WikiLeaks giữa cuộc 'đấu tố'

10/05/2018 07:15 GMT+7

Một nhà văn từng là người thân tín của nhà sáng lập WikiLeaks tiết lộ tổ chức này đã không còn theo đuổi sứ mạng nói lên sự thật.

Sau nhiều bình luận ủng hộ WikiLeaks hồi năm 2012, nhà văn Iain (41 tuổi) ở Edinburgh (Scotland) được nhà sáng lập tổ chức này là ông Julian Assange tin tưởng và chiêu mộ. Ông Iain có nhiệm vụ chia sẻ các bài viết và tạo nhóm kín trên Twitter mang tên “WikiLeaks Plus 10” để Assange liên hệ bằng tin nhắn với những người ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi phát hiện mưu đồ của WikiLeaks, ông Iain từ bỏ tổ chức vào năm 2016 và quyết định tiết lộ những tin nhắn, email của Assange.
Lợi ích và tiêu diệt kẻ thù
Sau khi khoảng 1.200 trong số trên 11.000 tin nhắn trong “WikiLeaks Plus 10” được ông Iain ẩn danh cung cấp cho trang tin The Intercept hồi cuối năm 2017, thì đến ngày 8.5 vừa qua, ông chính thức xuất hiện trả lời phỏng vấn trang tin The Daily Beast. Qua đó, ông khẳng định tất cả tin nhắn trên là thật, đồng thời lưu ý: “WikiLeaks nói dối trắng trợn, họ dối trá trên Twitter… Khi áp lực chồng chất, những lời dối trá càng nhiều”.
Mục tiêu đem đến sự thật cho công chúng bị cho là ngày càng xa vời với WikiLeaks. Thay vào đó, theo ông Iain, ông Assange luôn quan tâm đến mục tiêu “lợi ích” và tìm cách tiêu diệt những đối tượng bị WikiLeaks xếp vào nhóm “kẻ thù”. Ví dụ như tin nhắn ông Assange viết về những ai chống lại WikiLeaks: “Kẻ thù của WikiLeaks phải có kết thúc thảm hại”. Kết thúc thảm hại đó không chỉ do chính những gì “kẻ thù WikiLeaks” gây ra, mà còn phải do sự tác động từ WikiLeaks.
Để phục vụ lợi ích, nhà sáng lập Assange thậm chí hợp tác với những người mà ông không tin tưởng. Trong tin nhắn khác đề cập đến chính trị gia Iceland giúp WikiLeaks rò rỉ loạt hồ sơ mật đầu tiên lúc mới thành lập năm 2006, ông Assange viết: “Không ai có thể tin tưởng một kẻ đâm sau lưng người khác, nhưng đôi bên đều có lợi ích”.
Đối với “kẻ thù”, nội dung một email năm 2007 của Assange từng nêu ra một trong số mục tiêu chính của WikiLeaks “tiêu diệt hoàn toàn chế độ hiện hữu ở Mỹ”. Điển hình như vụ cựu binh sĩ chuyển giới Chelsea Manning (ngồi tù từ năm 2010 - 2017) chuyển hàng ngàn hồ sơ mật nhạy cảm về quân sự và ngoại giao của Mỹ cho WikiLeaks, đã từng khiến Washington phải chịu không ít lao đao. Cũng chính vì vụ này mà nhà sáng lập WikiLeaks (công dân Úc) phải tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh kể từ năm 2012 đến nay để tránh bị dẫn độ sang Mỹ xét xử.
Kiếm chác bằng thông tin bịa đặt ?
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, WikiLeaks được cho là cố bịt miệng những người ủng hộ tỏ vẻ nghi ngờ khi tổ chức này tung ra hàng loạt tin giả mạo về ứng viên - cựu ngoại trưởng Hillary Clinton (đảng Dân chủ), theo ông Iain. WikiLeaks còn công bố hàng ngàn email do tin tặc trộm được từ đảng Dân chủ và ban vận động tranh cử của bà Clinton. Thế nhưng, ông Iain cho rằng WikiLeaks có động thái này một phần là nhằm lấy tiền tài trợ từ kẻ thù của nước Mỹ.
“Thông tin mật và bịa đặt luôn là hai thứ vũ khí được dùng trong mọi tầng lớp xã hội. WikiLeaks sử dụng cả hai loại vũ khí này để đánh lạc hướng phục vụ mưu đồ của họ… và kiếm chác”, ông Iain cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.