Xăm hình cách nào để bố mẹ không phiền lòng?

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
23/12/2021 09:26 GMT+7

Những bạn trẻ mong muốn sở hữu hình xăm trên người thường trăn trở phải làm như thế nào để được bố mẹ cho phép thực hiện điều này.

Một số người trẻ xem việc xăm hình là cách để họ đánh dấu một kỷ niệm hay gửi gắm câu chuyện mang ý nghĩa đặc biệt.

Trái ngược với góc nhìn “thoáng” của giới trẻ, những bậc phụ huynh vẫn còn e ngại việc con cái đi xăm hình bởi suy nghĩ “xăm hình là giang hồ”. Để vừa thỏa niềm đam mê vừa “được lòng” đấng sinh thành, một số bạn trẻ đã chọn những hình xăm ý nghĩa như: xăm chân dung, tên phụ huynh, xăm tiếng Việt…

Hình xăm mang ý nghĩa gắn kết gia đình của Phạm Minh Hiếu
NVCC

Hình xăm gợi nhớ về người cha quá cố

Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, Phạm Minh Hiếu, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), mới mạnh dạn đi xăm hình. Bên cánh tay phải, Hiếu yêu cầu thợ xăm chữ “Mẹ Hương” kèm với hình bông hoa hồng. Cánh tay còn lại thì anh xăm chữ “Ba Thắng” nối liền với hình hoa cúc.

Hiếu cho biết: “Bố mẹ ly hôn từ lúc tôi mới 5 tuổi nên hình xăm này mang ý nghĩa đánh dấu sự kết nối giữa hai người và tôi là kết tinh từ tình yêu của họ. Tôi xăm tên mẹ bên cánh tay phải, thể hiện lòng biết ơn sự vất vả của mẹ để nuôi nấng tôi. Hoa hồng là loài hoa mà mẹ yêu thích. Cánh tay trái là tên ba Thắng và bông hoa cúc để tôi mãi nhớ về bố vì ông đã mất vào năm tôi học lớp 8”.

Xuất thân trong gia đình có mẹ là giáo viên nên việc xăm hình là một điều gây trăn trở đối với Hiếu. Tuy nhiên, sau những cuộc nói chuyện với mẹ, anh may mắn tìm được tiếng nói chung với mẹ.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, mẹ của Hiếu, chia sẻ: “Lúc đầu, tôi còn e ngại nhưng sau những cuộc nói chuyện tôi cảm thấy mình nên tôn trọng sở thích của con. Tôi rất tự hào vì Hiếu là một đứa con ngoan luôn nghĩ về ba mẹ”.

Là sinh viên năm 3 ngành quản trị nhân lực của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hiếu hy vọng xã hội sẽ có cái nhìn “thoáng” hơn đối với việc xăm hình và tôn trọng đó như một niềm đam mê, sở thích cá nhân của mỗi người.

Phạm Minh Hiếu là một chàng trai hiếu thảo và luôn nghĩ về bố mẹ qua hai hình xăm

nvcc

Xăm hình tin nhắn của mẹ

Thực hiện hình xăm tiếng Việt trên cánh tay phải vào ngày 7.11, Nguyễn Hoàng Long (21 tuổi, huấn luyện viên gym tại Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết hình xăm này giúp anh ghi lại kỷ niệm đáng nhớ sau thời gian tham gia chống dịch Covid-19 và tình yêu dành cho mẹ. Anh Long đã nhờ thợ xăm sao chép lại đoạn tin nhắn đầy cảm xúc của mẹ mình với nội dung: “Bi con ở bên đó có ổn không. con nhớ cẩn thận nha giữ sức khỏe nha. Có gì nhớ gọi điện về cho má nha..!”.

