‘Vương quyền’ - nỗi niềm Lê Văn Duyệt

Hoàng Kim
Hoàng Kim
18/09/2022 10:46 GMT+7

Sân khấu Sen Việt vừa ra mắt vở cải lương Vương quyền (tác giả Bích Ngân, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt). Khán giả nôn nao đi xem, bởi trong đó có bóng dáng Tả quân Lê Văn Duyệt, người mà dân Sài Gòn - Gia Định tôn thờ.

Thật ra, kịch bản không hẳn viết về Lê Văn Duyệt, mà tác giả chỉ nhấn mạnh về ông trong chủ đề tư tưởng vương quyền, bởi vòng xoáy vương quyền cay nghiệt kia còn có những nhân vật khác như vua Minh Mạng, Thái hậu Trần Thị Đang, vương phi Tống Thị Quyên, hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán, sử quan Phạm Đăng Hưng. Họ đều bị cuốn trong mớ hỗn loạn tàn bạo chính trị, và nước mắt lẫn máu đã thấm ướt từng trang sử. Triều đại nào cũng có những góc khuất, đôi khi lỗi lầm không sửa chữa được, để nỗi đau dày vò đến tận nghìn sau.

NSƯT Kim Tiểu Long vai vua Minh Mạng, và NSND Thoại Miêu vai Thái hậu Thuận Thiên

h.k

Vua Gia Long trước khi mất đã để lại ngôi báu cho hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng), trong khi lẽ ra phải để lại cho hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán (con của hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, con trưởng vua Gia Long, gọi là dòng chính thất). Vì thế vương phi Tống Thị Quyên (vợ của Phúc Cảnh, mẹ của Phúc Đán) sôi sục muốn chiếm lại ngai vàng cho con mình. Tuy nhiên, vua Minh Mạng đã ra tay trước, coi như chú giết cháu, em chồng giết chị dâu. Không tìm ra lý do để triệt tiêu phe cánh này, chỉ có cách là vu cho Tống Thị Quyên và con trai Phúc Đán thông dâm với nhau. Minh Mạng biết Tả quân Lê Văn Duyệt trước kia vốn phù trợ hoàng tôn Phúc Đán, giờ muốn thử lòng trung thành của Lê Văn Duyệt với mình, nên bắt buộc Lê Văn Duyệt phải xử chết mẹ con Tống Thị Quyên. Lệnh ban ra lúc nửa đêm và lập tức thi hành, không qua xét xử. Tống Thị Quyên bị dìm nước chết, còn Phúc Đán bị đuổi khỏi cung, trở thành thường dân, và người em trai của Phúc Đán là Phúc Kính bị giữ làm lao dịch trong cung. Sau này cả Phúc Đán lẫn Phúc Kính đều chết sớm vì bệnh tật.

Chính vì vậy mà Lê Văn Duyệt đã dằn vặt bản thân cho đến lúc nhắm mắt. Ông không tha thứ cho mình, dù ông vẫn nói rằng phải hy sinh hai mẹ con Tống Thị Quyên vì hàng trăm ngàn dân Gia Định đang chờ ông. Vẫn biết “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, nhưng sinh mạng là sinh mạng, quý giá vô cùng, đặc biệt án oan trùm lên gia đình Tống Thị Quyên thì hai chữ oan khiên ấy đeo đẳng Lê Văn Duyệt biết dường nào.

Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh vào vai Lê Văn Duyệt với giọng ca ấm áp, gây được cảm tình cho khán giả. Hầu hết là các lớp diễn tự sự, nên cần một giọng ca như thế để chinh phục người ta. Còn nhân vật Minh Mạng do NSƯT Kim Tiểu Long đóng rất tốt, dung mạo, thần thái đều sáng ngời, sắc sảo, đúng khí chất tài giỏi của vị vua thứ hai nhà Nguyễn. Nhân vật Thái hậu Trần Thị Đang được NSND Thoại Miêu đảm nhận rất hay, giọng nói uy nghi, mạnh mẽ, gương mặt cứng rắn, nghiêm khắc, khán giả vỗ tay cho Thoại Miêu vì lâu lắm mới thấy chị xuất hiện, và phong độ không hề giảm sút.

Nghệ sĩ Bình Tinh vai Tống Thị Quyên và nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh vai Tả quân Lê Văn Duyệt

H.K

Điểm nhấn đẹp nhất của vở là nghệ sĩ Bình Tinh trong vai vương phi Tống Thị Quyên. Cô ca diễn đều máu lửa, mỗi khi xuất hiện lập tức sân khấu tràn ngập năng lượng, cuốn hút. Bi kịch của vương phi tạo đất diễn rất rộng cho Bình Tinh, và với sở trường tuồng cổ nhiều hành động, vũ đạo, Bình Tinh âm thầm chuyển hóa vào nhân vật, khiến người xem không chán. Đặc biệt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã dựng một lớp quá đẹp cho Bình Tinh, khi vương phi bị xử trầm hà (dìm xuống sông) gây ấn tượng rất mạnh cho khán giả. Lê Nguyên Đạt tìm được ngôn ngữ thể hiện cực kỳ giỏi, sử dụng những cây tre dài kết hợp với vũ đạo của Bình Tinh tạo hình, tạo thế, tạo bố cục rất tuyệt vời, mới mẻ, rúng động lòng người. Lớp diễn này đã đủ thỏa mãn giới sành điệu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.