Washington - Bắc Kinh: Từ hợp tác đến đối đầu

20/02/2022 08:00 GMT+7

Nhân dấu mốc 50 năm chuyến công du vào năm 1972 của Tổng thống Mỹ khi đó Richard Nixon đến Trung Quốc , Thanh Niên đã phỏng vấn một số chuyên gia quốc tế về quan hệ 2 nước.

Tham gia trả lời phỏng vấn có ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ; đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) và TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ).

Ông đánh giá thế nào về chuyến công du của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc? Chuyến đi ảnh hưởng thế nào đến tình hình châu Á - Thái Bình Dương?

Ông Schuster: Về ngắn hạn trong thời điểm đó, sự hợp tác của Trung Quốc với Mỹ đã làm tăng yêu cầu quốc phòng của Liên Xô và dẫn đến việc Bắc Kinh hỗ trợ Washington thu thập thông tin tình báo của Moscow. Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã mở cửa cho đầu tư của phương Tây và tăng lợi nhuận của tập đoàn Mỹ bằng cách cung cấp lao động chi phí thấp để sản xuất hàng hóa vận chuyển đến Mỹ. Ngược lại, một thị trường mới và tiềm năng, rộng lớn cho hàng hóa của Mỹ.

Trung Quốc đang thách thức vị thế của Mỹ

Reuters

Nhưng về dài hạn, rõ ràng nhiều người đã nhận ra các lợi ích chiến lược phần lớn trở nên tiêu cực. Sự kỳ vọng Trung Quốc trở thành một quốc gia đóng góp vào trật tự thế giới hiện có đã được chứng minh là ảo tưởng. Không những vậy, Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều về kinh tế, ngoại giao và quân sự so với những gì Liên Xô từng đạt được.

TS Heath: Chuyến công du trên đã mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác Mỹ - Trung sau nhiều thập kỷ thù địch. Vào thời điểm trên, diễn biến này đã phần nào giúp mang lại sự ổn định cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quả thực, sau cú bắt tay Mỹ - Trung vào năm 1972, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và giờ đây trở thành nguy cơ đe dọa vị thế của Mỹ. Như vậy, Washington phải chăng đã bị “xỏ mũi” khi tăng cường hợp tác với Bắc Kinh vào thập niên 1970?

Ông Schuster: Mỹ đã bị “xỏ mũi” bởi cả sự thiếu hiểu biết của họ đối với đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như giới tinh hoa chính trị và kinh tế của nước này. Bắc Kinh đã nói những gì Washington muốn nghe. Nhưng thực tế thì sau khi giàu mạnh, Bắc Kinh đã tìm cách kiểm soát giới tinh hoa phương Tây, khiến phương Tây phải lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

TS Heath: Hai bên thiết lập quan hệ hợp tác với nhau vào năm 1972 khi mà sức mạnh của Mỹ vượt trội hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong vài thập kỷ, mối quan hệ phát triển hai bên chủ yếu thông qua thương mại. Nhưng Trung Quốc đã lợi dụng mối quan hệ thân thiện với Mỹ để trở nên giàu có và quyền lực. Bây giờ Trung Quốc tìm cách xác định lại các điều khoản của mối quan hệ Mỹ - Trung.

Ông đánh giá thế nào về cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay?

Ông Schuster: Hiện tại, cạnh tranh Trung - Mỹ đang ở giai đoạn đầu trong chiến lược đối phó của Washington. Các nhà lãnh đạo Mỹ từng chấp nhận các hành động của Trung Quốc miễn là lợi ích thương mại, đầu tư và thu nhập lớn hơn các tổn thất địa chính trị. chi phí địa chính trị. Nhưng sau một thời gian thì các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như eo biển Đài Loan đã “đánh thức” các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

TS Heath: Trung Quốc đang tìm cách chiếm thế thượng phong và coi Mỹ như một cường quốc yếu hơn. Mỹ kiên quyết duy trì thế thượng phong và coi Trung Quốc là cường quốc yếu hơn. Kết quả của cuộc cạnh tranh sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các vấn đề mà các quốc gia bất đồng, bao gồm Biển Đông và Đài Loan cũng như thương mại. Cuộc cạnh tranh có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm cho đến khi vấn đề này được giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.