WHO: Cần tránh nhầm lẫn giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử

16/06/2023 10:00 GMT+7

Thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) đều là các loại thuốc lá mới, dù khác nhau về cấu tạo và đặc tính sản phẩm, đều có sử dụng thiết bị điện tử để giải phóng nicotine mà không phải đốt cháy như thuốc lá điếu thông thường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, không nên nhầm lẫn giữa hai sản phẩm này, và theo đó hướng dẫn quản lý riêng biệt đối với từng sản phẩm.

Thông tin về thuốc lá làm nóng (HTPs) do WHO công bố, phiên bản 2, cập nhật năm 2020

Thông tin về thuốc lá làm nóng (HTPs) do WHO công bố, phiên bản 2, cập nhật năm 2020

Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử: Sản phẩm nào đủ điều kiện quản lý theo luật hiện hành?

Tại kỳ họp COP 8 do WHO chủ trì, tổ chức này công nhận TLLN là sản phẩm thuốc lá và kêu gọi các quốc gia quản lý theo luật hiện hành của nước sở tại. WHO cũng phân biệt sự khác nhau giữa TLLN và TLĐT ở nguyên liệu sản phẩm, cách thức vận hành. TLLN làm nóng nguyên liệu thuốc lá để tạo ra khí hơi (aerosol) không chứa phân tử chất rắn và có hàm lượng nước và glycerin (chất phổ biến dùng trong thuốc và mỹ phẩm) chiếm 90%. Còn TLĐT không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ hóa hơi dung dịch tinh dầu có hoặc không có nicotine, cùng các chất khác.

WHO xác định thuốc lá nào cũng gây hại vì có nicotine gây nghiện. Do đó việc kiểm soát các sản phẩm gây hại tránh phổ biến trong cộng đồng là cần thiết. Đến nay đã có 184 trong 193 quốc gia thành viên của WHO hợp pháp hóa TLLN dưới luật hiện hành, phân loại là sản phẩm thuốc lá hoặc các loại khác. Đồng thuận với quan điểm của WHO, trong nước số đông ý kiến của các bộ ngành liên quan cho rằng, vì TLLN có nguyên liệu thuốc lá nên phù hợp để quản lý dưới Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012.

Đối với TLĐT, WHO cũng đã đưa ra hướng dẫn chi tiết để quản lý TLĐT nếu việc ngăn chặn là không khả thi nhằm mục tiêu bảo vệ giới trẻ, cộng đồng và ngăn chặn những tuyên bố liên quan đến sức khỏe mà chưa được WHO công nhận.

Theo văn bản pháp luật hiện nay, nếu xét theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 67/2013 hướng dẫn thi hành Luật PCTHTL thì: "Sản phẩm thuốc lá" là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá". Đồng thời theo Khoản 1 Điều 2 của Luật PCTHTL, TLLN với nguyên liệu cấu thành là từ cây thuốc lá thì đã có thể xếp vào nhóm sản phẩm thuốc lá, được điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Riêng TLĐT chỉ chứa các loại tinh dầu, thì chưa nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Kiểm soát thuốc lá mới ngay

Tại Việt Nam, với quan điểm bảo vệ giới trẻ và sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đang đề xuất cấm mọi sản phẩm thuốc lá mới, dù trong bối cảnh "ngăn sông cấm chợ" là rất khó. Trong khi đó, căn cứ trên sự phù hợp của hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như tạo cơ sở pháp lý để phòng chống buôn lậu, Bộ Công thương đã đề xuất quản lý thuốc lá mới bằng cách sửa đổi bổ sung Nghị định 67 sau khi thống nhất từ các bộ ban ngành liên quan.

Theo công bố mới nhất vào tháng 1.2023 của WHO, trong số 184 quốc gia thành viên WHO đã đưa TLLN vào quản lý có các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ cao như Mỹ, Anh, Canada, Nga, cùng phần lớn các nước châu Âu, và ở châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines... Trước khi WHO khuyến nghị các nước quản lý TLLN theo luật hiện hành thì Nhật Bản đã cho phép TLLN được kinh doanh trên thị trường từ năm 2014. Năm 2017, Liên bang Nga cũng chính thức cấp phép quản lý TLLN. Gần đây, Đài Loan đã thông qua luật hợp pháp hóa sản phẩm này từ tháng 1.2023.

Mặt khác, theo các chuyên gia, nếu Việt Nam cũng áp dụng luật để quản lý TLLN nói riêng và mọi loại thuốc lá mới nói chung thì đây chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để giúp ngăn chặn giới trẻ tiếp cận. Về mặt thực tiễn trên thế giới, đến nay đã có ít nhất 4 nghiên cứu độc lập chứng minh tỷ lệ sử dụng TLLN trong giới trẻ là rất thấp, chỉ ở mức khoảng 1%, bao gồm nghiên cứu từ FDA Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Bộ Y tế Nhật Bản và Trung tâm Giáo dục Sức khỏe Đức. Cụ thể, theo các nghiên cứu thực hiện từ 2019-2022, tỷ lệ sử dụng TLLN trong giới trẻ tại Mỹ là 0,7%, Nhật là 0,1%, Đức là 0,3%, và Thụy Sĩ là khoảng 0.9-1.3%.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở thanh thiếu niên 3 quốc gia Nhật, Đức, Thụy Sĩ

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở thanh thiếu niên 3 quốc gia Nhật, Đức, Thụy Sĩ

Phát biểu tại tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành", Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: "Vấn đề nóng hiện nay là công tác quản lý thuốc lá mới đang bị buông lỏng, dẫn đến nhiều kẽ hở cho thị trường chợ đen phát triển, các sản phẩm giả, kém chất lượng lọt vào Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, cần sửa Nghị định 67 để quản lý thuốc lá mới".

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm này, Đại biểu Quốc hội, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã nêu rõ: Quản lý là cần thiết, đặc biệt những sản phẩm đã được WHO xác định là thuốc lá thì cấm là khiên cưỡng. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể bắt người tiêu dùng bỏ thuốc lá được. Thay vào đó chúng ta hoàn toàn có thể giải thích cho người tiêu dùng hiểu được tác hại của thuốc lá, để từ đó họ có sự lựa chọn riêng cho mình. Cuối cùng, quyền sử dụng thuốc lá cũng là quyền hợp pháp". Được biết, bà Lan cũng là một trong những Đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật PCTHTL năm 2012.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.