World Cup 2022: Trận đấu của những cảm xúc bên lề mãnh liệt

Đỗ Hùng
Đỗ Hùng
14/12/2022 08:34 GMT+7

“Thật tuyệt khi được thi đấu cùng Alessandro del Piero và Clarence Seedorf. Anh biết không, có lần tôi đã truy cản Marco Materazzi đấy!”.

Trên sân Al Thumama đã hoàn tất sứ mệnh phục vụ World Cup, những ngôi sao của thời quá khứ chưa xa đuổi theo trái bóng tròn. Họ đã già đi, đã mập hơn, chậm chạp hơn, như tôi vậy. Thời gian không chừa một ai, kể cả những ngôi sao từng một thời chói sáng.

Roberto Carlos đã không còn những pha bứt tốc dọc biên và những cú sút phạt hình trái chuối mạnh như đại bác. Del Piero đã không còn những cú đột nhập bất ngờ vào cấm địa đối phương. Claude Makelele cũng đã không còn các pha thu hồi bóng khéo léo ở giữa sân và phát động các cuộc phản công thần tốc.

Nhưng niềm hứng khởi với trái bóng tròn thì vẫn vẹn nguyên ở họ.

Alessandro del Piero (trái) đột nhập cấm địa trước sự truy cản của John Terry

ĐỖ HÙNG

Trận đấu của niềm vui

Hơn 16 năm đã trôi qua kể từ khi Del Piero nâng cao cúp vàng thế giới trên sân Olympiastadion. Giờ đây, anh bước vào sân

Al Thumama trong một trận đấu bên lề World Cup 2022 không phải để biến điều mà anh gọi là “giấc mơ thời thơ ấu” thành hiện thực.

Anh vào sân, tung tẩy cùng trái bóng, cố thực hiện phiên bản chậm hơn của những pha bóng đỉnh cao một thời, chủ yếu vì niềm vui. Xung quanh là các cựu đồng đội, cựu đối thủ, trong đó có những người từng đoạt cúp vàng thế giới, như Cafu, Roberto Carlos, Claude Makelele và nhiều người khác chưa từng vô địch World Cup nhưng cũng là những ngôi sao hàng đầu vào thời của họ, như Javier Zanetti, Deco, John Terry, Christian Vieri... Không chỉ các cựu danh thủ, trên sân còn có một số công nhân nước ngoài, những người đã có đóng góp lớn trong quá trình chuẩn bị cho World Cup đầu tiên của thế giới Ả Rập. Những công nhân này cũng là tâm điểm của tranh cãi gay gắt liên quan đến quyền của người lao động.

Trận đấu trên sân Al Thumama hôm 12.12 không có chiếc cúp vàng nào được trao, chỉ có kỷ niệm chương cho những người tham dự. Del Piero và Nuno Gomes đã ghi bàn trong chiến thắng 2-0 của đội tuyển áo vàng trước đội áo xanh của Javier Zanetti và John Terry, nhưng tỷ số không quan trọng bằng niềm vui.

Niềm vui ấy lan tỏa từ các siêu sao một thời sang các công nhân được lần đầu tiên kề vai sát cánh cùng thần tượng. Và niềm hứng khởi ấy lan tỏa lên khán đài, nơi nhiều công nhân lần đầu tiên được vào một sân vận động World Cup hoành tráng để đường hoàng đĩnh đạc ngồi xem bóng đá, tạm quên đi những lo toan thường nhật; nơi các tình nguyện viên có được một ngày thảnh thơi để xem các thần tượng mà không quá bận tâm tới công việc như khi các trận đấu World Cup diễn ra nơi đây.

Tác giả (giữa) cùng anh Qaise người Oman (trái) và anh Sonesh người Ấn Độ chụp hình lưu niệm trước khi chia tay sân Al Thumama

Hơn 5.000 khán giả đã vào sân xem trận đấu ấy. Phần lớn là những công nhân nước ngoài sống và làm việc lâu dài tại Qatar, nhiều người trong số họ từng tham gia quá trình xây dựng các sân vận động và công trình phục vụ World Cup. Hầu hết họ chưa từng vào sân xem một trận đấu chính thức nào tại World Cup 2022. Được vào bên trong sân, dù chỉ là một trận cầu giao lưu vui vẻ, đối với họ là một trải nghiệm khó quên.

Anamol Sresth, công nhân xây dựng người Nepal, nói anh không thể tin có một ngày được xem các ngôi sao Brazil như Cafu, Roberto Carlos đá bóng. “Tôi từng xem họ trên ti vi rất nhiều lần, cả ở đội tuyển lẫn câu lạc bộ. Tất nhiên bây giờ họ đã khác, nhưng họ vẫn là thần tượng của tôi. Được xem họ chơi bóng thật là tuyệt”, Anamol nói và anh cho biết đã cố gắng sắp xếp công việc để tới sân khi biết thông tin về trận đấu đặc biệt này. “Tôi có xem World Cup, nhưng là xem ở nhà trọ hoặc tại khu truyền hình công cộng ngoài trời gần chỗ tôi ở. Được vào sân là một cơ hội khó bỏ qua. Tôi đã chụp rất nhiều hình tại sân Al Thumama”. Anamol hy vọng sau trận đấu sẽ xin được chữ ký các thần tượng, nhưng dù sau đó anh không thể hoàn thành được mong muốn ấy thì chuyến phiêu lưu tới sân đấu hoành tráng của World Cup vẫn là một trải nghiệm khó quên.

