WHO chính thức loại bỏ dần tên gọi ‘đậu mùa khỉ’ để tránh kỳ thị

Khánh An
Khánh An
28/11/2022 21:39 GMT+7

Căn bệnh sẽ được gọi là “mpox” và tên gọi mới sẽ thay đổi dần trước khi loại bỏ hoàn toàn tên gọi đậu mùa khỉ trong vòng một năm.

Người dân xếp hàng chờ tiêm ngừa đậu mùa khỉ tại London (Anh) hồi tháng 7

reuters

Theo Reuters ngày 28.11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo sẽ thay thế từ “đậu mùa khỉ” (monkeypox) bằng từ “mpox” và kêu gọi mọi người cùng thay đổi, sau một số khiếu nại cho rằng tên gọi của căn bệnh hiện nay mang tính kỳ thị.

“Cả 2 tên sẽ được sử dụng đồng thời trong một năm khi từ "đậu mùa khỉ" bị loại dần”, theo WHO.

Trước đó, WHO đã khởi động quy trình tham vấn công khai để tìm tên gọi mới cho căn bệnh. Một trong những đề xuất nổi bật là “mpox” hoặc “Mpox”, được đề xuất bởi tổ chức vì sức khỏe của nam giới REZO (Canada).

Tổ chức này khi đó cho rằng việc từ bỏ hình ảnh về loài khỉ sẽ giúp mọi người xem vấn đề khẩn cấp y tế này một cách nghiêm túc hơn.

Một số đề xuất khác mang tính khôi hài như “Poxy McPoxface”, ám chỉ Boaty McBoatface, tàu lặn tự hành của Anh để thám hiểm địa cực.

Bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên vào năm 1958 và được đặt tên theo loài vật đầu tiên có triệu chứng. Trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở người đầu tiên là một bệnh nhi ở CHDC Congo năm 1970. Đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng bệnh như đậu mùa, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Lãnh đạo WHO khuyên người đồng tính nam giảm số lượng bạn tình để tránh nhiễm đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể, giọt bắn trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết phát ban, vảy, vết loét hay chất dịch của người nhiễm bệnh, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Hồi tháng 8, Brazil ghi nhận nhiều trường hợp người dân ném đá vào các con khỉ đuôi sóc và khỉ mũ do lo ngại bệnh đậu mùa khỉ, dẫn đến cái chết của ít nhất 7 cá thể. Trong khi đó, các chuyên gia nhiều lần cho biết khỉ không lây bệnh đậu mùa cho người.

Bệnh chủ yếu lây lan tại một số nước Tây Phi và Trung Phi cho đến khi lan rộng vào năm nay. Hiện 110 nước ghi nhận tổng cộng khoảng 80.000 ca nhiễm và 55 ca tử vong, theo WHO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.