Xã nổi danh đàn bà nghiện rượu

19/02/2017 09:02 GMT+7

Dù mới nghe chủ tịch xã tuyên truyền không nên uống rượu để dành sức đi rẫy nhưng rồi không “hãm” được cơn thèm, người đàn bà Ca Dong cuốc bộ ra tiệm tạp hóa đầu thôn, xách toòng teng bịch rượu trắng về nhà.

Lấy gạo đổi rượu
Nhà bà Nguyễn Thị Tám nằm ngay trung tâm xã Trà Don, H.Nam Trà My (Quảng Nam), gần trụ sở ủy ban nên cán bộ thường xuyên lui tới vận động bà bỏ rượu để chăm lo cho gia đình. Lúc tỉnh táo, người đàn bà Ca Dong này hứa sẽ cai rượu. Nhưng khi cơn nghiện trỗi dậy, bà cứ như bị con ma dẫn lối, phải tìm mua rượu uống cho bằng được. Chồng bà, ông Nguyễn Đức Thương, khuyên nhủ hoài không được đâm chán nản rồi cũng... lấy rượu giải sầu và nghiện khi nào không hay.
Ở xã vùng cao này, rượu trở thành món hàng phổ biến nhất vì nhu cầu khi nào cũng có. “Giờ không bỏ được nữa. Ngày ít thì mua 10.000 đồng, có tiền thì làm 15.000 đồng, uống rượu mới ngủ được”, bà Tám nói.
Chủ tịch xã Trần Vĩnh Thơ ngao ngán: “Trong khi chồng đi làm thì bà vợ ở nhà thường xuyên chè chén. Ông Thương nói ngọt đến mấy vợ cũng không nghe. Thậm chí, bà còn vác gậy đuổi đánh chồng!”. Một lần sau giờ làm việc, thấy vợ say nên ông Thương vào bếp nấu cơm. Khi lục hũ gạo, ông điên tiết vì sáng ra gạo vẫn đầy nhưng đến trưa thì hết sạch. Biết vợ chứng nào tật nấy, lấy gạo đổi rượu nên ông lớn tiếng. Vợ chồng lời qua tiếng lại. Đang cơn say, bà Tám chẳng nói chẳng rằng ra sau vườn xách khúc cây rượt chồng chạy khắp thôn.
“Cả làng chẳng lạ gì chuyện nhà bà Tám, nhưng chứng kiến cảnh ông chồng bị bà vợ rượt ai cũng nhịn cười không nổi”, ông Thơ kể.
Xã nổi danh đàn bà nghiện rượu 1
Chủ tịch UBND xã Trà Don Trần Vĩnh Thơ đang vận động bà Tám bỏ rượu
Căn nhà vợ chồng bà Tám trống huơ trống hoác. Bếp giữa nhà nguội tanh, dường như đã lâu lắm rồi chưa đỏ lửa. Khi chúng tôi cùng chủ tịch xã ghé thăm, cũng là lúc ông Thương cùng 3 người đàn ông vừa “cưa” xong 1 lít rượu. “Có việc gì không cán bộ?”, ông Thương mặt đỏ bừng bừng hỏi. Ông Thơ không trả lời mà hỏi lại: “Sao không lên rẫy mà uống rượu sớm thế này?”.
Ông Thương nhanh nhảu dọn bình rượu sang một bên, ra vẻ ái ngại: “Có 1 lít rượu chứ mấy. Hôm qua có đám ma, say quá nên hôm nay ở nhà. Buồn miệng...”. Chồng say, vợ cũng say. Nhưng nếu ông Thương say còn nhớ cái nương, cái rẫy để lên thăm thì bà Tám bỏ bê hết việc nhà. Có hôm, theo mọi người trong thôn đi tỉa lúa thì bà quên mang túi lúa giống. Hôm được phân công nấu ăn cho cả nhóm, bà Tám đi lấy nước thì lại... ngủ luôn vì say. “Mọi người nháo nhào đi tìm thì phát hiện bà Tám ngáy khó khò, nằm vất vưởng bên bờ suối. Trên tay bà bịch rượu 1 lít chỉ còn vài giọt”, ông Thơ kể.
Xã nổi danh đàn bà nghiện rượu 2
Ngay sau đó, không nhịn được bà ra quán mua một bịch rượu về uống
10 phụ nữ thì có 5 - 7 người uống rượu
Đang dở câu chuyện thì bà Tám đi hái đót về. Định bụng mua rượu uống nhưng gặp chủ tịch xã nên bà nén cơn thèm, nán lại, nghe lãnh đạo xã khuyên bỏ rượu để chí thú làm ăn. Bà bảo, đầu năm cây đót cũng được giá nên tranh thủ đi kiếm ít tiền. Hỏi đi rẫy có uống rượu không, bà gật đầu kể: “Nhóm 7 người đàn bà đi chung ai cũng uống. Đi trong rừng mà không có rượu sao chịu được? Mà muốn có rượu uống thì phải đi rẫy, đi hái đót chứ...”. Bà Tám hồn nhiên nhẩm tính, nếu kiếm được 10.000 đồng thì phải trích 5.000 đồng mua rượu, 5.000 còn lại mua gạo. “May, mấy bữa nay thu nhập cũng đỡ, mỗi ngày 50.000 - 60.000 đồng nên có thể say được!”, người đàn bà ngoài 50 tuổi nói về rượu cứ như một món ăn không thể thiếu.

