Vượt qua hội chứng uể oải

18/02/2013 03:00 GMT+7

Có đến hàng trăm cách được dân mạng hiến kế, chia sẻ cho nhau để cùng vượt qua hội chứng uể oải sau tết…

Lướt một vòng Facebook, không khí tết đã không còn khi ngày càng xuất hiện những câu trạng thái na ná: “Tết hết rồi”, “Tết đến nhanh và cũng đi nhanh”, “Đã là mùng 8 rồi ư”… Thế nhưng kèm theo đó là những lời than vãn vẫn còn lưu luyến tết.

Nhiều lý do được đưa ra như: Nhiều thói quen đã bị đảo lộn, ngủ trễ hơn và dậy trễ hơn, tinh thần thoải mái khi chỉ nghĩ đến việc lo vui chơi mà không nghĩ đến áp lực công việc trong suốt hơn một tuần…

 
Để bắt nhịp lại với công việc thì phải bỏ ngay được tâm lý nghỉ ngơi - Ảnh: shutterstock

 
Dân mạng ca thán làm thế nào để lấy lại cân bằng bản thân sau tết 

Dạo quanh các diễn đàn truongton.net, webtretho.com, các mạng xã hội YuMe, Zing Me… và đặc biệt là các trang diễn đàn các trường đều có thể bắt gặp hình ảnh tương tự. Trên trang sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhiều sinh viên lo ngại làm sao có thế chú tâm học tập khi vẫn còn vương vấn những ngày xuân. Trên YuMe, có thành viên chia sẻ sợ bị sếp la rầy đầu năm vì chắc hẳn không thể lấy lại phong độ làm việc tốt sau những ngày xả hơi… Còn trên Facebook, những trạng thái lo sợ này đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người bởi không chỉ giới đi làm mắc chứng uể oải sau tết mà ngay cả học sinh, sinh viên cũng không ngoại lệ.

Trên nhiều trang như: Hội những người thích chế Doraemon, Hội FA…, các khảo sát đưa ra: Liệu bạn có thể lấy lại cân bằng sau khi nghỉ tết hay chưa? Đa số thừa nhận quá khó khăn để có thể trở lại bình thường. Mỗi thành viên một góp ý, một chia sẻ và cẩm nang đối phó với hội chứng uể oải sau tết do dân mạng viết ngày càng dài hơn.

Theo thành viên Levunhu, để xốc lại tinh thần làm việc, học tập sau đợt nghỉ tết dài ngày, hay nói cách khác là đối phó với hội chứng “không muốn làm gì” sau tết không phải là điều quá khó khăn, không thể làm được. Đừng bao giờ cố trì hoãn đối mặt với guồng quay của năm mới, bởi đó là sự dễ dãi với bản thân, khiến làm chậm thêm quá trình học tập, phấn đấu của chính mình. Hãy luôn giữ trong đầu: Quẳng gánh vui chơi đi mà làm việc! Đã có khá nhiều lời khen và lượt yêu thích cho thành viên này bởi đã nói trúng “tim đen” của nhiều người.

Còn thành viên Quang Ngộ thì cho rằng việc đầu tiên để khiến bản thân bắt nhịp lại được với công việc, sự học là hãy loại bỏ ngay tâm lý thụ hưởng, tâm lý nghỉ ngơi trong những ngày tết. Không nên nghĩ rằng vẫn còn không khí tết, tháng giêng là tháng ăn chơi vì thế được quyền vui chơi, trễ nải học hành, công việc, thực chất chỉ khiến bài vở, công việc ùn ứ lại mà thôi. Trước sau gì cũng phải đối mặt với những kỳ phấn đấu không mệt mỏi hay những đợt thi cử căng thẳng.

Có ý kiến của thành viên trang webtretho.com được dân mạng chia sẻ khá nhiều là tìm bút giấy viết ra tất cả các kế hoạch, dự định được vạch từ trong năm mà chưa hoàn thành. Trong đó, đặt mục tiêu và vạch ra thời gian cho từng kế hoạch đó. Quan trọng nhất là chuẩn bị tinh thần thật sẵn sàng để thực hiện.

