu như mặt hàng nào tăng giá quá cao, bất hợp lý thì cơ quan quản lý thị trường có quyền ra văn bản yêu cầu kiểm tra, kê khai giá. Thậm chí ngay cả Malaysia cũng đưa ra mức trần khi giá thịt gà căng thẳng nhưng chỉ áp dụng có thời hạn. Quan trọng nhất là phải thúc đẩy sản xuất, kết nối cung - cầu, hàng hóa lưu thông dễ dàng để giảm bớt khâu trung gian. Từ đó giảm được chi phí để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị tăng cao”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm.

Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh

Từ chiều qua (21.7), giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm mạnh, từ 1.099 - 3.605 đồng mỗi lít tùy loại, do giá xăng dầu thế giới cũng đang giảm mạnh.

Cơ quan quản lý đã yêu cầu trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5RON92 ở mức 950 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít) và dầu mazút ở mức 950 đồng/kg. Trong khi đó, không chi Quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng dầu. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu đầu mối đưa giá bán xăng dầu tiêu dùng về các mức như sau:

Xăng E5RON92 không cao hơn 25.073 đồng/lít (giảm 2.715 đồng/lít), xăng RON95-III không cao hơn 26.070 đồng/lít (giảm 3.605 đồng/lít), dầu diesel 0.05S không cao hơn 24.858 đồng/lít (giảm 1.735 đồng/lít), dầu hỏa không cao hơn 25.246 đồng/lít (giảm 1.099 đồng/lít), dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg (giảm 1.164 đồng/kg).

Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong tháng 7 cơ quan quản lý yêu cầu DN đầu mối giảm giá xăng dầu. So với trước đó, sau 3 lần giảm, mỗi lít xăng RON 95-III đã rẻ hơn 6.800 đồng; xăng E5RON92 rẻ hơn 6.230 đồng/lít và dầu diesel rẻ hơn 5.160 đồng/lít.

Chí Hiếu

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: giá xăng dầu giảm thì chắc chắn những hàng hóa có tác động trực tiếp phải giảm như cước phí xe chở khách du lịch, xe vận tải dạng hợp đồng. Sau đó, sẽ có những sản phẩm lần lượt được giảm theo tùy theo sự tác động ở mức độ nào của giá xăng dầu. Bởi với nhiều sản phẩm, xăng dầu chỉ chiếm một phần chi phí trong giá thành. Trong khi đó, giá thành hàng hóa còn phụ thuộc vào các chi phí đầu vào, từ nguyên phụ liệu đến nhân công và cả cung - cầu trên thị trường. Hiện nay, chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường lao động vẫn chưa hoàn toàn hồi phục như thời điểm trước khi có dịch Covid-19 đã khiến cho mặt bằng giá đều tăng lên cao nên khó giảm đồng loạt. Riêng đối với các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, một số sản phẩm khi có dịch đã bị giảm vùng canh tác, chăn nuôi nên hiện nay nhu cầu hồi phục mạnh nhưng nguồn cung chưa tăng kịp, do vậy cũng sẽ khó giảm giá như kỳ vọng. “Giá xăng dầu giảm trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ vẫn đang điều hành tốt về chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ thì không quá lo về lạm phát cao. Bản thân các DN cũng có nhiều dư địa để kéo giảm giá bán. Nếu trong ngành nghề, lĩnh vực nào mà giá hàng hóa vẫn duy trì mức cao vô lý thì ngoài việc bị người tiêu dùng “tẩy chay”, cơ quan quản lý cũng phải xem lại liệu có việc độc quyền tương đối ở ngành hàng này hay không”, chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.