Xăng giả, hậu quả thật

10/04/2021 09:03 GMT+7

Vụ đại gia xăng giả Trịnh Sướng đang xét xử, vụ Công an Đồng Nai triệt phá 200 triệu lít xăng giả mới đây, cho thấy xăng giả nhưng hậu quả thì chẳng giả chút nào.

Hậu quả của chuyện pha chế xăng giả, mua bán xăng giả gây ra là những gì? Có đơn giản là chuyện người tiêu dùng sẽ thiệt hại đôi chút về chuyện tiền bạc vì mua phải xăng giả?

Xét xử “đại gia” Trịnh Sướng về hành vi sản xuất, mua bán xăng giả

Chuyện lớn hơn thế nhiều. Các chuyên gia về máy móc cho biết các động cơ khi sử dụng xăng giả sẽ bị hư hại, vì nhiều chi tiết máy khi được chế tạo không tính đến việc sẽ vận hành với những loại hóa chất được sử dụng làm dung môi pha thêm vào xăng dầu. Nhất là các bộ phận như gioăng cao su, nếu tiếp xúc với các loại hóa chất không phù hợp sẽ dễ bị hư hại, dẫn đến máy móc cũng bị hư hại theo. Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp cháy nổ xe có liên quan đến xăng giả, thực tế này đã được các chuyên gia phân tích.
Thế là xe cộ, máy móc hao mòn nhanh hơn, hư hại nhanh hơn, thậm chí phát cháy vô cớ mà người tiêu dùng thì không thể lấy đâu ra chứng cứ để có thể quy trách nhiệm cho kẻ gây ra thiệt hại cho mình.
Môi trường chắc chắn cũng sẽ chịu tác động bởi những loại khí thải không được kiểm soát từ việc các động cơ sử dụng xăng giả với nhiều thành phần hóa chất pha chế thêm vào rất khó biết, khó lường.
Nhìn từ một góc độ khác, xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược, và trong giá xăng dầu hiện nay cũng đang có tỷ lệ thuế, phí ở mức cao, chiếm khoảng 55 - 60% giá bán. Khi mặt hàng này có dấu hiệu bị làm giả, chắc chắn dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp về việc kiểm soát tính minh bạch và cạnh tranh của thị trường, về gian lận nghĩa vụ thuế và phí liên quan đến xăng dầu.
Một trong những hệ lụy phức tạp ấy sẽ là việc nhiều người trong bộ máy quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà nước có liên quan đã tham gia vào đường dây xăng giả. Án xăng giả là án phải bắt nhiều người, phải phong tỏa nhiều cơ sở doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, gây hệ lụy phức tạp cho xã hội.
Những vụ rúng động như thế không đơn giản chỉ dẫn đến thiệt tiền, hại của, mất người, mà còn bào mòn lòng tin của người dân vào một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, cuộc sống mà con người luôn có thể tin tưởng nhau trong nhiều việc. Chí ít là cũng phải tin tưởng được nhau ở những chuyện nho nhỏ hằng ngày, như mở nắp bình xăng để mua xăng thì nhận được đúng xăng thật chứ không phải xăng giả, nhận được đúng số lít đã mua để trả tiền mà không cảm thấy trong lòng đầy nỗi nghi ngờ.
Cái cảnh mua xăng mà phải năm nghi mười ngờ về chuyện cây xăng gian lận đo lường để đong thiếu đã đủ để người dân ngán ngẩm. Thêm chuyện xăng giả nữa thì nỗi ngán ngẩm lên đến mức nào?
Xăng giả nhưng hậu quả là thật, hậu quả nghiêm trọng. Vậy thì phải nghiêm trị, không chỉ những kẻ chủ mưu chế xăng giả, để trả lại cho người dân niềm tin trong cuộc sống thường ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.