Vượt qua kỳ thi bằng nghĩa tình của người dân

30/06/2014 03:00 GMT+7

Cận kề ngày thi, người dân và tình nguyện viên cả nước vào cuộc tiếp sức từ việc đi lại, chỗ ăn ở, tư vấn học hành… đến chăm sóc sức khỏe và cả giấc ngủ cho thi sinh và người nhà.

 
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long (đơn vị 13 năm đồng tổ chức và tài trợ chương trình Tiếp sức mùa thi - ảnh) đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện hỗ trợ thí sinh.

Trong khi đời sống kinh tế hiện nay thật là khó khăn, nhưng vẫn không thiếu những tấm lòng nhân hậu của người dân góp công, góp sức và cả tiền bạc để giúp đỡ các thí sinh, cảm nhận của tiến sĩ thế nào về những tình cảm này?

Người ta thường nói: “Giúp đỡ mà không kể công thì mới gọi là giúp đỡ”. Câu nói này thể hiện rất đúng về nhiều người dân hiện nay tuy không giàu có nhưng tính nhân hậu của tấm lòng thì vô cùng, không sao kể xiết. Hình ảnh một bác xe ôm tận tình chở miễn phí một thí sinh từ bến xe về đến nhà trọ với nụ cười nở trên môi hay một chị chủ nhà trọ vui vẻ không tính tiền thuê nhà trong những ngày thí sinh bước vào phòng thi đã trở thành những câu chuyện rất đỗi đời thường khi mùa thi đang đến. Biết ơn làm sao đối với những tấm lòng cao quý ấy! Đó thực sự là những nghĩa tình cao đẹp, rất đáng được trân trọng, là điểm tựa tinh thần tạo ý thức nỗ lực vượt qua kỳ thi đối với các thí sinh từ khắp nơi trên mọi miền đất nước.

 

Tấm lòng cao cả của người dân mà tiến sĩ vừa nói là không thể kể hết được, tuy nhiên có người cho rằng việc trang bị “tận răng” sẽ làm cho thí sinh không tự thân nỗ lực?

Khi làm một việc tốt cho ai đó, chúng ta thường rất vui và mong người nhận điều tốt cảm thấy hài lòng, hạnh phúc. Sự mong muốn của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn nếu người nhận việc tốt này cũng sẽ làm điều tốt cho nhiều người khác, để từ đó hình thành nên những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội. Và chúng ta sẽ sống trong một cộng đồng mang tính nhân văn tích cực.

Tôi luôn tin rằng những thí sinh được tiếp sức hôm nay sẽ rất vui với những gì xã hội và cộng đồng mang đến, để từ đó trong họ hình thành lòng biết ơn, sự trân trọng và tình cảm tốt đẹp đối với cộng đồng. Tâm lý đợi chờ sự giúp đỡ sẽ không nhiều và đa số thí sinh có tinh thần tự thân nỗ lực rất cao. Trong thực tế, nếu một thí sinh luôn nỗ lực hết mình và bên cạnh đó còn nhận được sự hỗ trợ từ những người chung quanh thì sẽ tốt cho bạn ấy biết bao.

 

Nghĩa tình cao đẹp của người dân là điểm tựa tinh thần tạo ý thức nỗ lực vượt qua kỳ thi đối với các thí sinh từ khắp nơi trên mọi miền đất nước

Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa

Trong xã hội vốn có người hay, kẻ dở và chúng ta luôn mong muốn những sĩ tử hôm nay sẽ trở thành những người hay trong tương lai.

13 năm, tiến sĩ và cả Tập đoàn Thiên Long tập trung hỗ trợ thí sinh qua chương trình Tiếp sức mùa thi, ông có lời gửi gắm gì đến nhiều thí sinh ngày trước hiện giờ đã thành công nhất định trong xã hội?