Đoạn tin nhắn được anh Long sao chép nguyên văn lên hình xăm trên tay với lý do đặc biệt. “Đó là khoảng thời gian tôi tham gia chống dịch Covid-19 ở đội taxi cấp cứu tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q. 4, TP.HCM từ ngày 3.8 kết thúc vào ngày 4.10. Xa nhà khá lâu, cộng với số lượng bệnh nhân cần giúp đỡ quá nhiều nên tôi không có thời gian gọi điện về nhà. Thế là mẹ đã gửi một dòng tin nhắn hỏi thăm khiến tôi rất xúc động vì trước giờ mẹ chỉ gọi điện chứ chưa bao giờ nhắn tin cho tôi”, Long chia sẻ.

Long xăm đoạn tin nhắn đầy cảm xúc của mẹ lên cánh tay

nvcc

Long cho biết mẹ anh ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài, đặc biệt hơn là mẹ chỉ mới vừa biết nhắn tin qua sự hướng dẫn của anh trước khi anh tham gia chống dịch Covid-19 và việc thao tác trên bàn phím còn hạn chế nên có vài lỗi ngữ pháp.

Theo lời của Long, mẹ anh là kiểu người phụ nữ truyền thống nên còn có cái nhìn khá khắc khe về việc xăm hình. Tuy nhiên, sau quá trình trò chuyện trao đổi thì anh cũng nhận được sự đồng ý từ phía mẹ.

Xăm hình không ảnh hưởng đến người khác, điều quan trọng là giá trị bên trong mỗi con người là thông điệp mà anh Long dùng để thuyết phục mẹ chấp nhận việc anh xăm hình.

Không hối hận về sau

Anh Bạch Hồng Đức (27 tuổi), chủ tiệm xăm Tattoo Chair tại Hà Nội, đã thực hiện hình xăm cho Hiếu, nói: “Xăm tên hay chân dung bố mẹ là kiểu hình xăm mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện được tình cảm, câu chuyện về chủ nhân của nó. Theo tôi, những hình xăm dạng này không quá phô trương và không lo hối hận về sau”.

Anh Bạch Hồng Đức, người mang đến những hình xăm ý nghĩa cho người trẻ
NVCC

Đối với anh Đức, việc thực hiện một hình xăm chân dung là rất khó vì người thợ phải thổi được cái hồn, thần thái của nhân vật.

“Quan điểm xăm hình là giang hồ đã không còn phù hợp. Những người trẻ tìm đến tôi với mong muốn thể hiện cá tính, làm đẹp cơ thể thông qua những hình xăm ý nghĩa. Hay đặc biệt hơn là việc xăm hình giúp họ che đi những khuyết điểm như vết sẹo, bớt, vết chàm…”, anh Đức chia sẻ.

Anh Đức là một nghệ sĩ vẽ tranh chân dung và theo học ngành thiết kế đồ họa tại Trường ĐH Nghệ thuật Trung Ương (Hà Nội) từ năm 2010. Đến năm 2015, anh chuyển hướng sang nghề xăm với quan niệm thợ xăm vẫn là một nghệ sĩ vẽ tranh, điểm đổi mới là chuyển từ chất liệu giấy sang da người.

Ban đầu, gia đình cũng phản đối việc anh Đức theo đuổi nghề xăm. Tuy nhiên, bằng chính niềm đam mê và những câu chuyện đặc biệt của khách hàng, anh đã có được lòng tin của người thân.

Hình xăm chân dung do anh Hồng Đức thực hiện

NVCC

Theo anh Đức, hình xăm chỉ là lớp vỏ bên ngoài, điều quan trọng là bản thân mỗi người phải sống tốt, có đạo đức và cống hiến cho xã hội.

“Đam mê của tôi là được vẽ, theo nghề xăm giúp tôi được sống đúng với ước mơ mà không phải mỏi mệt chạy theo đồng tiền. Tôi thấy hạnh phúc vì thành tựu của mình là những tác phẩm nghệ thuật mang nhiều câu chuyện, ý nghĩa khác nhau. Giúp được nhiều người tìm lại sự tự tin qua những hình xăm, tôi tự cảm thấy mình đang làm đẹp cho đời bằng một cách rất đặc biệt”, anh Đức chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.