World Cup vui quá về sao được

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
05/12/2022 09:23 GMT+7

Nhiều khán giả tranh thủ xem thêm trận đấu, nán lại thêm vài ngày, World Cup đang trở nên sôi động hơn sau nhiều tranh cãi và quan ngại.

Buổi sáng trong làng cổ động viên Barahat Al Janoub ở Al Wakrah, một vài người Brazil và Argentina bày hàng trên vỉa hè để bán, gồm áo, mũ, khăn, băng rôn và vài thứ lặt vặt khác. Những người dậy sớm tới đón xe buýt để đi ra ga Al Wakrah thấy hay hay bèn sà vào. Thế là ngay lập tức nơi đây thành một cái chợ.

Người hâm mộ thích thú trải nghiệm văn hóa Qatar

Kiếm thêm tiền để bám trụ

Đi xem World Cup là một kỳ công, với nhiều tính toán kỹ lưỡng. Ở xứ sở Qatar đắt đỏ này, sự tính toán lại càng phải chặt chẽ hơn. Để cầm cự đến cùng với đội tuyển, không ít người Brazil và Argentina đã mang theo đồ cổ vũ để bán.

Khán giả nước ngoài đang lập nên những con số kỷ lục cho World Cup 2022

“Chiếc khăn này 40 riyal”, anh bán hàng tên Moreira Santos nói, khi tôi tiện thể hỏi mua trong lúc xếp hàng chờ lên xe buýt. Đó là một chiếc khăn dùng để cổ vũ đội tuyển Brazil, sờ vào thấy chất liệu khá tốt, nhưng cái giá gần 300.000 đồng, tôi nhẩm tính, quả là quá đắt. Tôi trả giá xuống còn một nửa, anh chàng làm bộ nhẩm tính, sau một hồi trao đổi qua lại liền đồng ý bán cho tôi. Nhiều người khác thấy thế cũng tự tin trả giá xuống.

Tàu điện ngầm Doha đã vận chuyển một lượng người nhiều kỷ lục

Đỗ Hùng

Tôi đã có kinh nghiệm mặc cả sau mấy hôm đi chợ ở khu Souq Waqif tấp nập. Có lần khi tôi hỏi mua một chiếc áo dài của đàn ông Ả Rập, loại “công nghiệp” may sẵn với chất liệu mỏng tang và đường chỉ dập khá thô, người đàn ông kêu giá 85 riyal (chừng 560.000 đồng), tôi trả xuống 50, sau một hồi kỳ kèo, tôi mua được với giá 60 riyal. Không biết có bị hố không vì hôm sau có anh bạn của tôi mua với giá 27 riyal một chiếc áo (tất nhiên là khác loại), nhưng từ đó về sau đi chợ là tôi cứ mạnh dạn mặc cả, huống hồ là ở cái chợ chồm hổm này.

Cái sạp hàng của anh Santos, cùng người đàn ông Argentina kế bên, chỉ có lèo tèo vài món hàng nên trong chốc lát đã bán hết. Một số cổ động viên Brazil và Argentina muốn sắm thêm “đồ chơi” vào phút chót, vài người hâm mộ nước ngoài muốn trang bị cho mình chút sắc màu bóng đá trước khi đến sân xem, hoặc đơn thuần là muốn có một món đồ lưu niệm như tôi, tất cả đều là khách hàng của khu chợ tự phát này. “Anh còn hàng không?”, tôi tò mò hỏi. Santos bảo hết rồi, do đi một mình nên chỉ mang được chừng đó. Nhưng dù sao thì kiếm thêm được chút nào hay chút ấy, để trụ lại Qatar trong khi đội tuyển vẫn tiếp tục cuộc hành trình. “Lẽ ra tôi đã về từ hôm qua, nhưng nay quyết định đổi vé để ở lại”.

Khu làng cổ động viên Barahat Al Janoub nơi tôi ở, với hàng trăm dãy nhà tương ứng với hàng ngàn căn hộ, có tới vài chục ngàn cư dân tạm thời. Từ đây, mỗi ngày họ tỏa đi các nhà ga, các khu vui chơi và đặc biệt là các tụ điểm bóng đá. Nhiều người đến rồi đi khi đội tuyển của họ bị loại sớm, hoặc họ chỉ có vé vài trận đấu ở vòng bảng, nhưng rất nhiều người ở lại rất lâu như Santos, khi đội tuyển tiến sâu. Nhiều người tôi gặp thậm chí còn đổi kế hoạch để ở lại thêm vì “World Cup vui quá”. Ngoài những vé mua từ trước, trong thời gian ở Qatar, họ ngẫu hứng mua thêm vé từ người khác, vì đằng nào cũng đã tới đây rồi, “không xem thì phí”.

Anh Vũ Đoàn, một kỹ sư công nghệ từ TP.HCM, vốn ban đầu chỉ có vé xem 3 trận. “Nhưng sang tới đây mà không xem được trận nào của Messi thì rất tiếc”, anh nói. Thế là anh đã móc hầu bao 340 USD để mua lại vé của một người ở bên ngoài sân Ahmad bin Ali vào lúc trái bóng trận Argentina gặp Úc sắp lăn. Anh cho biết giá gốc của vé loại này đã là 500 USD nhưng do anh mua phút chót nên rẻ, bởi nếu không bán thì coi như bỏ luôn.