Tôi cho rằng số lượng thí sinh nhận được sự hỗ trợ từ chương trình Tiếp sức mùa thi trong nhiều năm qua và nay đã có những thành công nhất định trong xã hội là khá lớn. Và thật đáng trân trọng khi nhìn thấy không ít thí sinh, khi trở thành sinh viên, đã quay lại tham gia chương trình với ý định tốt đẹp trong việc hỗ trợ đàn em có cùng hoàn cảnh như mình trước đây.

Nói như vậy để thấy rằng chưa đợi đến lúc thành đạt, những thí sinh hôm qua - sinh viên hôm nay đã biết trân trọng những gì mình nhận được từ xã hội để từ đó tiếp tục sẻ chia, nhân rộng tấm lòng tương thân, tương ái với cộng đồng.

Đối với những thí sinh ngày nào đã trở thành người thành đạt hôm nay, tôi mong rằng nhiều người trong họ sẽ luôn nhớ đến lúc khó khăn của bản thân và gia đình, đến sự giúp đỡ của bao người chung quanh để từ đó biết cách sống sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của xã hội, và biết cống hiến, phụng sự cho quê hương Việt Nam tuy còn nghèo về vật chất nhưng rất giàu về tình người.

 
Tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh tại Bến xe Miền Đông - Ảnh: Lê Thanh

Ý của tiến sĩ là sau khi được giúp đỡ nên tham gia các hoạt động xã hội hay là để thành công rồi mới đóng góp cho hoạt động xã hội?

Có một số bạn cho rằng khi việc học của mình đã hoàn tất, sự nghiệp, gia đình mỹ mãn… hay nói một cách khác, khi đã “thành công” theo một số tiêu chuẩn nào đó ở một thời điểm nào đó thì lúc ấy họ mới bắt đầu nghĩ đến cái được gọi là “đóng góp cho hoạt động xã hội”. Tôi e rằng cách nghĩ đó có sự ngộ nhận về khái niệm “thành công” và “đóng góp”. Khi chúng ta tham gia hoạt động xã hội thì đấy cũng chính là lúc chúng ta học làm người và đang đóng góp vì một xã hội nhân văn tốt đẹp. Sự học không đóng khung trong trường lớp và sự đóng góp cũng không chỉ đo bằng thời gian và tiền bạc. Trong tất cả sự thành công, có lẽ thành nhân là khó nhất và trong tất cả sự đóng góp, có lẽ sự đóng góp bằng tấm lòng chân thành, không toan tính là sự đóng góp đáng trân trọng nhất.

Khoảng thời gian này là cao điểm của việc giúp thí sinh, tiến sĩ có lời động viên gì đến các tình nguyện viên - những người không quản nắng mưa hết mình với thí sinh?

Dù biết rằng các tình nguyện viên, vốn tham gia chương trình do tinh thần và tấm lòng tự nguyện, song tôi vẫn xin gửi đến họ đôi lời và mong được xem đây là những lời động viên chân thành: Xin cảm ơn các bạn - những người đã mang lại sức sống cho chương trình Tiếp sức mùa thi trong nhiều năm qua. Nếu không có các bạn, chương trình mãi mãi là một ý tưởng vô hồn nằm trên bàn giấy. Chính các bạn là những người đã mang màu xanh tình nguyện, màu xanh của hy vọng đến với các thí sinh trên khắp cả nước. Tình nguyện viên chính là những người đã tạo nên hình ảnh thật đẹp, thật sống động và vô cùng gần gũi của ý nghĩa tình nguyện trong xã hội bộn bề, hối hả hiện nay.  

Đăng Trình
(thực hiện)

>> Cựu sinh viên 8 lần tiếp sức mùa thi
>> Phố núi chung tay tiếp sức mùa thi
>> Gần 1.200 đoàn viên ra quân 'Tiếp sức mùa thi
>> Tiếp sức mùa thi' 2014: Hỗ trợ hơn 700.000 lượt thí sinh và người thân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.