Chồng uống giải mỏi sau giờ đi rẫy. Uống một mình buồn quá nên rót cho vợ. Rồi chồng rót, vợ rót, cùng say. Có nhà cả hai vợ chồng đều nghiện

Ông Trần Vĩnh Thơ,
Chủ tịch xã Trà Don, H.Nam Trà My
Cũng vì bà uống rượu mà chồng không dám nhận công việc xã đội phó, phải lang thang nhiều nơi để kiếm tiền. “Ông Thương trước là xã đội trưởng. Sau đó vì không đủ điều kiện để giữ chức vụ này nên ông được phân công xuống làm xã đội phó. Nhưng rồi bà Tám uống rượu, ông nói miết không nghe, thấy "mất mặt" với thôn bản nên ông tự xin nghỉ việc...”, ông Thơ tiếc rẻ.
Trưởng công an xã Trà Don Đinh Văn Vương cho biết một trường hợp cán bộ xã cũng nghỉ việc do vợ nghiện rượu là ông S., công an viên thôn 1. Bà L. (vợ ông) mỗi lần rượu vào là lời ra, chẳng coi ai ra gì. Có lần, bà quậy tưng sau khi tu hết 1 lít rượu, công an xã đến làm việc cũng bị bà vác gậy đuổi đánh.
“Cũng vì trọng nam khinh nữ mà ông S. nặng lời vì vợ sinh một lèo 3 đứa con gái. Bà L. buồn chán, đâm ra rượu chè. Cứ mỗi lần say rượu, nhớ chuyện chồng hay chì chiết mình "không biết đẻ", thế là bà lại nổi khùng gây sự”, ông Vương kể. Một chị tên Lan tại thôn 2 cũng nghiện rượu nặng. “Chị này uống rượu ở cấp độ... sư phụ rồi. Không uống thì thôi, hễ chị có tí men vào người thì y như rằng không ai chịu nổi”, ông Vương kể.

tin liên quan

Ma men tự kể: Nhậu thay... ăn
Không chỉ có bệnh nhân xơ gan, viêm gan cấp do hậu quả nhậu triền miên mà bệnh nhân viêm tụy cấp do bia rượu cũng ồ ạt nhập viện.
Khoảng 10 năm về trước, Trà Don cũng bình yên như bao xã vùng cao khác. Từ ngày mở con đường vào xã năm 2006, nhiều chuyến hàng từ xuôi về bản làng dễ dàng hơn, người Trà Don cũng "tiếp cận" với bao nhiêu thứ mới mẻ. Tiểu thương mang theo đủ loại hàng hóa, có cả rượu. Ai sẵn tiền thì mua, thiếu tiền vẫn được cho nợ tạm, rồi lấy nông sản ra đổi. Nhiều cán bộ xã giải thích nguyên nhân đàn bà Ca Dong, Xê Đăng vùng này nát rượu có một phần nguyên do từ phía đàn ông.
“Chồng uống giải mỏi sau giờ đi rẫy. Uống một mình buồn quá nên rót cho vợ. Rồi chồng rót, vợ rót, cùng say. Có nhà cả hai vợ chồng đều nghiện”, ông Trần Vĩnh Thơ giải thích.
Xã nổi danh đàn bà nghiện rượu 3
Thôn 1 xã Trà Don, nơi có nhiều phụ nữ uống rượu Ảnh: Hoàng Sơn
Say rượu, làm sao lên rẫy ?
Ông Trần Vĩnh Thơ thẳng thắn thừa nhận, đàn bà nghiện rượu thực sự là một cản lực đối với công tác giảm nghèo của địa phương. “Cả xã có 582 hộ (với hơn 2.300 nhân khẩu) thì có đến 70% hộ nghèo. Cứ say rượu thì làm sao mà lên rẫy? Đàn bà trong nhà là phải lo vun vén, vậy mà nhiều gia đình có vợ lúc nào cũng say khướt, thì lấy gì không nghèo”, ông Thơ thở dài.
Ông Đinh Văn Vương nhiều phen lúng túng khi vào bản vận động đàn bà bỏ rượu, vì bị cãi lý rằng xã hội bây giờ cần bình đẳng giới, đàn ông rượu chè được thì đàn bà... cũng có thể uống (!). Cãi xong, họ rót rượu mời trưởng công an xã Trà Don cùng uống.
Ông Vương bảo: "Ở Trà Don cứ 10 phụ nữ thì có đến 5 - 7 người uống rượu. Tỷ lệ đàn bà say ở thôn 1, 2 nhiều hơn thôn 3 vì 2 thôn này gần đường hơn. Ở thôn 1, hầu như nhà nào cũng nấu rượu. Nấu bao nhiêu hết bấy nhiêu. Còn nhà Trưởng thôn 2 Nguyễn Văn Tới mỗi ngày nấu trên chục lít rượu vẫn không đủ bán.
Bà Nguyễn Thị Thắm, vợ ông Tới, thử rượu riết rồi lên "đô", giờ chẳng khác gì đệ tử lưu linh, nhưng xem ra bà khá hơn nhiều phụ nữ khác trong bản vì phải giữ tỉnh táo để còn... bán rượu".
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, xác nhận tình trạng đàn bà say rượu quậy phá tại Trà Don bắt đầu từ năm 2006. “Chính quyền huyện, xã đã vào cuộc tích cực để răn đe những trường hợp phụ nữ uống rượu quậy phá. Chúng tôi cũng nỗ lực vận động và hiện tình trạng này đã giảm”, ông Bửu nói.
Ở cấp xã, cán bộ vẫn thường xuyên gõ cửa nhà dân khuyên nhủ bớt rượu chè để còn làm ăn. Ông Trần Vĩnh Thơ cho hay đã từng tính chuyện kiểm soát số hộ dân nấu rượu để hạn chế nguồn cung. “Nhưng đây là nghề làm ăn của người ta, mình sao cấm được? Nếu cấm mà nhu cầu của người dân vẫn cao, rồi người ta mua rượu pha chế từ dưới xuôi lên uống có khi nguy hại hơn”, ông Thơ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.