Mỗi người có một lý do để nán lại với World Cup, để tìm cách mua thêm vé vào sân, hoặc chỉ đơn giản là tham gia vào các cuộc vui xung quanh sân vận động, ở những điểm truyền hình trực tiếp nơi công cộng. Trong nhiều nhóm trên mạng xã hội (như nhóm “FIFA World Cup Travelers: Qatar” mà tôi ngày nào cũng vào để kiếm phòng ở chung), có rất nhiều người tìm kiếm chỗ ở, tìm người ở chung sau khi thay đổi kế hoạch ở lại thêm để xem World Cup. Một trong những điều khiến các cổ động viên ở lại thêm, tranh thủ xem thêm trận bóng tại World Cup lần này là việc các địa điểm thi đấu rất gần nhau, việc xem nhiều hơn 1 trận mỗi ngày là hoàn toàn có thể. Đây là điều rất khó thực hiện trong các kỳ World Cup trước, khi các địa điểm thi đấu cách xa nhau hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số.

Đông hơn và ồn ào hơn

Công bằng mà nói, xét về không khí cổ động bóng đá, World Cup 2022 có nhiều khía cạnh không bằng các kỳ World Cup trước. Thật khó để bắt gặp những làn sóng cổ động viên diễu hành trên phố, những lễ hội hóa trang tưng bừng, những trò vui ngẫu hứng do người dân địa phương hoặc cổ động viên nước ngoài tự tổ chức.

Dù thế, vòng đấu bảng của World Cup 2022 cũng đã chứng kiến nhiều con số ấn tượng, cho thấy hấp lực của trò chơi sân cỏ, của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vẫn rất mãnh liệt, vượt qua hàng loạt tranh cãi.

Tại cuộc họp báo vào hôm qua, ban tổ chức World Cup 2022 cho biết tổng số lượt khán giả trong 48 trận vòng đấu bảng là 2,45 triệu, cao hơn con số 2,17 triệu của kỳ World Cup 2018 tại Nga. Trong trận đấu giữa Argentina và Mexico trên sân Lusail ở vòng đấu bảng, 88.966 khán giả đã vào sân, con số cao nhất kể từ trận chung kết năm 1994. Khu FIFA Fan Festival khổng lồ ở trung tâm Doha đến nay đã đón 1 triệu lượt khán giả, trong khi khu đi bộ ven biển gần đó đón 2 triệu lượt người. Một World Cup lịch sử với những con số lịch sử của Qatar, của thế giới Ả Rập.

Lượng lớn người đổ về Doha trong những ngày này đã tạo ra sự lưu chuyển lớn chưa từng có đối với hệ thống tàu điện. Thống kê của ban tổ chức cho thấy có tới 9,19 triệu lượt hành khách đã sử dụng hệ thống Metro Doha và xe điện Lusail, trung bình 707.032 lượt hành khách mỗi ngày. Đây là những con số khổng lồ tại một đất nước chỉ có chưa đầy 3 triệu dân. Con số thống kê khô khan này đối với tôi là một nỗi ám ảnh, khi sau mỗi trận đấu luôn phải chìm trong đám đông cổ động viên kéo dài hàng cây số và chờ cả tiếng đồng hồ bên ngoài các ga tàu điện ngầm.

Không chỉ đông, người hâm mộ tới Qatar còn tạo nên sự ồn ào, theo nghĩa đen, mà trước nay đất nước này chưa từng thấy. Hệ thống cảm ứng trên sân Education City đo được âm thanh mà các cổ động viên Hàn Quốc và Uruguay tạo ra đạt tới 131 decibel trong trận đấu giữa hai đội tuyển của họ. Không có bằng chứng, nhưng tôi nghi khối âm thanh tương đương với một buổi biểu diễn nhạc rock này là do cổ động viên Hàn Quốc gây ra, những người suốt trận cứ hô vang điệp khúc “Đại Hàn Dân Quốc”.

Dù Qatar có nhiều quy định nghiêm ngặt khiến không khí cổ động viên hơi chùng, nhưng đất nước này và nền văn hóa Ả Rập lại có nhiều điều bí ẩn để người nước ngoài khám phá. Rất nhiều người hâm mộ nước ngoài đã xuống chợ Souq Waqif tìm mua những bộ đồ truyền thống để khoác lên mình, lóng ngóng thắt khăn cho ra dáng một quý ông hay quý bà Ả Rập. Những sa mạc mênh mông đầy gió bụi trở thành điểm đến đầy mê hoặc bên cạnh các đấu trường sôi động.

“Tôi đã mua một bộ đồ Ả Rập được thiết kế đặc biệt cho World Cup, có biểu tượng của đội tuyển Bồ Đào Nha. Tôi đã mặc nó, cưỡi lạc đà và lái xe SUV, tôi đã chụp hình chung với những phụ nữ đeo mạng che mặt. Với cá nhân tôi, World Cup khởi đầu đầy trắc trở, nhưng đến nay đã vui hơn nhiều, đặc biệt là đội tuyển của chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình,” anh Jorge Franco, một người bạn Bồ Đào Nha của tôi, chia sẻ sau hai tuần hòa mình vào không khí World Cup ở Qatar.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.