WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về Covid-19

05/05/2023 22:41 GMT+7

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 5.5 tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Trong cuộc họp báo ngày 5.5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 sau hơn 3 năm, theo Reuters.

"Hôm qua, Ủy ban Khẩn cấp họp lần thứ 15 và khuyến nghị tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC). Tôi đã chấp nhận lời khuyên này", ông Ghebreyesus nói.

WHO thông báo chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với Covid-19

Vị quan chức cho biết đại dịch Covid-19 đã trên đà suy giảm trong hơn một năm và cho phép hầu hết các nước quay lại cuộc sống bình thường như trước đó.

Ủy ban Khẩn cấp của WHO lần đầu ban bố mức cảnh báo cao nhất về Covid-19 là vào ngày 30.1.2020, khoảng 6 tuần trước khi WHO bắt đầu sử dụng từ đại dịch để gọi Covid-19. Việc này giúp nâng cao sự chú ý của quốc tế đối với mối đe dọa y tế chung và tăng cường sự hợp tác về vắc xin cũng như các phương pháp điều trị.

WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về Covid-19 - Ảnh 1.

Một người đi ngang bức hình minh họa virus tại Oldham, Anh ngày 3.8.2020

REUTERS

Theo CNN, PHEIC tạo sự đồng thuận giữa các nước nhằm tuân thủ các khuyến cáo của WHO trong việc quản lý tình trạng khẩn cấp. Mỗi nước lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế riêng để huy động nguồn lực hoặc nới lỏng quy định nhằm giảm nhẹ khủng hoảng.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đại dịch đã kết thúc. Nền kinh tế số 1 thế giới chuẩn bị chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế về Covid-19 vào ngày 11.5, đồng nghĩa sẽ không miễn phí các chi phí liên quan như vắc xin.

Việc dỡ bỏ PHEIC là bước tiến đáng kể nhưng WHO cảnh báo Covid-19 vẫn còn là mối đe dọa y tế toàn cầu.

Theo số liệu của WHO, hơn 765 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận từ đầu đại dịch và gần 7 triệu người tử vong. Châu Âu có số ca nhiễm lớn nhất nhưng châu Mỹ có số tử vong cao nhất. Số ca tử vong tại Mỹ chiếm khoảng 1/6 toàn cầu.

Số ca nhiễm đạt đỉnh vào tháng 12.2022 khi biến thể Omicron càn quét khắp các châu lục, đặc biệt là tại Tây Thái Bình Dương. Hàng tỉ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn cầu và số tử vong đang ở mức rất thấp so với các đợt đỉnh.

Trong tuần kết thúc vào ngày 24.4, thế giới có khoảng 3.500 ca tử vong trong khi giai đoạn đỉnh điểm vào tháng 1.2021 có hơn 100.000 ca tử vong mỗi tuần.

Vì sao WHO sa thải cựu trưởng nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.