World Cup 2022: Argentina mạnh hơn, Pháp có vẻ yếu đi

16/12/2022 09:21 GMT+7

Pháp và Argentina đã đụng độ tại vòng đấu đầu tiên của giai đoạn knock-out World Cup 2018 với kết quả Pháp thắng 4-3, trong trận đấu đáng gọi là hấp dẫn nhất của kỳ World Cup tại Nga.

Bây giờ, Pháp và Argentina lại là hai đội xuất sắc nhất, hoàn toàn xứng đáng đá trận chung kết World Cup 2022. Bốn năm trôi qua, họ đã thay đổi như thế nào?

Nói đến Argentina là phải nói đến Lionel Messi, đó là điều không bao giờ thay đổi. Khác biệt ở chỗ: Argentina tại World Cup 2018 phụ thuộc vào Messi theo nghĩa tiêu cực. Phong độ cá nhân của Messi, hoặc khả năng vô hiệu hóa Messi của đối phương, sẽ quyết định phần lớn mức độ thành công của Argentina. Bây giờ, Argentina đã “dụng công” hơn trong việc khai thác tài năng và vai trò của Messi, thay vì thụ động “trông chờ” Messi. Ngoài ra, Argentina còn có tiền đạo Julian Alvarez và tiền vệ Enzo Fernandez đang nổi lên như những ngôi sao mới đáng chú ý tại giải năm nay.

Khi gặp đối thủ “cứng cựa”, Mbappe (phải) bị vô hiệu hóa?

AFP

Thay đổi lớn đáng chú ý khác là sự vững chắc của hàng phòng ngự. Đây vốn là nhược điểm truyền thống của bóng đá Argentina. Trong suốt lịch sử, khi mà Argentina có được thế hệ hậu vệ tốt nhất, do Daniel Passarella chỉ huy, họ đã vô địch World Cup 1978 (lần còn lại Argentina vô địch World Cup là năm 1986, nhờ có “thiên tài” Diego Maradona). Bây giờ là lần đầu tiên trong rất nhiều năm, Argentina có một hàng thủ “xem được”, cả về đẳng cấp cá nhân lẫn hệ thống chiến thuật. Với Lisandro Martinez, Nicolas Otamendi, Cristian Romero trong tay HLV Scaloni thậm chí còn thừa trung vệ nếu ông muốn xếp hàng hậu vệ 4 người. Argentina giữ nguyên mành lưới ở 3/6 trận trước khi bước vào chung kết. Tóm lại, Argentina của ông Scaloni hiện nay mạnh và hay hơn Argentina của HLV Jorge Sampaoli tại World Cup 2018.

Kịch tính cuộc đua Vua phá lưới - cuộc ‘so kè’ ngang sức giữa Argentina và Pháp

Đó là khác biệt đáng chú ý nhất khi nhìn lại cặp đấu Argentina - Pháp ở thời điểm này. Khác biệt lớn nhất nơi tuyển Pháp so với đội hình vô địch World Cup 2018 là hàng tiền vệ, khi cả cặp N’Golo Kante - Paul Pogba đều chấn thương không thể tham dự World Cup 2022. Aurelien Tchouameni và Andrien Rabiot (hoặc Youssouf Fofana) thay thế ở khu giữa sân, nhưng vấn đề ở đây không chỉ là nhân sự, mà còn liên quan lối chơi. Pogba khi đó chơi dâng cao ở khu giữa sân thì mọi vị trí trên hàng công đều thuận lợi hẳn, dễ dàng phát huy tài năng cá nhân. Và Pogba được tự do tấn công nhờ có Kante trụ lại phía sau, làm rất tốt các phần việc “dọn dẹp”. Hàng công của Pháp tại World Cup 2018 do vậy rất linh động, khó lường, từ đó Kylian Mbappe có điều kiện tỏa sáng bằng sở trường tốc độ.

Bây giờ, HLV Didier Deschamps phải quay lại với cách chơi cổ điển: mỗi người mỗi việc, khá rõ ràng và cụ thể. Antoine Griezmann sáng tạo, Mbappe đá cánh, trung phong Olivier Giroud ghi bàn. Khi gặp đối thủ “cứng cựa” từ vòng tứ kết trở đi thì Mbappe mờ nhạt hẳn so với chính mình trước đó. Tại World Cup 2018, ông Deschamps giới thiệu vai trò “chim mồi” khá độc đáo: Giroud chơi ở vị trí trung phong mà không phải để ghi bàn. Anh chỉ di chuyển, lôi kéo hậu vệ để mở ra khoảng trống, hoặc làm tường, mớm bóng cho cầu thủ phía sau dứt điểm. Đá được như vậy chính là nhờ có Pogba và Griezmann ở trục giữa. Cũng chính vì vậy mà Mbappe mới có khoảng trống để khai thác tốc độ. Nói cách khác, Pháp thắng Argentina ở giai đoạn knock-out rồi vô địch World Cup 2018 chủ yếu bằng lối chơi, và ông Deschamps có đủ ngôi sao cần thiết để thực thi lối chơi ấy. Năm nay, ngoài sự vắng bóng của các ngôi sao cũ thì Benzema cũng không có mặt từ đầu đến giờ. Trung phong Giroud phải “cày” ở độ tuổi 36, với nhiệm vụ rất cụ thể là ghi bàn. Như thế đã là… sở đoản rồi, dù bản thân Giroud vẫn đang thành công. Pháp giờ đá đơn giản hơn, dễ đối phó hơn. Có vẻ như nhà ĐKVĐ World Cup đã yếu đi, trong khi “bại tướng” của họ 4 năm trước là Argentina giờ lại mạnh lên!

Nốt lặng ở World Cup 2022 - khi những nhà báo “sinh nghề tử nghiệp”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.