May mắn hơn Anamol, Justice Odoi, một người Ghana sống nhiều năm tại Qatar, đã được khoác áo thi đấu bên cạnh các huyền thoại. “Thật tuyệt vời khi được thi đấu cùng những người như Alessandro del Piero và Clarence Seedorf. Anh biết không, có lần tôi đã truy cản Marco Materazzi đấy! Cảm giác không thể tả được. Tôi luôn mơ ước được đá bóng cùng họ, hoặc ít ra là được nhìn thấy họ. Giờ thì điều đó đã thành sự thật”, Odoi chia sẻ với tôi sau trận đấu và anh tiết lộ mình đã xin được chữ ký của nhiều thần tượng.

Một công nhân hào hứng khi có cơ hội hiếm hoi được thưởng thức không khí World Cup, dù chỉ là một trận đấu “bên lề”

Câu chuyện công nhân bị ngược đãi tại Qatar đã gây ra tranh cãi lớn tại World Cup 2022. Trận đấu giữa các cựu danh thủ và các công nhân, với khán giả được mời đa phần là công nhân và tình nguyện viên, là một nỗ lực truyền thông của FIFA. Dù thế, sự kiện ấy, cũng như cúp bóng đá Huyền thoại FIFA (FIFA Legends) diễn ra trong chặng cuối của World Cup 2022 với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn bóng đá thế giới, thực sự đã mang lại những phút giây vui vẻ cùng cơ hội trải nghiệm World Cup cho những người vốn ít có cơ hội xem các trận đấu chính thức.

Cựu thủ quân đội tuyển Anh John Terry đánh giá việc tri ân “một vài trong số những công nhân có đóng góp lớn cho các sân đấu tuyệt vời này là ý tưởng rất hay”. “Mở của sân vận động để cho các cổ động viên khác tới xem miễn phí cũng vậy. Đó là điều tuyệt vời. Việc họ được đến chơi bóng cùng chúng tôi không chỉ tuyệt vời đối với họ, mà cho cả chúng tôi khi được gặp họ trực tiếp”, John Terry chia sẻ.

Lưu luyến Al Thumama

Trận đấu vui vẻ khép lại, nhưng thật lâu sau đó khán giả vẫn chưa chịu về. Họ nán lại chụp hình lưu niệm. Nhiều người xuống tận đường biên sân cỏ để có thể lưu lại những tấm hình ưng ý. Đây vốn là điều cấm kỵ khi World Cup còn diễn ra ở sân Al Thumama, nhưng hôm ấy, những người bảo vệ sân cũng trở nên dễ dãi hơn, châm chước chút đỉnh cho khán giả, bởi họ biết rằng đấy là trải nghiệm có một không hai của nhiều người. Mà ngay cả các nhân viên bảo vệ cũng thế, họ cũng lưu luyến với nơi đây, khi mà Al Thumama đã hoàn tất sứ mệnh phục vụ các trận đấu World Cup. Họ cũng bận rộn chụp hình cho nhau, còn tâm trí đâu mà ngăn cản người khác.

“Anh chụp cho chúng tôi một tấm hình lưu niệm đi”, Sonesh Thayil nói với tôi. Sonesh, một người gốc Ấn Độ đã có 24 năm sống tại Qatar, vốn là nhân viên của nhà mạng điện thoại Ooredoo nhưng được “biệt phái” làm tình nguyện viên trong mùa World Cup. Đây là ngày cuối cùng anh làm nhiệm vụ tại Al Thumama. Từ ngày hôm sau, anh sẽ trở về với công việc của mình, như trước khi World Cup diễn ra.

“World Cup là cơ hội để tôi có một công việc tạm thời và được trả một khoản thù lao kha khá”, Sonesh tiết lộ, “Nhưng trải nghiệm trong những ngày qua cũng thật là đáng nhớ. World Cup là một điều gì đó rất đặc biệt. Tôi chưa từng trải qua điều tương tự như thế, sau này chắc cũng sẽ không thể gặp lại”.

Tôi gật đầu đồng cảm với tâm sự của anh chàng gốc Ấn, chụp cho anh ta cùng các bạn một loạt hình trước khi hòa vào dòng người rời khỏi sân Al Thumama. Ở bên ngoài, các công trình phụ phục vụ World Cup đã bắt đầu được tháo dỡ. Các quầy bán hàng lưu niệm và đồ ăn uống đóng cửa im lìm. Vài người ghé tới chụp hình với biểu tượng cúp vàng bên ngoài sân. Các xa lộ xung quanh đã được dỡ bỏ phong tỏa, xe phóng ào ào, âm thanh cổ động trong các trận cầu đã tắt, thay vào đó là tiếng ồn của cuộc sống thường nhật.

Tôi ngoái đầu nhìn lại phía sau, sân đấu hình chiếc mũ ṭāqīyah của đàn ông Ả Rập rực sáng lên trong đêm tối. Tôi chợt nhớ ra có lẽ đây là lần cuối tôi ghé qua nơi này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.