Xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học sẽ tính cả giảng viên thỉnh giảng?

26/01/2018 18:12 GMT+7

Bộ Giáo dục - đào tạo dự định sẽ cho phép các trường khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy được tính cả giảng viên thỉnh giảng với một tỷ lệ được giới hạn, trừ các ngành đào tạo giáo viên.

Nội dung này là một trong những điểm mới của dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên và trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mà Bộ Giáo dục - đào tạo vừa đưa lên trang chính thức của Bộ.

Theo quy định hiện hành, các trường chỉ được căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu để xác định chỉ tiêu (cùng với các tiêu chí khác như diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo, quy mô sinh viên chính quy tối đa). Còn dự thảo này cho phép được tính cả toàn bộ giảng viên cơ hữu (đã quy đổi) và giảng viên thình giảng (cũng đã quy đổi) với một tỷ lệ giới hạn.
Cụ thể, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi tối đa được xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành như sau:
Với khối ngành 1 (gồm các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) thì riêng các ngành đào tạo giáo viên, các trường không được tính giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, còn đối với ngành khoa học giáo dục thì tính tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi. Tỷ lệ 5% này cũng được áp dụng cho hầu hết các khối ngành còn lại, trừ khối ngành 2 (là khối ngành nghệ thuật).
Với khối ngành 2, các trường được tính giảng viên thỉnh giảng tối đa bằng 30% tổng giảng viên cơ hữu quy đổi. Trường hợp số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi thấp hơn tỷ lệ tối đa cho phép thì các trường xác định chỉ tiêu theo số giảng viên thỉnh giảng thực tế đã quy đổi.
Giảng viên thỉnh giảng đủ điều kiện để xác định chỉ tiêu tuyên sinh phải có trình độ thạc sĩ trở lên, được ký hợp đồng thỉnh giảng theo đúng luật, được cơ sở trả lương và thù lao theo hợp đồng thỉnh giảng.
Một số chuyên gia tỏ ý lo ngại quy định này sẽ khiến Nhà nước khó kiểm soát chất lượng nền giáo dục đại học hơn do hiện nay vẫn chưa có công cụ quản lý chất lượng giảng viên thỉnh giảng, khiến một giảng viên có thể làm thỉnh giảng ở rất nhiều trường, từ đó tạo điều kiện cho cho một số trường đại học chạy theo quy mô nên tăng chỉ tiêu một cách thiếu trách nhiệm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.