Tâm lý rề rà của học sinh

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp sau tết là tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều hơn, tình trạng vi phạm nền nếp, nội quy của trường học cũng tăng lên rõ rệt. Đây là giai đoạn mà các thầy cô chủ nhiệm vất vả nhất, luôn phải dành nhiều thời gian để quan tâm, nhắc nhở, uốn nắn…

Với tâm lý những ngày đầu sau tết chắc không học hành gì nhiều nên một bộ phận học sinh không vào trường mà thường xuyên la cà ở các tiệm internet với các trò chơi điện tử hoặc lang thang đâu đó không vào trường. Những bài học thầy cô hằng ngày vẫn giảng dạy bình thường, nhưng sau những ngày nghỉ các em sẽ khó tiếp thu được. Chính từ sự thờ ơ  dễ khiến các em sao nhãng việc học. Cùng với đó, các em thường nhận được nhiều tiền lì xì, nhưng kỹ năng tiêu tiền có ý nghĩa của các em chưa có. Hơn nữa, các em lại chứng kiến những trò đỏ đen như: đá gà, cờ bạc, lô đề của người lớn trong dịp tết thì sự giữ mình là điều rất khó đối với lứa tuổi học sinh. Từ sự lơi là của gia đình, cộng với những ngày nghỉ tết dài thì sự tiệm cận đến tình trạng bỏ học của các em là rất gần.

Trong những năm qua, tình trạng bỏ học ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên luôn có tỷ lệ cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, tỷ lệ bỏ học cao nhất lại là dịp tết cổ truyền. Sự giáo dục nghiêm khắc của nhà trường bao giờ cũng cần thiết để quản lý các em chặt chẽ trong những ngày cuối năm không chỉ về sĩ số mà qua những tiết chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, ngoài giờ, nhà trường cần giáo dục các em về nội quy, nền nếp, về văn hóa truyền thống. Để từ đó hướng các em ý thức được trách nhiệm học tập, ý thức được nhân cách sống, được tương lai của mình.

Sự làm gương của gia đình là quan trọng nhất trong những ngày này. Các bậc cha mẹ cần phải quan tâm đến lịch học tập của con em mình, về sự thay đổi bất thường về ngoại hình, tính cách để từ đó có sự liên hệ chặt chẽ với nhà trường nhằm giáo dục các em được tốt nhất, đồng thời có biện phán ngăn chặn tình trạng bỏ học vào dịp sau tết.

Nguyễn Văn Khánh

Cần phác họa kế hoạch thực hiện năm mới

Chuyện lưu luyến những ngày tết, cảm thấy uể oải khi vào học, khó tập trung khi vào làm là do quán tính tâm lý. Khi chúng ta thực hiện một hoạt động liên tiếp nhiều ngày thì sẽ hình thành được một thói quen, một nhịp sống (giả sử nếu mỗi ngày tập dậy sớm đúng 5 giờ 30 thì sau khoảng một tuần chúng ta sẽ tự động bật dậy đúng giờ mà không cần báo thức). Do đó, khi bắt đầu nghỉ tết, đầu óc chúng ta sẽ chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi. Sau gần hai tuần, trạng thái nghỉ ngơi đó trở thành một thói quen và tạo nên quán tính tâm lý gây trở ngại khi bắt đầu khởi động lại việc học tập, làm việc.

Đầu tiên, để không bị “dội” khi chuyển đột ngột từ hoạt động “ăn chơi” sang ăn học hoặc làm việc thì chúng ta nên có những bước “làm nóng” động cơ. 3 ngày cuối tết, mỗi tối hãy dành thời gian để ôn lại bài, xem lại các công việc, làm vài nhiệm vụ nhỏ. Từng bước từng bước sẽ nhẹ nhàng thoải mái hơn là vừa nổ máy đã phải tăng tốc ngay.

Khi nghỉ tết, nhiều trật tự sinh hoạt bị phá vỡ làm sức khỏe tụt giảm. Do đó, tên muốn bay thì cung phải có sức để mà bật, hãy thiết lập lại trật tự sinh hoạt hằng ngày sao cho điều độ; vừa để đảm bảo sức khỏe vừa để quay trở lại thói quen học hành làm việc cũ.

Đặc biệt, hãy ghi hoặc vẽ ra giấy những mục tiêu đầy kích thích mà bạn muốn đạt trong năm mới. Sau đó, phác họa thành kế hoạch thực hiện cụ thể để làm tấm bản đồ cho năm mới. Khi đó, ta sẽ háo hức bước đi đầy hứng thú để khởi sự cho một bậc thang mới trong hành trình cuộc đời mình.

Thạc sĩ  Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Xuân Phương

>> Học sinh được nghỉ Tết dương lịch 4 ngày
>> Học sinh TP.HCM nghỉ tết 16 ngày
>> CB-CNVC được nghỉ tết 9 ngày
>> Người dân ùn ùn kéo về Hà Nội sau tết
>> Giúp học sinh “bắt nhịp” sau tết
>> Đề xuất tăng thêm tàu phục vụ khách sau Tết
>> Osin “mải chơi”, chủ nhà “hết hơi” sau Tết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.